34 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Gạc Ma - Trường Sa 14/3/1988

Gạc Ma - Trường Sa trong mắt một người Tiền Phong

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sự thực không phải như vậy. Bởi vì từ khi cắm cờ lên đá Len Đao vào sáng sớm ngày 14/3/1988, quân ta chưa bao giờ để mất nơi này.

Bài II: Sự thật lịch sử

Không có chuyện “giành lại Len Đao”

Gần đây có một số bài báo đưa thông tin, khoảng 1 tháng sau sự kiện 14/3/1988, Hải quân Việt Nam đã tổ chức “giành lại đá Len Đao”. Có báo còn giật tít “Không quân Việt Nam xuất kích giành lại đảo Len Đao”.

Ngày 11/3/1988, tàu HQ-605 hoàn thành chuyến tiếp vận cho các đảo chìm vừa được quân ta đóng giữ là Tốc Tan, Núi Le…, trên đường về Cam Ranh thì bất ngờ, Đại úy Lê Lệnh Sơn, thuyền trưởng tàu HQ-605 nhận được mật lệnh của Phó đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân kiêm Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, phải cấp tốc đóng giữ đảo Len Đao vào sáng sớm ngày 14/3/1988. Tàu HQ-605 đã khẩn trương thực hiện mệnh lệnh, cắm được quốc kỳ Việt Nam trên bãi đá Len Đao vào sáng sớm ngày 14/3/1988. Mặc dù sau đó tàu HQ-605 bị các tàu Trung Quốc bắn cháy rồi chìm, Trung úy thuyền phó Phan Hữu Doan và Trung sĩ báo vụ Bùi Duy Hiển hy sinh, sĩ quan chiến sĩ của tàu vẫn bình tĩnh, cùng nhau đưa thương binh, liệt sĩ về đảo Sinh Tồn an toàn…

Gạc Ma - Trường Sa trong mắt một người Tiền Phong ảnh 1

Đại tá Nguyễn Văn Dân, trong chiến dịch CQ-88 là Trung tá, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, chỉ huy trưởng khu vực II Trường Sa (cụm Sinh Tồn, bao gồm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin), người đã có mặt ở Len Đao từ chiều ngày 14/3/1988 trên tàu HQ-614 khẳng định, trong mấy tháng sau sự kiện 14/3/1988, ta giữ Len Đao bằng sự hiện diện của tàu HQ-614 và một số tàu khác. Và ngày 7/7/1988, ngày chiếc nhà cao chân đầu tiên ở đảo chìm Len Đao được hoàn thành xây dựng.

Câu hỏi Gạc Ma

Ngoài bãi san hô Gạc Ma, từ đầu năm 1988 đến tháng 3/1988, Trung Quốc đã chiếm các bãi Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Su Bi, Huy Ghơ ở quần đảo Trường Sa, năm 1995 chiếm thêm đá Vành Khăn.

Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, người chỉ huy cụm 2 Trường Sa (cụm Sinh Tồn, bao gồm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin) trong CQ88, khi trao đổi với tôi (NĐQ), cho biết: “Nói năm 1988 mình thả lỏng để đối phương chiếm đảo là hoàn toàn sai. Tôi là người trong cuộc, tôi rất hiểu. Mình chủ yếu là tàu vận tải, phương tiện thô sơ, đi ra đến đúng đảo chủ quyền là nhờ kinh nghiệm, xác định định vị dựa vào các tàu buôn lớn của nước ngoài. Cố gắng rất lớn. Vì đảo là đảo chìm, một bãi cạn mênh mang. Ý chí, quyết tâm của mình lớn, nhưng tiềm lực, khả năng của mình hạn chế. Phải thừa nhận với nhau chuyện đó. Nhưng không có chuyện thả lỏng để đối phương chiếm đảo. Quần đảo Trường Sa quá rộng, các điểm đảo cách nhau rất xa, mình chủ trương đóng giữ tất cả các đảo, nhưng phải chú ý đóng giữ các đảo lớn, bãi chìm lớn trước, bãi nhỏ sau. Nhiệm vụ của tôi là xây dựng xong hai nhà cao chân trên Đá Đông thì lên Ga Ven, làm xong nhà ở Ga Ven, nếu còn lực lượng, còn phương tiện thì mới giải quyết nốt Chữ Thập… Mà đúng cái mùa gió ghê gớm, thời tiết khắc nghiệt”…

Gạc Ma - Trường Sa trong mắt một người Tiền Phong ảnh 2

Với câu hỏi “Sao mình không đưa tàu chiến ra?”, theo Đại tá Dân: “Mình khẳng định chủ quyền của mình, đưa ra chủ yếu là các phương tiện vận tải, anh em công binh ra giữ chủ quyền, chứ mình không đưa tàu chiến ra để đối đầu, nổ súng. Chủ quyền là của mình, mình có trách nhiệm tiếp tục đóng giữ, bảo vệ. Chủ trương của mình là vậy. Có đưa tàu chiến ra Trường Sa, là để tăng cường hỗ trợ bảo vệ. Khi mình có chủ trương tiến hành làm nhà cao chân trên tất cả các đảo chìm, mình dùng từ “đóng giữ”, vì chủ quyền của mình rồi, chứ không phải mình “chiếm đóng”. Chính vì quan điểm đó, nên chúng tôi dù khó khăn mấy cũng làm, bằng phương tiện thô sơ của mình.

Còn phía họ, họ muốn có chủ quyền bằng sức mạnh. Tức là, một cái tàu đưa người định chiếm đóng đảo nào thì có tàu chiến khác đi cùng, thậm chí là tàu tuần dương, như tàu 064, 062. Họ đi đâu đều có phương tiện đồng bộ, sẵn sàng nổ súng. Nếu lúc đó mình đưa tàu chiến ra, tình hình trở nên phức tạp hơn. Có thể xảy chiến tranh, khốc liệt hơn, mà hy sinh của mình lớn hơn. Vì họ có phương tiện đầy đủ hơn, có thể đánh từ xa, phóng tên lửa từ xa, từ tàu tuần dương, tàu khu trục cỡ lớn...

Năm 1975, với quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đóng giữ 5 đảo ở quần đảo Trường Sa: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa.

Năm 1978, Việt Nam đóng giữ thêm 4 đảo: An Bang (10/3/1978), Sinh Tồn Đông (15/3/1978), Phan Vinh (30/3/1978), Trường Sa Đông (4/4/1978). Tổng cộng đến năm 1978 ta đóng giữ 9 đảo ở quần đảo Trường Sa, đều là đảo nổi.

Ngày 5/3/1987, Hải quân Việt Nam đóng giữ đảo Thuyền Chài.

Trong chiến dịch CQ88, trước ngày 14/3/1988, Hải quân Việt Nam đóng giữ thêm 7 đảo: Đá Tây (2/12/1987), Tiên Nữ (25/1/1988), Đá Lát (5/2/1988), Đá Đông (19/2/1988), Đá Lớn (20/2/1988), Tốc Tan (27/2/1988), Núi Le (28/2/1988).

Ngày 14/3/1988, ta đóng giữ thêm đảo Len Đao và đảo Cô Lin.

Ngày 15/3/1988, đóng giữ thành công đảo Đá Thị, một vị trí rất quan trọng ở cụm đảo Nam Yết.

Ngày 16/3, ta tiếp tục đóng giữ đảo Đá Nam. Tổng cộng trong CQ88, ta đóng giữ 11 đảo chìm.

Tháng 11/1988, Hải quân Việt Nam bắt đầu đóng giữ, bảo vệ khu vực DK1 ở thềm lục địa phía Nam.

(Trần Tuấn lược chọn)

MỚI - NÓNG