Có 3 bài báo bị rút, gồm: 1/Combustion and emission behaviors of dual-fuel premixed charge compression ignition engine powered with n-pentanol and blend of diesel/waste tire oil included nanoparticles; 2/Exploration over combined impacts of modified piston bowl geometry and tert-butyl hydroquinone additive-included biodiesel/diesel blend on diesel engine behaviors; 3/Optimization of variable compression ratio diesel engine fueled with Zinc oxide nanoparticles and biodiesel emulsion using response surface methodology. Đây là những bài báo khoa học nghiên cứu thực nghiệm về ứng dụng nhiên liệu thay thế cho động cơ đốt trong, một lĩnh vực khá đặc thù.
Những bài báo của nhóm tác giả vừa bị Tạp chí Fuel rút bài |
Tác giả những bài báo trên gồm các ông: Anh Tuan Hoang (từng công tác tại Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM), Xuan Phuong Nguyen, Van Vang Le, Dao Nam Cao, Thanh Hai Truong (Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM) và Anh Tuan Le (ĐH Bách khoa Hà Nội).
Về nguyên do rút bài, đăng tải trên website của mình, Tạp chí Fuel cho rằng, các thay đổi về quyền tác giả đã được thực hiện trong quá trình sửa đổi các bài báo này.
Cụ thể, có tác giả đã bị loại ra và có tác giả khác được bổ sung vào trong các vòng sửa chữa của bài báo. Điều này đã vi phạm chính sách của tạp chí về quyền tác giả.
Ngoài ra, Tạp chí Fuel còn nêu thêm lý do khác là quá trình đánh giá bài báo này do Biên tập viên Abdulaziz Atabani và Tổng Biên tập tạp chí Fuel (Zuohua Huang – chịu trách nhiệm giao bài khu vực châu Á – Thái Bình Dương) có mối quan hệ với một số thành viên trong nhóm tác giả. Điều này đã làm ảnh hưởng đến quá trình biên tập.
"Các tác giả liên hệ (và các tác giả khác) đã phản hồi nhanh chóng các yêu cầu làm rõ về những điểm này, nhưng những lời giải thích đó không giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm. Do đó và do bản chất của những bất thường được phát hiện, Biên tập viên đã mất niềm tin vào tính hợp lệ/toàn vẹn và các phát hiện của bài báo và quyết định rút lại bài báo. Cộng đồng khoa học có quan điểm rất mạnh mẽ về vấn đề này và chúng tôi xin lỗi độc giả. Các tác giả không đồng ý với quyết định rút lại bài báo và tranh chấp các căn cứ cho quyết định này", Tạp chí Fuel đăng tải.
Đáng chú ý, trong nhóm tác giả bị rút bài báo khoa học có ông Hoàng Anh Tuấn, người từng giữ chức Tổng biên tập tạp chí Fuel – phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023.
Người trong cuộc nói gì?
Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn (đại diện nhóm tác giả có tên trong bài báo bị rút - PV) bày tỏ bức xúc và cho rằng, việc rút bài báo khoa học của nhóm tác giả do ông là tác giả chính là rất vô lý, thiếu minh bạch, áp đặt và có dấu hiệu trù dập tác giả từ NXB Elsevier và tạp chí Fuel.
Ông Tuấn giới thiệu các thành viên nhóm tác giả đang thực nghiệm nghiên cứu tại Ấn Độ. |
Theo ông Tuấn, ngày 17/5/2024, ông và nhóm tác giả nhận được email từ Ủy ban đạo đức của Elsevier về việc yêu cầu ông giải trình một số vấn đề liên quan đến một số bài báo đăng trên tạp chí Fuel trong thời gian giữa năm 2022 (trước khi Nhà xuất bản Elsevier gửi thư mời ông làm Tổng Biên tập của Tạp chí Fuel - PV).
"Trong thư, Ủy ban đạo đức của Nhà xuất bản Elsevier yêu cầu chúng tôi làm rõ một số vấn đề gồm: Tại sao chúng tôi lại có sự thay đổi tên tác giả trong các vòng sửa chữa?; Làm rõ mối liên hệ giữa nhóm tác giả với Tổng Biên tập và Biên tập viên giao bài; Làm rõ mối liên hệ giữa các tác giả", ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, để trả lời các câu hỏi của Elsevier, tất cả các tác giả đã phản hồi thư của Ủy ban đạo đức với nội dung: Tất cả các tác giả khẳng định không có mối liên hệ nào với Biên tập viên, mọi quá trình phản biện là do sự chỉ định của Tổng biên tập tạp chí Fuel, người đại diện cho Elsevier và được Elsevier trả lương để giao các bài báo của chúng tôi. Chúng tôi không có quyền và không thể can thiệp vào quá trình giao bài của Tổng biên tập, người có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất của Tạp chí.
Khi được yêu cầu nhận xét về chất lượng của các công trình trên, một số nhà khoa học thuộc lĩnh vực này cho rằng, các công trình trên là các bài báo thực nghiệm về nhiên liệu thay thế và động cơ đốt trong, có chất lượng cao và có nhiều kết quả mới.
Nhóm tác giả Việt Nam và Ấn Độ đang thực hiện thử nghiệm tại lab động cơ đốt trong tại Ấn Độ. Ảnh: NCCC |
Về sự thay đổi tên tác giả, ông Tuấn giải thích: "Trong quá trình sửa chữa, chúng tôi đã nhờ sự đóng góp của các tác giả có chuyên môn sâu về động cơ đốt trong, nhiên liệu thay thế và lý thuyết tối ưu nên chúng tôi đã bổ sung tên các tác giả đó vào bài báo dựa trên sự đóng góp của họ. Trong khi đó, một số tác giả đã không thể tiếp tục đóng góp cho công trình nên họ yêu cầu rút tên ra khỏi công trình. Điều này hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu khoa học. Các tác giả tham gia bài báo đều là thành viên các nhóm nghiên cứu với chúng tôi, chúng tôi đã có nhiều công bố khoa học cùng nhau”.
Theo TS. Phạm Hiệp: “Việc thay đổi tên tác giả hay thêm tên tác giả dựa trên sự đóng góp của họ đối với một công trình khoa học, được các tác giả đồng ý và không có xung đột thì hoàn toàn không liên quan đến lỗi đạo đức. Trong trường hợp này, lỗi (hành chính chứ không phải đạo đức) thực ra nằm ở ban biên tập nhưng cuối cùng nhóm tác giả lại là những người gánh hậu quả.”
Cũng theo ông Tuấn, ở một số nhà xuất bản khác như Springer, Taylor&Francis, Sage, hay American Chemical Society, Biên tập viên và quản lý tạp chí luôn hướng dẫn rất tỉ mỉ các tác giả nếu có sự thay đổi tác giả trong các vòng sửa chữa. Sau khi các lý do cho sự thay đổi đó được chấp thuận thì bài báo mới được gửi đi phản biện lại, nếu không bài báo sẽ bị từ chối hoặc không cho phép thay đổi tác giả. Tuy nhiên, Nhà xuất bản Elsevier đã bỏ mặc tác giả trong quá trình gửi bài mặc dù họ nắm được toàn bộ việc thay đổi tác giả trong quá trình này, và họ đã đổ lỗi cho các tác giả bằng cách rút bài báo của họ.
Ông Tuấn cho biết thêm, tất cả các tác giả đã gửi thư cho Ủy ban đạo đức, khẳng định không có mâu thuẫn về lợi ích (Tạp chí Fuel cũng đã xác nhận trên thông báo – PV) và các thủ tục nộp bài phải được kiểm tra bởi quản lý là của Tạp chí chứ không phải tác giả của bài báo nhưng vẫn bị rút bài.
Trước những cáo buộc và cách xử lý của Tạp chí Fuel và nhà xuất bản Elsevier, ông Tuấn cho biết, ông và nhóm tác giả đã phản đối rất quyết liệt cáo buộc này đồng thời gửi kèm các bằng chứng vi phạm đạo đức xuất bản và liêm chính khoa học của NXB Elsevier đến Uỷ ban đạo đức, Giám đốc NXB Elsevier, Quản lý cấp cao NXB Elsevier, Quản lý nhóm Tạp chí năng lượng - nhiên liệu, Tổng Biên tập của Tạp chí Fuel.
Được biết, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn được bổ nhiệm GS tại Đh Korea (Hàn quốc) từ tháng 6/2024. Ông Tuấn từng công tác tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM, sau đó chuyển sang làm Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á. Do có kế hoạch tham gia giảng dạy và hợp tác làm dự án với châu Âu dài ngày, ông Tuấn đã xin nghỉ việc tại Trường ĐH Đông Á từ đầu tháng 9. Ông có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về nhiên liệu thay thế, năng lượng tái tạo, động cơ đốt trong và các chiến lược khử carbon.
Cần có cái nhìn khách quan với nhà khoa học khi bị rút bài:
Trao đổi với Tiền Phong, TS. Lê Văn Út, Trưởng nhóm, Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và chính sách quản trị nghiên cứu, Trường Đại học Văn Lang cho hay, việc nhà khoa học bị rút bài báo khoa học ở Việt Nam nếu xử lý không khéo thì dễ làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn, tạo cơ hội để dư luận chỉ trích nhà khoa học mặc dù có thể chưa rõ nguyên nhân.
Theo ông Út, việc nhà khoa học bị rút bài báo khoa học có nhiều nguyên nhân gồm lỗi cố ý (như gian lận, ngụy tạo, đạo văn) và lỗi vô tình (như kết quả bị phát hiện sai sót ngoài mong đợi, các lỗi kỹ thuật, người làm nghiên cứu chưa biết hoặc chưa nắm rõ quy trình hoặc tự ý thêm tác giả sau các vòng chỉnh sửa bản thảo mà không thông qua tạp chí.
“Do đó, khi xảy ra việc nhà khoa học bị rút bài báo, việc đầu tiên là các cơ quan chủ quản của nhà khoa học cần tổ chức đánh giá, phân tích nguyên nhân từ đó xác định lỗi trên do cố ý hay vô tình. Kể cả lỗi cố ý, các cơ quan chủ quản cũng nên xem xét/xử lý theo hướng nhân văn, tạo cơ hội để nhà khoa học sửa sai, khắc phục tránh đẩy họ vào ngõ cụt, làm chùn bước nghiên cứu khoa học của họ và của cộng đồng khoa học nói chung.
Ngoài ra, phát triển NCKH luôn nhận sự quan tâm của cộng đồng và truyền thông nên các cơ quan chủ quản của nhà khoa học có bài báo bị rút cần có bộ phận cung cấp thông tin cho báo chí khi có yêu cầu, tránh trường hợp nhà khoa học có bài báo bị rút lúng túng vì không có kinh nghiệm phát biểu trên truyền thông”, ông Út nói.