Lùa đàn trâu, bò từ trong rừng về chuồng trại, ông Vi Văn Soát (trú tại bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) cho biết, ngay khi xem tin tức dự báo thời tiết, chuẩn bị có đợt rét đậm, rét hại gia đình ông và nhiều hộ dân khác đã chủ động ứng phó.
Người dân miền núi Nghệ An mặc áo chống rét cho trâu, bò |
“Gia đình tôi có 33 con trâu, bò, bình thường trời nắng ấm chăn thả trên đồi, nhưng khi trời rét thì phải lùa về. Tôi đã dùng bạt che chắn chuồng trại tránh gió cùng với việc đốt lửa sưởi ấm. Đồng thời, nguồn thức ăn dự trữ như cỏ, rơm, chuối, cây ngô... đã được đảm bảo cho những ngày giá rét”, ông Soát nói.
Toàn xã Bồng Khê có khoảng 1.000 con trâu bò, ngoài giữ ấm thì “đầu cơ nghiệp” còn được người dân thường xuyên tiêm phòng chống dịch, bệnh.
Tại huyện biên giới Kỳ Sơn, nơi thói quen thả rông trâu bò trong rừng còn phổ biến, dưới cái rét như cắt da, cắt thịt, chúng tôi gặp rất nhiều hộ dân lùa hàng trăm con trâu, bò từ rừng về chống rét. “Đặc thù là huyện miền núi nên chúng tôi khó có thể bỏ thói quen thả rông trâu bò trong rừng. Nhưng rút kinh nghiệm từ thiệt hại của đợt rét các năm trước nên khi nhiệt độ xuống thấp, gia đình nào cũng phải lùa trâu bò về. Tôi nhớ, đợt rét vào cuối tháng 1/2016, trâu bò chết như ngả rạ, cả bản ảm đạm lắm. Ngày nào cũng có người mổ trâu, bò bị chết rét đem bán để bòn lại đồng vốn. Thời điểm đó, gia đình tôi cũng có 2 con trâu, 1 con bò bị chết. Nhớ lại mà thấy mình chủ quan quá”, cụ Xồng Y Sá (trú tại xã Nậm Cắn) nói.
Miền Bắc, miền Trung rét kéo dài
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh và tiếp tục tăng cường nên từ nay đến 24/2, các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung bộ tiếp tục rét đậm, rét hại với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-11 độ, vùng núi 3-6 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ và khả năng cao xảy ra băng giá, mưa tuyết. Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế có mưa, trời rét đậm, có nơi rét hại với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 12-15 độ.
Từ ngày 24/2, không khí lạnh bắt đầu suy yếu, nhiệt độ có xu hướng tăng dần. Tuy nhiên, trời vẫn rét kéo dài cho đến hết tháng 2 với nhiệt độ thấp nhất miền Bắc, Bắc Trung bộ phổ biến từ 12-15 độ, nhiệt độ cao nhất có thể lên 20-22 độ.
NGUYỄN HOÀI
Lo lắng rét đậm, rét hại kéo dài nên ông Lỳ Bá Sềnh (trú tại xã Nậm Cắn) chặt chuối từ rừng về, sau đó thái nhỏ làm thức ăn dự trữ cho trâu bò. Chỉ tay về phía chuồng trại đã được bịt kín, lão nông Lỳ Bá Sềnh nói: “Từ 5 ngày trước, cha con tôi đã mang bạt, chặt lá cây phủ kín chuồng trâu bò. Các thức ăn như chuối, cỏ được cắt sẵn. Suốt đêm ngày, hai cha con thay nhau đốt lửa sưởi ấm vật nuôi”.
Không chỉ chống rét cho trâu bò bằng cách che chắn chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm, người dân các huyện miền núi Nghệ An còn dùng bạt, quần áo cũ, chăn màn để may áo cho vật nuôi. Tỉ mỉ từng đường chỉ, chị Trần Thị Mơ dùng dây thừng để khâu lại cái bạt làm áo mới cho trâu tránh rét. “Rét quá, hai con trâu nhà tôi cứ run cầm cập, nhưng khi tôi làm áo cho thì nó ấm hơn. Tôi làm tiếp cái thứ hai cho con trâu khác. Cái sáng kiến này rất hay, khi được cán bộ tuyên truyền là tôi thực hiện ngay. Nhiều gia đình khó khăn còn đi xin quần áo cũ hoặc chiếu cũ để về may áo cho bò”, chị Mơ nói.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, hiện toàn tỉnh có tổng đàn trâu, bò ước đạt 778.000 con; đàn lợn 1.000.000 con; gia cầm 30.000.000 con. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, để đảm bảo an toàn cho vật nuôi như trâu, bò, hươu, dê nhất là ở các vùng miền núi cao, Hội Nông dân các cấp đã tích cực triển khai và nhân rộng phong trào “may áo chống rét” cho trâu bò; tặng áo chống rét cho gia súc đối với các hộ chăn nuôi có hoàn cảnh khó khăn; thành lập các tổ nông vụ hỗ trợ chăm sóc gia súc, gia cầm trong thời gian hội viên F0, F1 đang cách ly, điều trị.