Ai chịu trách nhiệm trong sự cố sập cầu 50 tỷ ở Cà Mau?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Cà Mau cho biết, sự cố sập cầu Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) không ai mong muốn. Tuy nhiên, khi giám định ra lỗi của ai thì người đó chịu trách nhiệm.
Ai chịu trách nhiệm trong sự cố sập cầu 50 tỷ ở Cà Mau? ảnh 1

Hiện trường vụ sập cầu Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau).

Sáng 23/12, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Cà Mau phối hợp với Sở GTVT và Ban Quản lý dự án (QLDA) xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau (chủ đầu tư), tổ chức họp báo thông tin về sự cố sập cầu Cái Đôi Vàm (thuộc khóm 2 và khóm 6, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân).

Tại buổi họp báo, nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi trách nhiệm vụ sập cầu Cái Đôi Vàm, trách nhiệm thuộc về ai, năng lực của nhà thầu và ai phải chịu trách nhiệm bồi thường về vụ việc này?

Ông Trần Hải Âu – Phó Giám đốc Ban QLDA xây dựng công trình giao thông Cà Mau, đã thông tin nhanh về diễn biến sự cố công trình.

Theo đó, khoảng 18 giờ 30 phút ngày 20/12, mặt cầu Cái Đôi Vàm có hiện tượng nứt ngang tại vị trí trụ T7, tại thời điểm này nhà thầu xác định trụ cầu chưa bị lún.

Ai chịu trách nhiệm trong sự cố sập cầu 50 tỷ ở Cà Mau? ảnh 2

Ông Trần Hải Âu – Phó Giám đốc Ban QLDA xây dưng công trình giao thông Cà Mau, trả lời báo chí trong buổi họp báo.

Đến khoảng 8 giờ 30 phút ngày 21/12, nhà thầu quan trắc bằng máy thủy bình thì phát hiện trụ T7 (trụ của nhịp thông thuyền) bị lún 3,2cm, khi đó mặt cầu và gờ lan can xuất hiện nhiều vết nứt rộng từ 3cm đến 4cm.

Thời gian từ khoảng 9 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút cùng ngày, trụ T7 tiếp tục bị lún nhiều. Đến 11 giờ 45 phút, thì nhịp thông thuyền (nhịp số 8 – dài 33m) rơi xuống sông, khi đó trụ T7 đã bị lún khoảng 6,3m. Việc lún trụ T7 và sập nhịp số 8 đã kéo theo các nhịp cầu khác bị ảnh hưởng, cụ thể: Nhịp số 7 (dài 18m) bị sụp một đầu xuống sông (đầu gối lên trụ T7), đầu còn lại vẫn còn gối lên trụ T6; các nhịp số 6, 9, 10 bị kéo lệch, trượt khỏi đá kê gối. Rất may sự cố không gây thiệt hại về người.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi đến hiện trường để kiểm tra và xem xét, chỉ đạo xử lý.

UBND tỉnh Cà Mau đã cho tạm dừng thi công phần cầu chính; khẩn trương thực hiện các biện pháp rào chắn, báo hiệu, điều tiết đảm bảo giao thông đường bộ, đường thủy theo quy định, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực công trình.

Ông Âu cho biết thêm, công trình này có khoan địa chất đúng quy định do công ty An Phú thực hiện. “Trước mắt, chúng tôi tính những hạng mục hư hỏng về nhịp, trụ, hệ cọc,... thiệt hại bước đầu khoảng 2,24 tỷ đồng. Còn hư hỏng các kết cấu khác kéo theo thì chưa thể khẳng định được, việc này phải chờ cơ quan chức năng kiểm định, giám định kết cấu đó còn sử dụng được không mới đánh giá được thiệt hại thêm bao nhiêu”, ông Âu nói.

Nói về năng lực nhà thầu thi công, ông Âu cho biết, đơn vị thi công là công ty cổ phần tập đoàn TPM ở Cà Mau. “Nhà thầu này không bị cấm, có đủ năng lực về trang thiết bị, tài chính. Việc khảo sát, thi công, thiết kế… đều làm đúng quy định”, ông Âu khẳng định.

Ai chịu trách nhiệm trong sự cố sập cầu 50 tỷ ở Cà Mau? ảnh 3

Ông Hồ Hoàn Tất - Giám đốc Sở GTVT Cà Mau, thông tin vụ việc. Ảnh: N.H.

Về hướng khắc phục sự cố, ông Hồ Hoàn Tất - Giám đốc Sở GTVT Cà Mau cho biết, trước mắt, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ vấn đề có liên quan, từ các khâu chỉ đạo điều hành thi công, xử lý công trình. Sau khi giám định lỗi của ai, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, trong đó có việc bồi thường, khắc phục.

Ông Tất cho rằng, chưa xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến sự cố. Trong sự cố công trình lỗi có thể đến từ tư vấn, thiết kế hoặc thi công. Không loại trừ khả năng bên dưới trụ cầu có túi bùn, việc khoan địa chất đã thực hiện đúng nhưng khi khoan thì không ngay vị trí đó. Tuy nhiên, để chính xác hơn thì cần chờ đơn vị giám định cụ thể.

Công trình Xây dựng cầu qua sông Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, thuộc công trình giao thông cấp III; tải trọng thiết kế 0,65HL93; tĩnh không thông thuyền H= 6,50m; thông thuyền ngang 25m; chiều dài cầu 286,13m; bề rộng toàn cầu 6,50m; tốc độ thiết kế 40km/h; tổng mức đầu tư 70,76 tỷ đồng (trong đó, chi phí GPMB là 20,71 tỷ đồng; giá trị xây lắp là 34,92 tỷ đồng), được triển khai từ tháng 9/2019.

Công trình Cầu do Ban quản lý dự án xây dựng công trình giao thông Cà Mau làm chủ đầu tư; công ty cổ phần đầu tư xây dựng An Phú tư vấn khảo sát địa chất; công ty cổ phần tư vấn xây dựng Minh Hải tổ chức khảo sát địa hình, lập dự án; đơn vị thi công là công ty cổ phần tập đoàn TPM; đơn vị giám sát là công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533 phía Nam.

MỚI - NÓNG