Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nói về mô hình đại học mới ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước những băn khoăn về tên gọi Đại học hay Trường Đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã có những chia sẻ cụ thể về vấn đề này.

Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, từ Trường Đại học (ĐH) chuyển thành ĐH là thay đổi về mặt quản trị nội tại của mỗi cơ sở giáo dục ĐH. Khái niệm “ĐH” xuất hiện từ năm 1995 khi thành lập 2 ĐH Quốc gia. Mô hình ĐH đã chính thức đưa vào Luật Giáo dục ĐH 2012. Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung 2018 (hay còn gọi là Luật 34) định nghĩa ĐH có mở rộng hơn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nói về mô hình đại học mới ở Việt Nam ảnh 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn

Trước đây, ĐH là hai cấp, trường ĐH thành viên trong ĐH như 2 ĐH Quốc gia, 3 ĐH vùng. Luật số 34 đã mở rộng hơn.

Theo đó, nội hàm của ĐH, và trường ĐH đã mở ra một điểm mới mà Bộ GD&ĐT nhận thấy đó là tiến bộ. Đó là ĐH không bắt buộc phải 2 cấp mà ĐH theo thông lệ thế giới là đa lĩnh vực, và đào tạo sau ĐH phải mạnh.

Nghị Định 99 hướng dẫn thực hiện Luật số 34 cũng cụ thể hóa các điều kiện thành lập ĐH như quy mô sinh viên, lĩnh vực đào tạo, đào tạo trình độ tiến sĩ.

Dường như nội hàm khái niệm ĐH, Trường ĐH trong Luật số 34 được mở rộng hơn đã khiến không ít người băn khoăn, nhất là khi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chuyển thành ĐH?

Từ trước đến nay, khái niệm Trường ĐH đã tồn tại ở Việt Nam và mọi người biết khá rõ.

Nhưng có sự khác nhau rất lớn về quy mô đào tạo, lĩnh vực đào tạo giữa các trường. Có trường ĐH, Học viện chỉ đào tạo vài ngành và quy mô chỉ 1.000 sinh viên. Nhưng có những trường ĐH quy mô lên đến 25.000 – 30.000 sinh viên thậm chí cao hơn. Nên nếu dùng khái niệm trường ĐH bao gồm tất cả các trường sẽ không hợp lý. Việc mở rộng khái niệm trong Luật 34 để có sự phân loại giữa các trường quy mô nhỏ - lĩnh vực hẹp với những trường quy mô lớn – nhiều lĩnh vực đào tạo và đào tạo tiến sĩ nhiều. Sự phân loại này không chỉ Việt Nam có mà các nước đều có ví dụ Mỹ, Anh có University và College… Trong đó, University có nghĩa rộng hơn so với College. University nghĩa là đại học, một trường đại học có thể bao gồm nhiều College ở trong trường đó. College là chương trình đào tạo, về một lĩnh vực cụ thể.

Với mô hình như ĐH Bách khoa Hà Nội là thêm một sự phân loại. Vì những trường ĐH quy mô lớn, đào tạo nhiều trình độ, việc quản lý mô hình giống như một trường ĐH nhỏ không còn phù hợp. Do vậy phải phân quyền phân cấp nhiều hơn cho các đơn vị. Cần phải phân biệt rõ, cơ sở giáo dục ĐH, tức trường ĐH phải do Thủ tướng có quyết định thành lập. Điều này có nghĩa thành lập trường ĐH thành viên, không khác gì thành lập một trường ĐH mới.

Còn các trường thuộc ĐH do Hội đồng trường quyết định thành lập và không phải là một cơ sở giáo dục ĐH mới. Vì vậy không thể gọi là Trường ĐH nên không có quyền cấp bằng, hay tự chủ tài chính, tài sản… mà thực hiện theo quy chế hoạt động của ĐH đó. Những trường này khác với các khoa trong trường ĐH là có cơ hội đăng ký hoạt động khoa học công nghệ và với trường có quy mô lớn thì phát huy được sức mạnh, giảm đầu mối, chọn được người giỏi lãnh đạo, hoạt động tốt hơn, đa lĩnh vực.

Hiện tại Việt Nam đang có 2 mô hình ĐH là: ĐH Quốc gia và ĐH vùng.

Nếu trường nào cũng xây dựng thành ĐH, theo ông, hệ thống có đủ tải không?

Thứ nhất không phải trường nào cũng muốn trở thành ĐH và có khả năng trở thành ĐH, ít nhất trong thời gian tới. Mỗi trường ĐH có chiến lược phát triển riêng. Ví dụ trường nghệ thuật chắc chắn sẽ không có ý định phát triển thành ĐH đa ngành đa lĩnh vực.

Đến năm 2025 có thể có 5-7 trường, nhưng không quá nhiều.

Còn hệ thống có chịu được không, cần khẳng định trường ĐH thành ĐH không liên quan đến hệ thống. Việc chuyển từ trường ĐH thành ĐH cơ bản là thay đổi cấu trúc và hệ thống quản trị bên trong. Khi đó, vai trò của cơ quan nhà nước là cần tìm cho nó một cái tên và phân loại phù hợp.

ĐH hay trường ĐH, cái nào lợi hơn?

Thế không loại trừ trường hợp một số trường thành lập các điều kiện để thành ĐH mà không phải vì mục đích thay đổi nội tại của mình mà chỉ cần có tên gọi ĐH?

Tôi xin khẳng định: chuyển thành ĐH không phải để thể hiện đẳng cấp; cũng không ai nói các ĐH vùng có vị thế cao hơn các trường ĐH lớn và không luật nào phân biệt chuyện đó. Một trường ĐH lên ĐH không có nghĩa là chuyển vị thế của nó. Đẳng cấp của một trường phải do trường đó khẳng định.

Đẳng cấp ở kết quả nghiên cứu, kết quả đào tạo, kết quả đóng góp cho cộng đồng, xã hội,… các trường tự thể hiện đẳng cấp của mình qua những yếu tố đó.

Do vậy, việc chuyển thành ĐH không phải các trường phấn đấu đủ điều kiện một cách cơ học. Bộ cũng phải xem xét đề án của các trường, lý giải sự phù hợp và có thẩm định.

Kể cả một trường nào đó trở thành ĐH, ngoài quyền tự chủ cao hơn một chút về mặt học thuật thì cơ bản không khác trường ĐH. Nên dù lên ĐH nhưng anh không khẳng định được thì cũng như các trường ĐH khác.

Dẫu vậy, vẫn sẽ có một số trường cho rằng trở thành ĐH sẽ có sức hút hơn với thí sinh?

Thực tế hiện nay cho thấy 3 ĐH vùng chưa chắc đã thu hút thí sinh hơn các trường ĐH khác. Cho nên, đẳng cấp của một trường không thể hiện ở cái tên. Thí sinh không quan tâm đến điều này. Nhưng một trường đổi mới, quản trị tốt hơn, mang lại uy tín thì lúc đó sẽ thu hút người học.

Cảm ơn ông!

Mô hình ĐH theo Luật số 34 là Trường ĐH chuyển thành ĐH như ĐH Bách khoa Hà Nội vừa qua. Hoặc các trường ĐH liên kết với nhau để hình thành ĐH. Với mỗi mô hình, Luật cũng quy định rất rõ điều kiện để có thể chuyển thành ĐH.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.