Quốc hội thảo luận về phòng, chống tội phạm: Bịt 'kẽ hở' trong lĩnh vực chứng khoán, đất đai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 8/11, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân ( VKSND) Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Quốc hội thảo luận về phòng, chống tội phạm: Bịt 'kẽ hở' trong lĩnh vực chứng khoán, đất đai ảnh 1
Người dân trở thành nạn nhân của nhiều vụ "úp sọt" chứng khoán. Ảnh: Như Ý

Đại diện Chính phủ báo cáo tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng cơ bản đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Tuy nhiên, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp. Nổi lên là những sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, phòng, chống dịch bệnh... Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm.

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, thời gian qua đã khởi tố điều tra nhiều người có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý thị trường chứng khoán với thủ đoạn tinh vi, phức tạp và hành vi phát hành trái phiếu trái quy định, nhằm chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Trong đó, một số vụ án điển hình như: Vụ án Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm về tội Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Cty Cổ phần Tập đoàn FLC, Cty Cổ phần chứng khoán BOS và các công ty có liên quan; vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng.

Tại phiên thảo luận, đề cập tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, qua một vài vụ khởi tố bị can về tội thao túng chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra đã phát hiện các hành vi, thủ đoạn như: Hành vi mua, bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin; thao túng với thủ đoạn mượn, thuê người mở nhiều tài khoản chứng khoán, liên tục mua, bán cổ phiếu nhằm tạo cung - cầu giả, đẩy giá cổ phiếu, thu hút nhà đầu tư, sau đó bán thu lợi bất chính…

Theo bà Hoa, các hành vi với những thủ đoạn nêu trên đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho nhiều nhà đầu tư; làm thị trường chứng khoán có những giai đoạn chao đảo, giảm điểm mạnh; ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn… Từ các phân tích trên, đại biểu Hoa kiến nghị sửa đổi quy định của pháp luật có liên quan về thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp để khắc phục những sơ hở nêu trên. Đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân, thậm chí pháp nhân thương mại trực tiếp có liên quan, nếu có đầy đủ dấu hiệu.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng, cần quan tâm đến phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Theo ông, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí, hậu quả của nó. Đại biểu tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc tăng cường thực thi pháp luật đất đai hiệu quả sẽ có tác động rất lớn, rất quan trọng. “Một khi hiệu quả của việc thực thi pháp luật về đất đai tăng lên thì khả năng điều tra và trừng phạt sẽ tăng lên. Nếu chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng. Ngược lại, nếu thực thi nghiêm chỉnh các quy định pháp luật đất đai cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn vi phạm pháp luật trong thời gian tới sẽ giảm”, ông Hoàn cho hay.

“Tham nhũng vặt” như “vòi bạch tuộc”

Báo cáo Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Đáng lưu ý, ngành Toà án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 840 vụ, 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 4.027 tỷ đồng và nhiều tài sản khác. Các tòa án cũng đã đưa ra xét xử 188 vụ với 297 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh. “Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý công chức có hành vi vi phạm được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc”, ông Bình khẳng định.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đề nghị xem xét nghiên cứu xây dựng Luật Ðạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người để nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

Thẩm tra các báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật. “Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,9% cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa”, bà Nga cho hay.

Tại phiên thảo luận, đề cập tình trạng “tham nhũng vặt” , đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá, “tham nhũng vặt” ngày càng tinh vi, nhức nhối, gây phiền hà, khiến người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, phải quà cáp, biếu xén. Theo ông, “tham nhũng vặt” như “vòi bạch tuộc” bám chặt, làm chùn bước nhà đầu tư, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Nhiều vụ việc còn đòi hỏi phí bôi trơn, có thể gặp trong khám chữa bệnh, tư vấn đất, thi tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ…

“Họ lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách tranh thủ sự thiếu hiểu biết của công dân, tận dụng tối đa vị trí công tác đang nắm giữ để đòi hỏi lót tay yêu cầu bôi trơn”, ông Trí phản ánh, đồng thời cho rằng, chống “tham nhũng vặt” có thể làm được tốt hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của nhân dân. Vì vậy, cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn và rộng hơn. “Khi nhân dân nói ra, phát hiện ra thì mới hiệu quả”, ông Trí nói.

MỚI - NÓNG
Thanh niên rửa xe gây quỹ từ thiện
Thanh niên rửa xe gây quỹ từ thiện
TPO - Dù trời giá rét nhưng các đoàn viên thanh niên thị xã Thái Hòa (Nghệ An) vẫn lập điểm rửa xe để gây quỹ, nhằm có nguồn kinh phí hỗ trợ, trao tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.