Từ vài tháng nay, thị trường ô tô trong nước đã được các nhà sản xuất đánh giá rằng đang đi vào giai đoạn khó khăn. Để giữ được doanh số, các hãng xe đã chọn cách liên tục đưa ra chính sách giảm giá, kích thích người dùng mua sản phẩm. Bên cạnh đó một số địa phương và doanh nghiệp cũng đã đưa ra đề xuất hỗ trợ ngành với Chính phủ. Gần nhất là TC Motor đề xuất tái áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ để khuyến khích người dùng.
Trong tuần qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Tài chính. Theo đó Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị tái tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Mới đây, nhà nhập khẩu và phân phối Audi tại Việt Nam cũng đã gửi Góp ý dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, đơn vị này cho rằng: “Chỉ giảm 50% thuế trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc”.
Đơn vị này dẫn số liệu năm 2020 đối với tổng số ô tô khách tại Việt Nam, số lượng đã tăng 3% so với năm 2019, số lượng CKD (lắp ráp trong nước) tăng 19% còn số lượng xe CBU (nhập khẩu nguyên chiếc) đã giảm 33%.
Năm 2021, quy định cách ly xã hội nghiêm ngặt tại Việt Nam đang buộc tất cả các nhà nhập khẩu và nhà phân phối ô tô CBU phải tạm ngừng kinh doanh. Sự phân biệt đối xử ưu tiên chỉ riêng với CKD là thiếu công bằng đối với các nhà nhập khẩu cũng như nhà phân phối CBU.
Đây cũng là những đơn vị đang phải gánh nhiều tổn thất từ các văn phòng đăng ký, đăng kiểm xe đang ngưng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp này vẫn phải tiếp tục chi trả chi phí cho việc thuê cơ sở thương mại, thuế, lưu kho và nguồn nhân lực.
Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng 7 tháng đầu năm 2021 của các thành viên hiệp hội này đạt 166.516 xe các loại, trong đó có 94.109 xe lắp ráp trong nước, nhập khẩu có 72.407 xe.
Kết hợp cùng số liệu của Bộ Công Thương với sản lượng lắp ráp trong nước đạt 185.300 xe và số liệu từ Tổng cục Hải quan về xe nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt 98.000 xe. Như vậy có thể ước tính được lượng xe tồn kho của cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước.
Vào năm 2020, sau khi áp dụng quy định về giảm lệ phí trước bạ 50% cho các xe sản xuất và lắp ráp trong nước, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố “Sách trắng 2020” trong đó kiến nghị giảm 50% phí trước bạ cho xe nhập khẩu.
Khi đó, ý kiến này đã gặp nhiều phản bác. Trong đó có ý kiến việc áp dụng giảm 50% phí trước bạ cho xe nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của những chính sách hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước. Bên cạnh đó thị trường Việt Nam nhập khẩu xe chủ yếu là từ Indonesia, Thái Lan. Những nước này đã có thuế ưu đãi từ hiệp định thương mại trong khu vực. Do vậy việc giảm phí trước bạ cho xe nhập khẩu không mang lại lợi ích lớn cho xe châu Âu.