Bóng đá nữ Việt Nam và dấu mốc lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sự kiện Huỳnh Như tới châu Âu chơi bóng mang nhiều ý nghĩa hơn chúng ta hình dung. Đây là một dấu mốc quan trọng, mở ra cánh cửa xuất ngoại vốn khép kín bấy lâu của bóng đá nữ Việt Nam.

Lẽ ra Huỳnh Như đã gia nhập Lank FC Vilaverdense từ 2 năm trước, khi CLB Bồ Đào Nha cử đại diện sang Việt Nam vào tháng 8/2020. Cũng không chỉ đội trưởng ĐT nữ Việt Nam, danh sách muốn chiêu mộ của họ còn có Nguyễn Thị Tuyết Dung và Phạm Hải Yến. Thời điểm đó Lank FC quyết tâm giành vé lên chơi ở hạng Nhất Bồ Đào Nha. Họ muốn nâng cấp đội bóng bằng bộ ba tấn công của ĐT nữ Việt Nam.

Bóng đá nữ Việt Nam và dấu mốc lịch sử ảnh 1

Huỳnh Như có thể là nguồn cảm hứng để các tuyển thủ khác xuất ngoại. Ảnh: VFF

Chuyện không thành bởi nhiều lý do. Ngoài lý do dịch bệnh còn vướng mắc ở vấn đề thủ tục. Như đã biết, bóng đá nữ Việt Nam vẫn chưa được chuyên nghiệp hóa. “Họ chuyên nghiệp, mình nghiệp dư nên có độ vênh”, lãnh đạo CLB Phong Phú Hà Nam nói vào năm 2020. Các nữ cầu thủ còn là viên chức, để xuất ngoại, ngoài CLB, cần sự cho phép của Sở VH-TT và UBND tỉnh hoặc thành phố. Chưa kể còn liên quan đến VFF. Vì vậy cơ hội đã qua đi, dù Tuyết Dung hay Huỳnh Như đều háo hức trước viễn cảnh chơi bóng ở châu Âu.

Hồi đầu năm nay, HLV Phan Thị Anh Đào tiết lộ Brisbane City (thuộc giải hạng 2 Australia), CLB mà bà đang làm trợ lý HLV đội một, muốn chiêu mộ các nữ cầu thủ Việt Nam. Thế nhưng câu chuyện vẫn dừng ở mức ý tưởng. Đến nay, Trần Thị Hồng Nhung vẫn là cầu thủ nữ duy nhất từng chơi bóng ở nước ngoài. Đó là bản hợp đồng cho mượn ngắn hạn, Nhung chỉ chơi 1 trận cho Chonburi (Thái Lan) trước khi về nước.

Không chỉ các cầu thủ, ngay cả HLV Mai Đức Chung cũng từng nhận được đề nghị từ một CLB Bồ Đào Nha. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói: “Không ai biết việc đội bóng Bồ Đào Nha mời tôi sang dẫn dắt, và tôi cũng đã gửi hồ sơ giấy tờ sang bên đó, nhưng rồi tôi quyết định ở lại, không đi nữa”. Theo HLV ĐT nữ Việt Nam, lý do vì các học trò cần ông và bản thân ông chưa bao giờ coi trọng vấn đề kinh tế.

Ngoài ra, cũng có thể vì HLV Mai Đức Chung e ngại yếu tố tuổi tác. Nếu đề nghị đến sớm hơn, không loại trừ khả năng ông sẽ nhận lời. Với tinh thần luôn khát khao học hỏi, ông kể “từng đổi tiền đô để đặt mua tài liệu từ bên Đức, đồng thời tự bỏ tiền mua vé máy bay sang CH Czech và Đức để mục kích phương pháp huấn luyện nhằm làm mới bản thân”.

Cách đây không lâu, khi ĐT nữ Việt Nam thất bại trong việc bảo vệ ngôi vô địch Đông Nam Á 2022, nhiều ý tưởng được đưa ra để nâng tầm bóng đá nữ và xây dựng kế hoạch cho World Cup 2023. Tuy nhiên, rất ít người đề cập vấn đề xuất ngoại. Đơn giản vì chưa có tiền lệ, nên nghĩ nó khó xảy ra. Bên cạnh rào cản thủ tục còn là rào cản về mặt tâm lý.

Vì vậy, không quá khi nói rằng sự kiện Huỳnh Như gia nhập Lank FC là dấu ấn lịch sử. Không dừng lại ở việc Việt Nam có cầu thủ nữ đầu tiên chơi bóng ở châu Âu, cuộc phiêu lưu của tiền đạo quê Trà Vinh còn phá tung rào cản, mở đường cho các cầu thủ tiếp theo xuất ngoại, tích lũy kinh nghiệm và cải thiện trình độ.

“Là người tiên phong đi ra thế giới, tôi mong muốn hình ảnh của tôi cũng như hình ảnh bóng đá nữ Việt Nam sẽ ngày càng vươn xa, để sau này Việt Nam có thêm nhiều cầu thủ nữ ra nước ngoài thi đấu và ngày càng phát triển hơn”, Huỳnh Như tuyên bố trước khi lên đường tới Bồ Đào Nha, nơi cô sẽ ký hợp đồng đến tháng 6/2023 với Lank FC. Có thể chuyến xuất ngoại này hơi trễ so với dự kiến, song như HLV Mai Đức Chung chia sẻ mới đây: “Thôi thì muộn còn hơn không. Nhất là khi điều này tốt cho bóng đá nữ Việt Nam”.

Trong chuyện xuất ngoại, chúng ta đang tụt lại phía sau khu vực. Ở giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2022, 4 đội gồm Singapre, Thái Lan, U23 Australia và nhà vô địch Phillippines đều có cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài trong danh sách.

MỚI - NÓNG