Số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế tăng 3,5 lần sau 4 năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Số lượng bài báo quốc tế trong danh mục Web of Science  tăng thêm hơn 3,5 lần sau 4 năm, số bài báo trong danh mục SCOPUS của các cơ sở giáo dục đại học tăng thêm hơn 4 lần.

Sáng nay, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tự chủ Đại học (ĐH) tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế tăng 3,5 lần sau 4 năm ảnh 1

Các đại biểu tham dự hội nghị

Chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Tại Hội nghị, nói về vấn đề nghiên cứu khoa học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay các ĐH, trường ĐH chức năng nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực các trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đây cũng là điểm khác biệt quan trọng của các trường ĐH so với các tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN) khác. Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng là một trong những sứ mạng và chiến lược của các cơ sở giáo dục ĐH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và trong cả nước.

Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng luôn đi kèm với chính sách về đào tạo tại các cơ sở giáo dục ĐH; liên quan chặt chẽ với việc quản lý nguồn lực, nguồn lực được quy hoạch, quản lý tài chính và cơ sở vật chất, nguồn lực học tập (nguồn học liệu của thư viện, thiết bị hỗ trợ giảng dạy, cơ sở dữ liệu trực tuyến…), nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo thứ trưởng, số lượng bài báo quốc tế trong danh mục Web of Science (WoS) tăng thêm hơn 3,5 lần, số bài báo trong danh mục SCOPUS của các cơ sở giáo dục ĐH tăng thêm hơn 4 lần sau 4 năm (2017 - 2021). Sản phẩm của các đề tài, dự án, chương trình KHCN cấp Bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ đã tăng đáng kể trong các năm qua, trung bình 25%/năm.

Số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế tăng 3,5 lần sau 4 năm ảnh 2

Nguồn: Bộ GD&ĐT

Đối với 23 cơ sở giáo dục ĐH được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP về tự chủ, có 22 cơ sở có số bài báo công bố quốc tế trên tạp chí WoS/SCOPUS tăng mạnh.

Tuy nhiên, trong 23 trường tự chủ chỉ có Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có số lượng công bố trên 500 bài báo (cụ thể là 752 bài trong năm 2021).

Nâng cao nghiên cứu khoa học, chất lượng đào tạo và chuyển giao công nghệ chính là để nâng cao uy tín của nhà trường. Hoạt động này là một tiêu chí quan trọng xếp hạng đại học và thực hiện kiểm định chất lượng cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2021, có 18 Chương trình KHCN cấp Bộ và do các đơn vị có tiềm lực nghiên cứu mạnh chủ trì tổ chức. Các chương trình tập trung vào 2 lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật - công nghệ (7 chương trình) và khoa học nông lâm ngư y (5 chương trình).

Vẫn còn nhiều tồn tại

Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường tự chủ còn khó khăn, hạn chế như: cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm mặc dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn ở mức thiếu và lạc hậu so với yêu cầu; kinh phí đầu tư cho nghiên cứu ở ĐH nói chung và các trường thuộc Bộ GD&ĐT còn rất thấp; số lượng các công bố quốc tế mặc dù đạt kết quả khá ấn tượng trong thời gian qua nhưng còn hạn chế so với yêu cầu và tiềm năng; các nhà khoa học thạo về chuyên môn nhưng vẫn mất thời gian và phải xử lý thủ tục giải ngân với quá nhiều quy định, thủ tục hành chính.

Về công tác quản lý, Bộ mới tập trung quản lý hoạt động KHCN của các cơ sở giáo dục ĐH công lập trực thuộc Bộ, chưa có các giải pháp đẩy mạnh hoạt động KHCN của các trường ngoài công lập.

Những nghiên cứu của các trường vẫn nhỏ, lẻ, tản mạn, chưa có đóng góp nổi bật tạo bước chuyển biến thật sự đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự gắn kết các viện nghiên cứu với các cơ sở giáo dục ĐH trong việc đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng kết quả nghiên cứu cho đào tạo còn lỏng lẻo.

Viện nghiên cứu đang còn đứng khá xa với các cơ sở giáo dục ĐH trong việc sử dụng kết quả nghiên cứu của 2 phía. Hơn nữa, một số đơn vị chưa xây dựng và ban hành được các chế tài tín dụng đầu tư cho các hoạt động KHCN như Quỹ phát triển KHCN, chưa có chính sách phù hợp để thu hút các nguồn lực khác nhau đầu tư cho phát triển KHCN của đơn vị.

Nguyên nhân chủ quan của những hạn chế là những vướng mắc về hành lang pháp lý gây khó khăn cho việc triển khai tại đơn vị. Ví dụ như cơ sở pháp lý để thành lập và tổ chức hoạt động Quỹ đầu tư và phát triển KHCN trong các cơ sở GDĐH chưa được ban hành.

Nghị định quản lý quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH đang dự thảo, chưa ban hành. Bên cạnh đó nguyên nhân là nguồn lực tài chính cho hoạt động KHCN đó là kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế, chưa thể đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu; đề tài ứng dụng chưa tạo ra sản phẩm cuối cùng để thương mại hóa.

Một số văn bản pháp luật hiện hành còn có nhiều ràng buộc, tạo ra những hạn chế trong hoạt động của các đơn vị. Ví dụ Trường ĐH Mở TPHCM gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án quốc tế, khó khăn trong việc xác định loại hình dự án có thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 80 của Chính phủ để thực hiện hồ sơ xin phê duyệt dự án.

Hoặc như Trường ĐH Đà Lạt, tài chính đầu tư cho NCKH tương đối thấp, cơ chế thu hút, ưu đãi giảng viên tham gia vào NCKH chưa thực sự hiệu quả, nên chưa khuyến khích được đội ngũ nhà khoa học, giảng viên tham gia tích cực. NCKH còn vướng mắc nhiều ở thủ tục hành chính.

MỚI - NÓNG