WHO nghiên cứu nguy cơ gây bệnh nặng của các dòng phụ biến thể Omicron

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang theo dõi một số dòng của biến thể Omicron bao gồm BA.1, BA.1.1, BA.2 và BA.3, đồng thời xem xét dữ liệu thực tế để xác định liệu các dòng phụ gây bệnh nặng hơn so với biến thể gốc hay không.
WHO nghiên cứu nguy cơ gây bệnh nặng của các dòng phụ biến thể Omicron ảnh 1

Bà Maria Van Kerkhove. Ảnh: Reuters

“Tôi muốn nhắc lại rằng Omicron là một biến thể đáng quan ngại, và chúng tôi đang theo dõi một số dòng phụ của biến thể này. Những dòng nổi bật nhất được ghi nhận trên thế giới là BA.1, BA.1.1 và BA.2. Ngoài ra còn có BA.3 và các dòng phụ khác nữa”, bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của WHO cho biết.

Để hiểu thêm về dòng phụ ít được chú ý đến của Omicron, tạp chí Medical Virology đã đăng tải một nghiên cứu có tiêu đề "Sự xuất hiện của biến thể phụ BA.3 và mức độ ảnh hưởng của nó”.

BA.3 là gì?

Sau khi xuất hiện vào tháng 11/2021 ở Botswana, Omicron đã được WHO xếp vào nhóm Biến thể đáng quan ngại. Đến thời điểm hiện tại, Omicron vẫn được coi là biến thể có nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2. Tính đến đầu năm 2022, biến thể này đã lưu hành ở 150 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Omicron có các dòng phụ là BA.1, BA.2 và BA.3. Nghiên cứu cho thấy cả hai dòng BA.1 và BA.2 đều có sự khác biệt về protein gai, nhưng không có đột biến cụ thể nào trong protein gai của BA.3. Đáng chú ý, ở BA.3 có sự kết hợp các đột biến protein gai của BA.1 và BA.2.

BA.3 được phát hiện khi nào?

Cả 3 dòng nói trên đều được phát hiện vào cùng thời điểm ở cùng một khu vực. BA.1 từ Botswana, BA.2 từ Nam Phi và BA.3 từ Tây Bắc Nam Phi. “Các dòng phát triển đồng thời và từ cùng một nơi nên có cơ hội lây lan ra toàn thế giới như nhau”, nghiên cứu nhấn mạnh.

Mặc dù đều cùng lây lan rộng ra thế giới, nhưng tốc độ lây truyền của ba dòng phụ này khác nhau. “Câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ có BA.1 là chiếm ưu thế hơn so với các dòng khác. Điều này có thể là do sự khác biệt về đột biến trong protein gai - bộ phận mà virus sử dụng để xâm nhập tế bào chủ”, nghiên cứu giải thích.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, trong số 33 đột biến ở protein gai của dòng BA.3, có tới 31 đột biến tương tự với dòng BA.1.

BA.3 gây ra số ca mắc thấp nhất trong 3 dòng phụ. Có thể suy đoán nguyên nhân là do BA.3 mất 6 đột biến từ BA.1 hoặc có thêm 2 đột biến từ BA.2.

Nghiên cứu nêu rõ cho đến nay biến thể Omicron vẫn được cho là gây ra bệnh nhẹ, nhưng "cũng có thể phát triển một số đột biến" khiến người mắc diễn tiến nặng.

Trong bài phát biểu mới nhất, bà Maria Van Kerkhove cũng đề cập đến một nghiên cứu đáng chú ý từ Nhật Bản. Nghiên cứu chỉ ra rằng BA.2 có nguy cơ gây bệnh nặng cao hơn so với BA.1. Ngoài ra, BA.2 cũng được cho là có khả năng chống lại các phương pháp điều trị như kháng thể đơn dòng. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ chuột.

Trong khi đó, dữ liệu thực tế trên người cho thấy BA.1 và BA.2 không khác biệt về nguy cơ gây bệnh nặng trên người, theo bà Van Kerkhove.

Theo LiveMint
MỚI - NÓNG