Yêu cầu sửa chữa ngay hư hỏng ở đường hầm sông Sài Gòn sau 10 năm hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Căn cứ vào Báo cáo kết quả kiểm định công trình đường hầm sông Sài Gòn, Sở GTVT TPHCM yêu cầu Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị tổ chức triển khai sửa chữa ngay các hư hỏng của công trình.

Sở GTVT TPHCM vừa có văn bản gửi Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TPHCM, thông báo ý kiến về kết quả kiểm định công trình đường hầm sông Sài Gòn.

Trước đó, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP (đơn vị quản lý đường hầm sông Sài Gòn) đã báo cáo Sở GTVT về kết quả kiểm định định kỳ của đường hầm sông Sài Gòn. Theo báo cáo, sau 10 năm khai thác, đường hầm sông Sài Gòn có một số hư hỏng đang được xử lý và theo dõi.

Về kết cấu, hầm dẫn chữ U (hầm dẫn lên xuống), cầu thang bộ, hầm dìm làm việc rất an toàn dưới tác dụng của tải trọng thử.

Mặc dù vậy, bê tông hầm dẫn chữ U xuất hiện các vết nứt. Ngoài ra, tường ngoài (trong đất) đã được phun vữa bê tông nhưng vẫn xuất hiện nhiều vị trí thấm. Các vị trí thấm đã được xử lý bằng biện pháp bơm keo hoặc đổ trám bằng bê tông đang tiếp tục được theo dõi...

Các hư hỏng này tư vấn kiểm định đánh giá là chưa ảnh hưởng ngay đến khả năng chịu lực của công trình, tuy nhiên cần tiến hành theo dõi thường xuyên và sửa chữa kịp thời đảm bảo tuổi thọ và độ bền khai thác lâu dài của công trình.

Yêu cầu sửa chữa ngay hư hỏng ở đường hầm sông Sài Gòn sau 10 năm hoạt động ảnh 1

Lối vào đường hầm sông Sài Gòn phía bờ quận 1, TPHCM.

Căn cứ vào Báo cáo kết quả kiểm định công trình đường hầm sông Sài Gòn, Sở GTVT TPHCM yêu cầu Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị tổ chức triển khai sửa chữa ngay các hư hỏng nhỏ của công trình.

Đồng thời, đề xuất thực hiện theo hình thức lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật nếu công tác sửa chữa công trình có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; lập kế hoạch bảo trì công trình và tổ chức quản lý, bảo trì công trình theo đúng quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ, Quy trình quản lý, vận hành và bảo trì kết cấu và thiết bị đường hầm sông Sài Gòn và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khác có liên quan.

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị còn được giao tổ chức quản lý chất lượng công tác kiểm định công trình đường hầm sông Sài Gòn theo đúng quy định.

Đồng thời, rà soát, đánh giá Quy trình quản lý vận hành và bảo trì kết cấu và thiết bị đường hầm sông Sài Gòn. Trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh, bổ sung nhằm xây dựng đầy đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá: mức độ xuống cấp (suy giảm) theo thời gian của cường độ vật liệu (bê tông); gia tăng khả năng tác động xâm thực (hàm lượng ion Clo, hàm lượng Sunfat trong bê tông vỏ hầm dưới tác động của nước sông;...); bổ sung các hệ thống thiết bị mới được đầu tư lắp đặt,…

Bên cạnh đó, báo cáo đề xuất xây dựng hệ thống quan trắc tự động công trình đường hầm sông Sài Gòn nhằm thu thập các dữ liệu về ứng xử của công trình dưới các trạng thái tác động khác nhau trong quá trình khai thác.

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị cần sử dụng hệ thống này để phát hiện kịp thời các ứng xử bất thường, liên tục của kết cấu công trình, đề xuất các biện pháp bảo trì, khai thác, sử dụng công trình.

Đường hầm sông Sài Gòn (còn gọi là hầm Thủ Thiêm) là đường hầm vượt qua sông Sài Gòn. Đây là một phần trong dự án Đại lộ Đông Tây nối quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc TP Thủ Đức. Đường hầm được thông xe chính thức vào ngày 21/11/2011.

Trước đó, theo đề xuất của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT TPHCM đã đóng cửa hầm Thủ Thiêm trong hai buổi tối 19 và 20/12/2021 để các đơn vị chức năng kiểm tra các hạng mục của công trình này trước khi lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của công trình.

Việc kiểm định diễn ra trong thời gian từ 23h ngày 19/12 đến 4h ngày 20/12/2021 và từ 23h ngày 20/12 đến 4h ngày 21/12/2021.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.