Hàn Quốc nói tên lửa Triều Tiên phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa mà Triều Tiên phóng từ khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng đã phát nổ không lâu sau khi rời bệ phóng.

Một quan chức quân đội Hàn Quốc giấu tên ngày 16/3 tiết lộ tên lửa của Triều Tiên đã nổ tung khi đang bay ở độ cao chưa đến 20km. Nguyên nhân vụ nổ hiện chưa được xác định.

Trước đó cùng ngày, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc thông báo vụ phóng được thực hiện từ khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng lúc khoảng 9h30’ sáng (giờ địa phương), nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Lee Choon Geun - chuyên gia Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho rằng tên lửa Triều Tiên có khả năng đã phát nổ chưa đầy một phút sau khi rời bệ phóng. Theo ông Lee, nếu phần nhiên liệu độc hại của tên lửa rơi xuống khu dân cư thì rất có thể sức khoẻ của người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Về phía Mỹ, Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương xác nhận Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo, nhưng không cho biết đó có phải là một vụ phóng thất bại hay không. Washington nhấn mạnh vụ phóng không gây ra mối đe doạ đối với lãnh thổ Mỹ và các đồng minh, nhưng kêu gọi Triều Tiên kiềm chế, tránh các hành vi gây bất ổn.

Vụ phóng ngày 16/3 - nếu được xác nhận - sẽ là vụ thử vũ khí thứ 10 của Triều Tiên trong năm nay.

Trước đó, Mỹ và Hàn Quốc từng cáo buộc Triều Tiên thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong 2 vụ phóng ngày 27/2 và 5/3, dù Bình Nhưỡng khẳng định đây là những vụ phóng thử vệ tinh.

Triều Tiên được cho là đang tích cực hoàn thiện ICBM Hwasong-17 - tên lửa uy lực nhất của nước này, từng được trình làng trong cuộc diễu binh hồi tháng 10/2020.

Hwasong-17, hay còn gọi là tên lửa “quái vật” có tầm bay tối đa lên tới 15.000km, đủ xa để tấn công bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ. Tên lửa dài 25m, và từng xuất hiện một lần nữa tại triển lãm quốc phòng ở Bình Nhưỡng vào năm ngoái. Tuy nhiên đến nay, Hwasong-17 vẫn chưa được phóng thử.

Các ICBM mà Triều Tiên thử nghiệm vào năm 2017 là Hwasong-14 và Hwasong-15. Một số nhà phân tích cho rằng việc phát triển một tên lửa lớn hơn có nghĩa là Triều Tiên đang cố gắng trang bị vũ khí tầm xa với nhiều đầu đạn hơn để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Nếu Triều Tiên thực hiện một vụ phóng ICBM mới, đây sẽ là vụ thử vũ khí uy lực nhất kể từ lần phóng ICBM thứ 3 và cuối cùng vào tháng 11/2017.

Các tên lửa khác được Triều Tiên thử nghiệm trong năm nay hầu hết là những vũ khí có khả năng hạt nhân, với tầm bay ngắn hơn, đe doạ Hàn Quốc và Nhật Bản - 2 đồng minh quan trọng của Mỹ. Chỉ trong tháng 1, Triều Tiên đã thực hiện 7 đợt thử tên lửa, một con số kỷ lục kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm 2011.

Triều Tiên đã duy trì lệnh ngừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa từ cuối năm 2017, nhưng cho biết vào tháng 1 rằng họ có thể xem xét khởi động lại "tất cả các hoạt động tạm thời bị đình chỉ" trong bối cảnh đối thoại với Mỹ gặp bế tắc.

“Tôi nghĩ rằng lệnh ngừng thử vũ khí đã hết hiệu lực. Triều Tiên có thể sẽ thử nghiệm trở lại các tên lửa ICBM”, nhà phân tích an ninh Ankit Panda (Mỹ) nhận định. “Các cuộc phóng thử vệ tinh do thám vào ngày 27/2 và 5/3 có khả năng là cuộc thử nghiệm các bộ phận của Hwasong-17, cụ thể là công nghệ đa đầu đạn.”

“Triều Tiên chưa từng thử nghiệm công nghệ đa đầu đạn trước đó, dù đã 3 lần phóng thử ICBM có tầm bắn chạm tới lãnh thổ Mỹ”, ông Panda nói.

Quyết tâm của Triều Tiên trong việc thử nghiệm ICBM diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, khi Hàn Quốc vừa có Tổng thống mới - ông Yoon Suk-yeol.

Ông Yoon từng đưa ra nhiều quan điểm cứng rắn về vấn đề Triều Tiên, cho thấy Hàn Quốc có thể sẽ “mạnh tay” hơn với Bình Nhưỡng sau nhiều năm cầm quyền của Tổng thống ôn hoà Moon Jae-in.

Triều Tiên sẽ tổ chức kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào tháng 4. Trước đó, Bình Nhưỡng thường đánh dấu những ngày lễ quan trọng bằng các cuộc duyệt binh hoặc phóng thử.

Rất có thể Triều Tiên sẽ phóng thử ICBM vào ngày 15/4, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành”, Ahn Chan-il, một học giả nghiên cứu về Triều Tiên cho biết.

Theo AP
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.