TPHCM sẽ rà soát xử lý các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - TPHCM sẽ tiến hành rà soát các công trình, dự án tồn đọng; phân loại các nhóm dự án, công trình, xác định thẩm quyền, trình tự thủ tục và phân công cơ quan đầu mối thực hiện xử lý vướng mắc. Sau đó sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết để xử lý vướng mắc cho các công trình, dự án tồn đọng hoặc nhóm công trình, dự án tồn đọng...

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả.

Kế hoạch nhằm quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng hiệu quả các nguồn lực, triển khai nhanh các công trình, dự án, không để thất thoát, lãng phí, nhất là các dự án tồn đọng, dừng thi công, trụ sở các cơ quan, ngân hàng thương mại nhà nước, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp nhà nước, các bệnh viện, khu ký túc xá sinh viên… thuộc phạm vi, địa bàn thành phố quản lý (sau đây gọi là “Công trình, dự án tồn đọng”).

Theo đó, các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức; người đứng đầu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc UBND TPHCM hoặc của doanh nghiệp có phần vốn góp của các doanh nghiệp này căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung tiến hành triển khai rà soát để giải quyết dứt điểm các công trình, dự án tồn đọng, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.

Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 112 ngày 6/11/2024 và rà soát thực tế xử lý các công trình, dự án tồn đọng trên địa bàn TPHCM, các sở, ban, ngành tập trung rà soát 5 nhóm sau:

Nhóm 1: Các dự án đầu tư, bao gồm các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Nhóm 2: Các tài sản công bao gồm trụ sở, công sở của các cơ quan, đơn vị hoặc các tài sản công khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nhóm 3: Các tài sản, dự án đầu tư của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc UBND TPHCM hoặc của doanh nghiệp có phần vốn góp của các doanh nghiệp này; các dự án do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện, có sử dụng tài sản công để góp vốn, hết thời hạn hoạt động, gia hạn thời hạn hoạt động.

Nhóm 4: Các dự án đã hoặc đang liên quan tới quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.

Nhóm 5: Các khu đất có diện tích lớn, vị trí đắc địa, có phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng… chưa được đưa vào sử dụng.

Về quy trình thực hiện, UBND thành phố giao các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuần tự theo các bước.

Theo đó, đầu tiên là tổ chức rà soát các công trình, dự án tồn đọng. Tiếp đó là phân loại các nhóm dự án, công trình, xác định thẩm quyền, trình tự thủ tục và phân công cơ quan đầu mối thực hiện xử lý vướng mắc.

Xây dựng kế hoạch chi tiết để xử lý vướng mắc cho các công trình, dự án tồn đọng hoặc nhóm công trình, dự án tồn đọng.

Thực hiện kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc và phối hợp giải quyết vướng mắc cho tới khi có kết quả cuối cùng.

Và cuối cùng là tổng kết, đánh giá, báo cáo kết quả xử lý giải quyết vướng mắc.

Về tiêu chí rà soát, UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị rà soát theo tiêu chí đối với từng nhóm tương ứng, cụ thể:

Nhóm 1: Các dự án đầu tư, gồm 3 nhóm thành phần với tiêu chí cụ thể là Nhóm các dự án thực hiện theo Luật Đầu tư công; Nhóm các dự án thực hiện theo Luật Đầu tư; Nhóm các dự án đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP).

Nhóm 2: Các tài sản công, bao gồm trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả và các loại tài sản công khác không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả (khu ký túc xá sinh viên, các bệnh viện...).

Nhóm 3: Các tài sản, dự án đầu tư tồn đọng, dừng thi công, không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc UBND TPHCM hoặc của doanh nghiệp có phần vốn góp của các doanh nghiệp này; các dự án do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện, có sử dụng tài sản công để góp vốn, hết thời hạn hoạt động, gia hạn thời hạn hoạt động.

Nhóm 4: Các công trình, dự án tồn đọng liên quan tới quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử (bao gồm các dự án đã được tổng hợp trong danh sách của Tổ công tác 153 và các dự án có phát sinh việc thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử sắp tới).

Nhóm 5: Các khu đất có diện tích lớn, vị trí đắc địa, có phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng… chưa được đưa vào sử dụng.

MỚI - NÓNG
Quốc hội đồng ý tái khởi động điện hạt nhân, tăng vốn Vietnam Airlines
Quốc hội đồng ý tái khởi động điện hạt nhân, tăng vốn Vietnam Airlines
TPO - Quốc hội đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử. Quốc hội cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng.