Vai diễn nổi bật và bộ ba phim để đời của NSND Trần Phương

NSND Trần Phương là một gương mặt gạo cội của điện ảnh Việt Nam
NSND Trần Phương là một gương mặt gạo cội của điện ảnh Việt Nam
TPO - NSND Trần Phương không chỉ có vai diễn A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ”, sau này, ông còn nhiều vai diễn hay và thực hiện rất nhiều bộ phim ghi dấu ấn của điện ảnh Việt Nam.

Nhiều vai diễn nổi bật
NSND Trần Phương được đánh giá là một trong những gương mặt kỳ cựu của điện ảnh Cách mạng. Ông tham gia một vai nhỏ trong phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng “Chung một dòng sông”. Cũng trong năm 1959, Trần Phương tham gia “Vợ chồng A Phủ”. Đạo diễn khó tính Mai Lộc nhắm Trần Phương cho vai chính A Phủ, yêu cầu ông lên vùng cao sinh sống và học cưỡi ngựa như người Mông.

Vai diễn nổi bật và bộ ba phim để đời của NSND Trần Phương ảnh 1 NSND Trần Phương và NSƯT Đức Hoàn của "Vợ chồng A Phủ"

“Chị Tư Hậu” sản xuất năm 1963 của đạo diễn NSND Phạm Kỳ Nam và Trần Thiện Liêm thực hiện. Trong phim này NSND Trần Phương đóng vai Khoa-chồng của Tư Hậu (NSND Trà Giang). “Biển gọi” do đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Ngọc Trung thực hiện quy tụ dàn diễn viên Trần Phương, Phi Nga, Huy Công.

Vai diễn nổi bật và bộ ba phim để đời của NSND Trần Phương ảnh 2 "Truyện Vợ chồng anh Lực" với diễn xuất của các diễn viên Trần Phương, Trịnh Thịnh

NSND Trần Phương tiếp tục đảm nhận vai diễn trong phim “Tiền tuyến gọi” do NSND Phạm Kỳ Nam thực hiện. Phim chuyển thể từ vở kịch cùng tên của nhà văn Trần Quán Anh, xoay quanh những mâu thuẫn lí trí của ba nhân vật chính là Vũ Khiêm (Trần Phương), “Lê Huy” (NSND Thế Anh) và Hương Giang (Thanh Tú).

Nghệ sĩ Trần Phương đóng vai chính trong phim hiện thực tâm lý xã hội “Truyện vợ chồng anh Lực”. Bộ phim của NSND, đạo diễn Trần Vũ giành Bông sen vàng. Ngoài Trần Phương, NSND Trịnh Thịnh cũng ghi dấu ấn với vai ông Củng trong phim.

Ba bộ phim để đời
Sở dĩ coi ba bộ phim “Tội lỗi cuối cùng”, “Hy vọng cuối cùng” và “Dòng sông hoa trắng” là bộ ba tác phẩm đỉnh nhất của đạo diễn Trần Phương, là bởi nhờ ba tác phẩm này ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Vai diễn nổi bật và bộ ba phim để đời của NSND Trần Phương ảnh 3 "Tội lỗi cuối cùng" do Trần Phương đạo diễn giành Bông sen Bạc

Bộ phim "Tội lỗi cuối cùng" có NSND Phương Thanh, Trần Quang tham gia giành Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 5, phim mang về cho Phương Thanh giải Nữ diễn viên xuất sắc. Đây cũng là bộ phim làm nên một Phương Thanh thành công rực rỡ.

"Hy vọng cuối cùng" với cặp diễn viên NSƯT Tất Bình-NSND Như Quỳnh cũng giành Bông sen Bạc và mang về giải Đạo diễn xuất sắc cho Trần Phương. Phim nói về sự suy thoái của cán bộ thời bao cấp sau giải phóng. Đông (Lân Bích) là giám đốc một xí nghiệp dung túng cho cấp dưới là một trưởng phòng ăn cắp nguyên vật liệu bán ra ngoài kiếm lời chia chác. Chuyện vỡ lở khi cán bộ thanh tra tên Phương (Tất Bình) được cử về xí nghiệp điều tra. Đông tìm mọi cách để mua chuộc Phương.

Vai diễn nổi bật và bộ ba phim để đời của NSND Trần Phương ảnh 4 "Hy vọng cuối cùng" giành Bông sen Bạc

"Dòng sông hoa trắng" (1989) là bộ phim về bốn nữ biệt động tài sắc, chấp nhận gạt bỏ niềm riêng để hi sinh cho đất nước. Phim được xem là bản hùng ca lãng mạn, ghi dấu ấn với dàn diễn viên sáng giá  như NSND Trà Giang, NSND Lê Khanh, Diễm My, Thương Tín.

Trong số các phim điện ảnh ông thực hiện còn có: "Đứng trước biển", "Mưa rơi trên thành phố", "Dưới chân núi trắng", "Hoàng Hoa Thám".

Vai diễn nổi bật và bộ ba phim để đời của NSND Trần Phương ảnh 5 Thương Tín và Diễm My trong "Dòng sông hoa trắng"
Qua thời kỳ bao cấp và bắt đầu với con lốc phim mì ăn liền của những thập niên 1990, đạo diễn Trần Phương không buông bỏ mà tiếp tục lao vào làm phim. Một số phim thời kỳ này như: "Vụ án hồ con rùa", "Dòng thác", "SBC" (Săn bắt cướp), "Thủ môn từ trên trời rơi xuống", "Tình ngỡ đã phôi phai", "Vệt nắng ngược". Khi ở tuổi ngoài 70, ông tiếp tục làm phim như "Đêm Bến Tre", "Khi người ta yêu nhau". Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 2001.

NSND Trần Phương qua đời ngày 26/8 tại nhà riêng, tang lễ diễn ra ngày 30/8 tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng.
Ông sinh năm 1930 tại Thái Nguyên, rời nhà trường năm 16 tuổi, Trần Phương tham gia cách mạng. Không được đào tạo bài bản trong trường điện ảnh chính quy, nhưng ông có cơ hội học hỏi từ nhiều tên tuổi tại Trường Văn nghệ nhân dân thành lập tại chiến khu Việt Bắc như: Thế Lữ, Song Kim, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Cả Tam.
Trần Phương trở thành diễn viên của Xưởng phim truyện (Hãng phim truyện Việt Nam) năm 1955.

MỚI - NÓNG