Điểm lại những trào lưu nghề nghiệp hấp dẫn người trẻ trong năm qua

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với nhiều bạn trẻ, 2022 là năm phục hồi, lấy lại năng lượng sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhất là sự thay đổi rõ nét trào lưu về nghề nghiệp, lối sống của thế hệ mới - Gen Z. 

Trào lưu "bỏ phố về vườn"

"Mình về quê nuôi cá và trồng thêm rau" là lời bài hát của Đen Vâu trong ca khúc Bài Này Chill Phết, đã trở thành câu nói vui có sức lan tỏa mạnh mẽ với nhiều người sau những áp lực mưu sinh nơi phố thị. Những năm gần đây, câu nói tưởng đùa vui ấy lại là sự lựa chọn của nhiều người trẻ khi dịch bệnh đã khiến công việc ở thành phố của họ bị đình trệ, mất thu nhập.

Điển hình trong đầu năm 2022, số lượng người trẻ rời phố về quê đã tăng lên đáng kể ở trên thế giới và cả ở Việt Nam. Thời điểm đó vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bạn trẻ gặp áp lực cơm áo gạo tiền ở phố thị lại càng có suy nghĩ muốn về quê để khởi nghiệp làm nông hay kết hợp sáng tạo nội dung số với các sản phẩm vùng miền...

Một ví dụ điển hình như Hải Yến (sinh năm 1994, quê ở Thái Nguyên) - cựu sinh viên khoa Mỹ thuật trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã liều lĩnh về quê với vỏn vẹn 3 bộ quần áo từ cách đây nhiều tháng. Hiện, cô bạn đã có mô hình kinh doanh quán cà phê mộc mạc ngay trên chính khu vườn của mình kết hợp quảng cáo, bán các đặc sản như chè, kẹo lạc... các sản phẩm được làm từ nguyên liệu tự nhiên.

Hay như chị Nguyễn Thị Miên (sinh năm 1993, quê ở Hải Dương) cùng chồng quyết định bỏ phố về quê và chọn sống ở nông trại rộng gần 9000m2, cách trung tâm thành phố Frankfurt (Đức) khoảng 100km. Hiện tại, Miên làm mẹ bỉm sữa toàn thời gian cho cậu nhóc 2 tuổi và chăm sóc nông trại của gia đình từ tháng 6/2020.

Nổi bật nhất cho trào lưu "bỏ phố về quê" là câu chuyện của vợ chồng tiến sĩ trẻ bỏ việc, về quê trồng rau hữu cơ đã lan tỏa đến nhiều người. Đó là chị Nguyễn Thị Duyên (quê ở Thái Bình) có bằng thạc sĩ nông nghiệp tại Autralia và anh Nguyễn Đức Chinh, tiến sĩ sinh học tại Nhật.

Điểm lại những trào lưu nghề nghiệp hấp dẫn người trẻ trong năm qua ảnh 2

Anh Nguyễn Đức Chinh (tiến sĩ sinh học tại Nhật) tâm huyết với dự án rau hữu cơ mà anh cùng vợ liều lĩnh thực hiện.

Bằng những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã học và nghiên cứu trong nhiều năm, vợ chồng tiến sĩ đã từng bước ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn để tạo ra sản phẩm rau sạch chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Không chỉ vậy, mô hình rau xanh của họ còn tạo ra việc làm cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, giúp họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Dẫu vậy, ở phố thị hay nông thôn đều có những khó khăn, trở ngại riêng nên nếu ai đó lựa chọn bỏ phố để trốn áp lực sẽ rất dễ "vỡ mộng" khi về vườn. Ngược lại, nếu đã hoạch định cuộc sống mơ ước và không ngại đi qua những con đường đầy gai thì hãy mạnh dạn và quyết đoán với sự lựa chọn của mình.

Nghề trải nghiệm sản phẩm "nở rộ"

KOC (Key Opinion Consumer) - những người tiêu dùng review đánh giá, nhận xét sản phẩm được xem là một công việc hot trong năm 2022. Đối với những bạn trẻ năng động, công việc này đã đem đến nguồn thu ổn định và có thể phát triển kinh doanh trên nền tảng số.

Dễ thấy, ai trong chúng ta cũng có thể dùng điện thoại quay video đăng tải lên nền tảng số được nhưng không phải ai cũng tham gia vào mạng lưới KOC hay trở thành KOC. Người dùng mạng xã hội như TikTok, Facebook… không khó tìm ra các video với nội dung "review quần áo", "đánh giá điện thoại", "review công nghệ… để phục vụ nhu cầu tiêu dùng sản phẩm của mình. Chính những người "thử", đánh giá sản phẩm, để người xem có thể dựa vào đó đưa ra quyết định có nên mua hay không đang được xem là một công việc hot.

Sở dĩ, một người làm review uy tín phải xác định được thế mạnh sáng tạo nội dung của mình, có các nội dung thể hiện sự đột phá riêng của bản thân hay có chiến lượng quảng bá hiệu quả.

Công việc này có thu nhập không giới hạn, tùy vào mức độ hiệu quả và KPI ứng với tiêu chí mà nhãn hàng đưa ra sẽ nhận mức lương tương ứng. Có những KOC lương trên 100 triệu/tháng, nhưng cũng có bạn chỉ vài triệu/tháng. Nhưng dù với mức lương nào thì công việc này cũng đã tạo điều kiện kiếm tiền cho những bạn trẻ thất nghiệp mùa dịch và tạo ra một xu hướng việc làm mới của Gen Z trong tương lai.

Sáng tạo nội dung số

Có thể hiểu, sáng tạo nội dung (content creator) là hoạt động hình thành ý tưởng và thể hiện một ý tưởng mới (hoặc ý tưởng cũ nhưng cách truyền đạt mới) thông qua các công cụ, phương tiện truyền thông là nền tảng mạng xã hội để tiếp cận với số đông công chúng.

Theo đó, các nền tảng mạng xã hội trở thành thị trường lao động chính của những bạn trẻ đam mê sáng tạo. Cơ hội mở rộng việc làm đa dạng như: Freelancer content creator, KOL, KOC, TikToker… và nhóm công việc liên quan đến tiếp thị liên kết đa nền tảng, quản trị thương hiệu, truyền thông số…

Điểm lại những trào lưu nghề nghiệp hấp dẫn người trẻ trong năm qua ảnh 3
Bạn Nguyễn Hồng Nhung sáng tạo nội dung thông qua kênh hình.

Riêng với nền tảng TikTok - app có lượt tải nhiều "chóng mặt" với format video ngắn dạng dọc trở thành xu thế thời đại và thị trường tiềm năng cho những "nhà sáng tạo nội dung số Gen Z". Khi theo dõi nền tảng này, dễ thấy ai cũng có thể sáng tạo và sản xuất nội dung. Lượng người sáng tạo nội dung tăng lên kèm theo nhu cầu tiêu thụ nội dung trên mạng của nhóm người tiêu thụ cũng tăng theo, ngay cả những người sáng tạo nội dung cũng trở thành người tiêu thụ nội dung. Điều này đặt ra câu hỏi, mỗi TikToker cần có kế hoạch sáng tạo nội dung, chiến lượng marketing ra sao để "định giá" được thương hiệu của mình trước yêu cầu của xã hội và trong hoạt động thương mại.

Thu nhập của người sáng tạo nội dung số nói chung đến từ doanh thu của nhãn hàng sau khi bán được nhiều sản phẩm nhờ sử dụng "hàng hóa ảo". Và mức độ tương tác chính là KPI của những người tạo nội dung, nó cũng sẽ quyết định định mức “tiền lương” cho mỗi sản phẩm tạo ra.

Xu hướng "nhảy việc" thích thì nghỉ của Gen Z

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến năm 2025, Gen Z chiếm gần 30% trong lực lượng lao động của Việt Nam. Và chuyển việc là hiện tượng thường thấy ở mọi độ tuổi nhưng nó xảy ra chóng vánh và mơ hồ hơn ở các bạn trẻ, đặc biệt là Gen Z trong năm qua. Bởi thế hệ này lớn lên trong thời đại công nghệ số, mang "màu sắc" riêng với tính cách nổi bật như ham sáng tạo, tìm tòi cái mới; tự tin thể hiện, khẳng định bản thân trước đám đông; đề cao cái tôi cá nhân và sự tự do...

Tuy nhiên, quyết định "nhảy việc" của mỗi bạn trẻ phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, đối tượng, môi trường làm việc khác nhau. Một số nguyên nhân tiêu biểu dẫn tới việc thay đổi công việc ở bạn trẻ có thể kể đến: bất mãn với sếp; thiếu cơ hội phát triển bản thân và thăng tiến trong công việc; chế độ lương thưởng không phù hợp; bản thân công việc không phù hợp với sở thích và tính cách; môi trường làm việc không phù hợp.

Với những chuyên gia tuyển dụng tiếp xúc với hàng trăm ứng viên mỗi ngày, họ phát hiện ra, không ít bạn Gen Z có xu hướng nhảy việc theo trào lưu, bắt chước khi thấy người khác nhảy việc thành công. Trong khi một người chuyển việc thành công thì họ phải rất chắc chắn về năng lực của mình, hiểu mong muốn của bản thân và rõ ràng về mục tiêu.

Điểm lại những trào lưu nghề nghiệp hấp dẫn người trẻ trong năm qua ảnh 4

Chuyên gia tâm lý Keira Ngo nói về hiện tượng "nhảy việc" của bạn trẻ.

MỚI - NÓNG