'Áo xanh' tạo điểm tựa thoát nghèo từ mô hình bò sinh kế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những ngày cuối tháng 11 này, vợ chồng chị Hoàng Thị Thư (thôn Sơn Đồng, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) hồ hởi làm quen với việc chăm sóc chú bò đầu tiên của gia đình. Đây là phần quà tặng từ mô hình “Trao bò sinh kế” của Tỉnh Đoàn Thái Bình.

Gia đình chị Hoàng Thị Thư thuộc hộ nghèo ở thôn Sơn Đồng. Năm thành viên trong gia đình, gồm vợ chồng chị Thư, hai con học lớp 8 và lớp 10, cùng mẹ già yếu, nương náu trong nếp nhà cấp 4 đã xuống cấp. Thu nhập chính trông cậy từ 4 – 5 sào ruộng trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi lợn, gà.

Sẻ chia với hoàn cảnh của gia đình chị Thư, tổ chức Đoàn tỉnh Thái Bình đã dành tặng một chú bò từ mô hình “Trao bò sinh kế”.

Đã hơn một tuần đón nhận mô hình, chị Thư vẫn vẹn nguyên cảm xúc hạnh phúc khi lần đầu tiên gia đình sở hữu một chú bò. Các thành viên trong gia đình hồ hởi xây chuồng và làm quen với việc chăm sóc, cho bò ăn.

Chị Thư chia sẻ: “Con bò còn lạ chuồng, nhát người nên việc cho ăn còn khá khó khăn. Hai cháu còn đi học, việc chăn, cho bò ăn do vợ chồng tôi thay nhau làm. Đây không chỉ là tài sản có giá trị nhất trong nhà, mà còn mang theo hy vọng thoát nghèo cho gia đình tôi. Chúng tôi rất xúc động, trân trọng sự giúp đỡ, chia sẻ của Đoàn Thanh niên”.

'Áo xanh' tạo điểm tựa thoát nghèo từ mô hình bò sinh kế ảnh 1
Tỉnh Đoàn Thái Bình mong muốn thông qua mô hình bò sinh kế, sẽ khơi dậy ý chí tự lực tự cường của những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Cùng chung niềm vui đón nhận bò sinh kế và gửi gắm niềm hy vọng cuộc sống đủ đầy hơn, còn có gia đình em Vũ Thanh Thảo (xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ); gia đình chị Nguyễn Thị Minh (thôn Lê Lợi, xã Vũ Đông, TP. Thái Bình).

Tạo điểm tựa cho các gia đình khó khăn

Anh Thiệu Minh Quỳnh – Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Thái Bình cho biết, phát triển chăn nuôi trâu, bò nói chung, nhất là chăn nuôi bò cái sinh sản là một trong những giải pháp hiệu quả, từng bước giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống tiến tới làm giàu.

Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, người dân còn có nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây ngô, dây khoai lang, thân cây lạc, đậu, lá sắn… có thể sử dụng làm thức ăn tốt cho bò sinh sản. Chịu khó chăm sóc và thuận lợi, sau một năm bò cái sẽ sinh sản, từ đó có thể tăng số lượng bò theo từng năm.

Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên thanh niên trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, Tỉnh Đoàn đã triển khai mô hình “Trao tặng bò sinh kế”.

Theo anh Quỳnh, trong tháng 11/2024, Tỉnh Đoàn đã trao tặng 40 con bò giống cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồi côi… với tổng trị giá 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi bò cho các hộ gia đình nhằm phát huy hiệu quả tốt nhất về mô hình đã hỗ trợ.

'Áo xanh' tạo điểm tựa thoát nghèo từ mô hình bò sinh kế ảnh 2

Mô hình "Trao bò sinh kế" đã tạo một điểm tựa giúp các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi. Trong ảnh, anh Thiệu Minh Quỳnh trao biển tượng trưng mô hình bò sinh kế cho người dân.

Anh Thiệu Minh Quỳnh cho biết, trong thời gian tới Tỉnh Đoàn Thái Bình sẽ phối hợp với tổ cộng đồng thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình của các hộ dân; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức chăn nuôi cho các hộ dân. Khi có các chương trình tiêm chủng cho bò cũng sẽ tuyên truyền, tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ dân chăm sóc bò đạt hiệu quả cao.

Mô hình bò sinh kế được trao trong tới các hộ gia đình là món quà có ý nghĩa thiết thực, phù hợp nhằm tạo một điểm tựa giúp các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi… có điều kiện phát triển kinh tế thoát nghèo, nâng cao thu nhập để có điều kiện sống tốt hơn, thể hiện tính nhân văn sâu sắc "lá lành đùm lá rách”, anh Thiệu Minh Quỳnh – Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Thái Bình.
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.