Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2023 do báo Tuổi trẻ TPHCM phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng các đơn vị tổ chức tại TP Hải Phòng và TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) ngày 26/2, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội GS. TS Nguyễn Tiến Thảo đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến kỳ thi đánh giá năng lực sắp tới.
GS Thảo cho hay năm nay có 8 đợt thi HSA. Bài thi kéo dài 195 phút chia thành 3 phần: định lượng Toán học, định tính ngôn ngữ Văn học, khoa học gồm các môn Vật lý, Hóa, Sinh. Tổng điểm là 150.
Ông Thảo chia sẻ, thống kê từ phổ điểm năm 2022 cho thấy, thí sinh đạt điểm cao nhất khi tham gia kỳ thi HSA là 135 điểm và chỉ có khoảng 8% thí sinh đạt điểm từ 100/150 trở lên.
Theo ông Nguyễn Tiến Thảo, đến thời điểm hiện tại có 70 trường lấy kết quả kỳ thi HSA để xét tuyển ĐH năm nay. Trong khi đó, năm 2022 con số này là trên 50 trường.
Bên cạnh đó, nhiều thí sinh quan tâm tới kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội.
PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết ngày 9/4, thí sinh có thể tham gia thi thử kỳ thi đánh giá tư duy miễn phí tại nhà. Ngoài ra, các thông tin liên quan đến đề thi minh họa, tài liệu ôn tập cũng sẽ được Nhà trường thông tin đến thí sinh.
PGS Nguyễn Phong Điền cho biết thêm, đã có nhiều trường ĐH lấy kết quả thi đánh giá tư duy để xét tuyển.
PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay năm nay, nhà trường giữ ổn định phương thức xét tuyển, trong đó tăng chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển riêng. Đối với phương thức này, có 5 đối tượng thí sinh có thể tham gia. Trong đó có đối tượng thí sinh sử dụng kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ quốc tế với kết quả thi tư duy hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc của ĐH Quốc gia TPHCM. Do đó, tham gia một trong những kỳ thi này thí sinh có thêm cơ hội để xét tuyển vào trường.