Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị cơ chế đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ đô Hà Nội cũng có những đặc thù riêng, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sẽ có kiến nghị với Bộ GD&ĐT một số nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn hiện tại.

Ngay sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo đơn vị liên quan rà soát báo cáo đầy đủ, chính xác công tác tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2023-2024 của TP Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội đã rà soát số liệu cụ thể. Bởi trước đó, báo chí phản ánh tỉ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 thấp kỷ lục, chỉ chiếm 55,7%.

Hôm nay (11/7), ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, 55,7% đó là con số dự kiến trước khi xây dựng kế hoạch tuyển sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị cơ chế đặc thù ảnh 1

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội kiểm tra cơ sở vật chất các trường học trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Trên thực tế, năm học 2022-2023, toàn TP có 129.210 học sinh dự xét tốt nghiệp THCS. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, số lượng học sinh tiếp tục vào THPT khoảng 102.000 em bao gồm cả trường công lập và tư thục (tăng 1.000 em so với năm học trước). Trong đó, số học sinh tuyển vào các trường THPT công lập là 77.480 học sinh.

Cụ thể, có 115 trường THPT công lập không chuyên tuyển khoảng 72.000 học sinh (chiếm 55,7%), 4 trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên tuyển 2.480 em (chiếm 1,9%); 9 trường THPT công lập tự chủ tài chính tuyển 3.685 em (chiếm 2,85%); 4 trường THPT công lập hiệp quản tuyển 1.795 học sinh (chiếm 1,39%).

Hôm qua, căn cứ vào nguồn học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào các trường và đề xuất của các hiệu trưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục giảm điểm chuẩn bổ sung cho 30 trường nâng số lượng học sinh trúng tuyển lên 78.623 em, chiếm tỉ lệ 60,9% học sinh vào trường THPT công lập.

Căn cứ vào số liệu trên cơ sở dữ liệu ngành, đơn vị cũng đã có tính toán dự báo trong 3 năm học tiếp theo, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tăng gần 29.000 em tương đương với 722 lớp học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nói.

Năm học tiếp theo, 2024-2025, dự kiến có khoảng 134.942 em tốt nghiệp THCS, tăng hơn 5.700 em so với học học này.

Tuy nhiên, năm học 2025-2026, học sinh chỉ tăng khoảng 680 em so với năm 2023-2024. Năm 2026-2027 dự kiến lại có khoảng 151.710 học sinh, tăng 22.500 em so với năm học 2023-2024. Từ con số thực tế đó, Hà Nội thực hiện các giải pháp sửa chữa, cơi nới cơ sở vật chất, xây dựng thêm phòng học, trường học mới.

"Ví dụ năm học tới, nếu không tính trường công lập tự chủ tài chính và trường công lập hiệp quản, toàn TP sẽ có khoảng 121 trường THPT công lập (tăng 2 trường); năm 2025-2026 sẽ tăng 4 trường và năm tiếp theo tăng 6 trường", ông Cương nói.

Ngoài ra, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đã phê duyệt 7 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Các trường này sẽ được xây dựng ở: Thạch Thất, Đan Phượng, Cầu Giấy, Long Biên, Đông Anh.

Trong giai đoạn tiếp theo, UBND TP đã có kế hoạch về đầu tư xây dựng, cải tạo các trường công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư cấp TP có 139 dự án với tổng mức đầu tư là gần 8,9 nghìn tỉ đồng trong đó có 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT, 123 dự án đầu tư cho các trường hiện đang có.

Thừa thiếu trường học cục bộ

Khẳng định, Hà Nội không thiếu chỗ học cho học sinh tuy nhiên thực tế có tình trạng thừa thiếu cục bộ trường học trên địa bàn. Trong đó, áp lực đổ đồn về phía nội đô, nơi có nhiều chung cư cao tầng, dân số cơ học tăng nhanh trong khi các huyện ngoại thành có trường hạ điểm chuẩn tới 3 điểm mới tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp để tăng cường cơ sở vật chất trong thời gian tới bao gồm: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thành lập mới, sửa chữa, cải tạo các trường THPT công lập giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó rà soát những ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học các cấp tại các khu đô thị, khu nhà ở, nhất là những “điểm nóng” thiếu trường, lớp hiện nay. Ngành tham mưu cho UBND TP thu hồi các dự án chậm tiến độ trong việc xây dựng trường học bàn giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường học công lập đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Ngoài ra, một loạt giải pháp khác cũng sẽ được triển khai như: tiếp tục phân tuyến tuyển sinh phù hợp; đề xuất ưu tiên quỹ đất cho khu vực nội đô khi xí nghiệp, nhà máy, trường ĐH… di dời; đẩy mạnh xã hội hoá, huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích tổ chức, cá nhân xây dựng các trường ngoài công lập và nâng cao chất lượng giáo dục, hệ thống cơ sở vật chất ở các trường này để thu hút học sinh.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nói rằng, hằng năm, do sự tăng dân số cơ học nên số lượng học sinh dự tuyển vào lớp 10 trên địa bàn TP tăng nhanh, trong khi số trường, lớp xây mới, bổ sung chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. TP và ngành cũng đã nỗ lực để đảm bảo tỉ lệ học sinh vào học tại các trường THPT công lập khoảng 60%, đảm bảo đúng quy định tại Nghị quyết 35/NQ-CP và quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Kiến nghị cơ chế đặc thù

Thủ đô Hà Nội cũng có những đặc thù riêng, dịp này, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sẽ có kiến nghị với Bộ GD&ĐT một số nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn hiện tại.

Thứ nhất, kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép tăng 10% số lớp/ trường (từ 45 lớp/ trường học sẽ tăng lên thành 50 lớp/ trường học, tăng 5 lớp).

Thứ hai, Hà Nội kiến nghị cho phép tăng 10% sĩ số học sinh/ lớp đối với bậc THPT. Theo quy định hiện nay, sĩ số học sinh ở bậc THPT là 45 em/ lớp nay tăng lên thành 50 em/ lớp.

Thứ ba, Cho phép địa phương thay diện tích đất/ học sinh bằng diện tích sử dụng/ học sinh. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT xây dựng các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và phân luồng hàng năm, trung hạn làm căn cứ để các địa phương thực hiện.

UBND TP và các quận, huyện, thị xã tăng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm GDXT – GDNN vì hiện nay các cơ sở này vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng đào tạo của thị trường lao động Thủ đô, nhất là những ngành nghề mới.

MỚI - NÓNG