Ðại hội VFF sẽ gay cấn và kén chọn được người tài thực sự nếu đổi mới cách thức bầu cử? Ảnh: Anh Ðoàn |
Chiều 28/10, TGĐ Công ty cổ phần Giải pháp truyền hình Thế hệ mới (Next Media) Nguyễn Trung Kiên đã có cuộc gặp nhỏ với giới truyền thông. Ông Kiên cho biết muốn trình bày một số chiến lược, kế hoạch hành động của mình trong trường hợp đắc cử vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF nhiệm kỳ 9.
Nổi bật trong đó là mục tiêu giúp nguồn thu của VFF tăng trưởng 50% mỗi năm, đẩy mạnh hoạt động kết nối với các doanh nghiệp trong, ngoài nước và đầu tư cho bóng đá trẻ.
Cuộc đua ở đại hội 9 không quá căng thẳng như các kỳ gần đây, nhưng cũng không kém phần sôi động. Vị trí Chủ tịch chỉ có 1 ứng viên là quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, dự báo sẽ không có bất ngờ. Ghế Phó chủ tịch chuyên môn hiện có 2 ứng viên là Chủ tịch VPF Trần Anh Tú và cựu Trưởng giải V-League Dương Nghiệp Khôi.
Hai vị trí “căng” nhất theo dự báo của giới chuyên môn là ghế Phó chủ tịch truyền thông (4 ứng viên) và Phó chủ tịch tài chính VFF, ngoài ông Nguyễn Trung Kiên còn đương kim Phó chủ tịch Lê Văn Thành. Đến thời điểm hiện tại, ông Kiên là người đầu tiên trong các ứng viên đưa ra kế hoạch, mục tiêu khi tranh cử.
Trên thực tế ở các kỳ đại hội gần đây, đã có nhiều băn khoăn về việc VFF cần dành thêm thời gian trong chương trình đại hội để các ứng viên có thể trình bày kế hoạch hành động, và các ứng viên đều cần có đề án. Việc này nhằm giúp các tổ chức thành viên dễ đưa ra lựa chọn khi bỏ phiếu. Tuy nhiên cùng với việc tổ chức đại hội kín, VFF cũng không cho thêm ứng viên có cơ hội phát biểu nhiều khi vào cuộc.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong trước khi đại hội chính thức tổ chức, Thường trực và BCH VFF sẽ có các cuộc họp để quyết định lần cuối chương trình đại hội. Tuy nhiên gần như chắc chắn, đại hội 9 sẽ bầu cử kín, và cũng không thêm thời gian để ứng viên trình bày, thuyết phục các tổ chức thành viên.
“Đây là thông lệ, và các liên đoàn quốc tế cũng tổ chức tương tự. Đại hội sẽ không có phần để các ứng viên trình bày, nhưng chúng tôi khuyến khích ứng viên tự tổ chức các họp báo, công khai đề án hoặc mục tiêu, chương trình hành động”-một lãnh đạo VFF cho biết.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, dù Next Media gắn liền với bóng đá nhiều năm, các đơn vị thành viên đều biết nhưng ông cũng không có điều kiện gặp từng thành viên để chia sẻ các kế hoạch của mình. Vì vậy, ông Kiên chọn cách thông qua kênh truyền thông để trình bày.
Nhiều thành viên BCH Liên đoàn bóng đá Việt Nam từng ủng hộ việc VFF mở cửa đại hội như nhiệm kỳ 7, đồng thời để ứng viên tranh cử có cơ hội diễn thuyết. Trong số này có Ủy viên BCH VFF thuộc diện kỳ cựu là ông Nguyễn Hồng Thanh (SLNA). Ông Nguyễn Hồng Thanh từng cho rằng VFF không có gì thiếu minh bạch để phải đóng cửa đại hội.
Trưởng ban Thể thao báo Lao Động-nhà báo Phạm Đăng Huỳnh cũng chia sẻ quan điểm, VFF có thể thay đổi phương thức bầu cử qua đó tạo không khí mới mẻ, giàu sức cuốn hút của bộ máy lãnh đạo mới.
“Tôi thích mẫu ứng viên mạnh mẽ, có kế hoạch hành động và dám trình bày trước các tổ chức thành viên một cách công khai. Người bỏ phiếu có cơ hội đánh giá, so sánh phong độ, năng lực mỗi ứng viên bên cạnh việc nghiên cứu hồ sơ. Nếu ví đại hội VFF như một trận đấu thì tôi nghĩ điều này sẽ giúp cuộc bầu cử trở nên hấp dẫn, các thành viên chọn được người thực sự tài năng, không loại trừ những kết quả bất ngờ”-nhà báo Phạm Đăng Huỳnh cho biết.