Vì sao nhiều người tại Huế ‘dính bẫy’ lừa tuyển cộng tác viên mua hàng online?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhận lời mời chào làm việc, kinh doanh qua môi trường online với thu nhập cao, trích thưởng hoa hồng hấp dẫn của các đối tượng lạ quen qua mạng internet, nhiều người tại Huế đã không mảy may nghi ngờ, chuyển tiền mua hàng qua mạng, sau đó bị lừa mất hàng trăm triệu đồng.

Ngày 3/4, Công an TP Huế phát đi cảnh báo về tình trạng nhiều người trên địa bàn trình báo công an về việc bị lừa tiền khi được mời chào làm cộng tác viên các sàn giao dịch điện tử; kinh doanh, mua bán hàng qua mạng internet hưởng chênh lệch giá, trích thưởng hoa hồng cao.

Vì sao nhiều người tại Huế ‘dính bẫy’ lừa tuyển cộng tác viên mua hàng online? ảnh 1

Người dân trình báo công an sau khi bị lừa đảo, mất hơn 100 triệu đồng

Cụ thể, vào một ngày cuối tháng 3/2022, chị Nguyễn Thị H. (SN 1995, trú tại phường Trường An, TP Huế) sử dụng mạng xã hội Facebook thì nhận được tin nhắn tuyển cộng tác viên cho một sàn thương mại điện tử từ một đối tượng lạ. Vì muốn có việc làm, kiếm thêm thu nhập, chị H. đồng ý tham gia và được một đối tượng lạ gọi điện thoại tự xưng là người của sàn thương mại điện tử Lz…, hướng dẫn cách làm cộng tác viên.

Đối tượng lạ gửi cho “con mồi” một trang giả website của sàn thương mại điện tử Lz...; sau đó, yêu cầu chị H. kích vào mua các sản phẩm trên trang này, kèm cam kết số tiền chị H. mua sẽ được hoàn lại đầy đủ, cùng khoản trích thưởng hoa hồng trên mỗi sản phẩm.

Chị H. bắt đầu giao dịch từ sàn thương mại giả này, với đơn hàng đầu tiên trị giá 100.000 đồng đồng; được đối tượng lạ chuyển khoản cho chị H. cả gốc lẫn hoa hồng là 118.000 đồng. Đơn hàng thứ hai chị H. giao dịch có trị giá 1,2 triệu đồng, được hoàn tiền và hoa hồng hơn 1,5 triệu đồng.

Vì sao nhiều người tại Huế ‘dính bẫy’ lừa tuyển cộng tác viên mua hàng online? ảnh 2

Nạn nhân này được đối tượng lạ mời mua hàng qua mạng, sau đó hoàn tiền và trích thêm phần trăm hoa hồng cao để giăng bẫy. Khi mua với số tiền cao hơn, các đối tượng lạ cắt liên lạc, không hoàn tiền và chiếm đoạt luôn tiền mua hàng chuyển khoản trước đó.

Chị H. sau đó tiếp tục đặt các đơn hàng thứ 3, 4, 5, nhưng các đối tượng lạ không chuyển khoản trả lại cho chị với nhiều lý do. Yêu cầu mà các đối tượng lạ đưa ra, là buộc chị H. mua thêm nhiều đơn hàng khác mới chuyển khoản lại khoản vốn và hoa hồng với số tiền cao hơn.

Bị “vô thế”, chị H. tiếp tục giao dịch với nhiều đơn hàng, với số tiền 120 triệu đồng. Khi chị H. không còn tiền để giao dịch đơn hàng tiếp theo và nghi ngờ bị lừa, người này tìm cách liên hệ thì bị các đối tượng lạ cắt liên lạc và chiếm đoạt luôn số tiền giao dịch trước đó.

Anh Nguyễn Văn T. (SN 1997, trú tại phường An Cựu, TP Huế) cũng “dính bẫy” lừa tương tự chị Nguyễn Thị H.

Các đối tượng mạo danh là người của sàn thương mại điện tử Shp…, chiếm đoạt 24 triệu đồng. “Sợ số tiền trước đó sẽ bị mất, nên tôi đã tiếp tục chuyển tiền, thực hiện các giao dịch mua hàng. Lúc đầu các đối tượng chuyển khoản lại cả gốc lẫn hoa hồng. Tuy nhiên, về sau này, khi thực hiện loạt giao dịch mới tôi mới nhận ra rằng mình bị lừa”, anh Nguyễn Văn T. trình báo.

Theo Công an TP Huế, từ năm 2021 đến đầu tháng 4/2022, đơn vị đã tiếp nhận 468 đơn liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, chiếm trên 50% tổng số đơn trình báo tố giác tội phạm. Hiện, tất cả các đơn trình báo đang được các đội nghiệp vụ Công an TP Huế xác minh, làm rõ.

Một cán bộ nghiệp vụ Công an TP Huế cho biết: “Phương thức, thủ đoạn tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không mới và đã được cơ quan công an tuyên truyền, cảnh báo, nhưng không ít người thiếu cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin... nên vẫn bị “sập bẫy” lừa đảo”.

Thượng tá Phạm Trung Chính, Phó Trưởng Công an TP Huế, cảnh báo, khi nhận các lời mời chào kinh doanh, mua bán hàng trên mạng internet, người dân cần cảnh giác và nhanh chóng báo cho lực lượng công an để được hướng dẫn, phối hợp lật tẩy thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng lạ.

Mới đây, Công an TP Huế đã phá thành công chuyên án, bắt giữ đối tượng Lâm Ngọc Yến (SN 1988, trú tại phường 4, TP Cà Mau) và Lê Cao Quân (SN 1988, trú tại huyện Phú Thạnh, Bến Tre). Đây là hai đối tượng đã làm giả tài khoản Viber để chiếm đoạt 243 triệu đồng của một phụ nữ ở phường Phú Thượng, TP Huế.

MỚI - NÓNG