Thắp ước mơ từ vải vụn

Anh Lê Việt Cường (áo sọc) và họa sĩ Đặng Thị Khuê (áo đen) hướng dẫn các bạn trẻ khuyết tật làm tranh ảnh Nhã Khanh
Anh Lê Việt Cường (áo sọc) và họa sĩ Đặng Thị Khuê (áo đen) hướng dẫn các bạn trẻ khuyết tật làm tranh ảnh Nhã Khanh
TP - Trong không gian chỉ khoảng hơn 15m2, một nhóm bạn trẻ đang cặm cụi, miệt mài với những mảnh vải vụn. Dung cẩn thận là từng miếng vải nhỏ xíu cho thật phẳng phiu. Trang tập trung cao độ, dùng đầu tăm dán từng chấm vải. Quảng vừa cắt vải vừa hoàn thiện nốt bức tranh thiếu nữ dân tộc của mình... Quảng, Trang và Dung đều là những đứa trẻ bị khuyết tật bẩm sinh.

Ghép nối những mảnh đời bất hạnh

Quảng năm nay 21 tuổi, bị khiếm thính. Bố mẹ từng xin cho Quảng đi làm bốc vác, phụ hồ. Công việc vất vả với đồng tiền công ít ỏi. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Từ khi đến với Hợp tác xã Vụn Art (tại làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông), Quảng được làm công việc nhẹ nhàng hơn, được thoả thích “nghịch” với sắc màu, với vải vụn, mà mỗi tháng lại mang về cho gia đình từ 4- 5 triệu đồng.

Dung sinh năm 2001, là người làng Vạn Phúc, gắn bó với Vụn từ những ngày đầu tiên. Dung bị khuyết tật trí tuệ nhẹ và chỉ có một tay sử dụng được bình thường. Trang bị câm điếc, lại không biết chữ, giao tiếp hoàn toàn bằng ngôn ngữ ký hiệu. Chị Hậu bị khuyết tật vận động, đi lại khó khăn, lại từng mắc bệnh trầm cảm. Thời gian đầu, phải vận động mãi chị mới đến với Vụn, sau một thời gian, chị rủ thêm em trai, cũng bị khuyết tật, cùng gia nhập vào ngôi nhà của Vụn Art.

Những người khác, mỗi người một dạng khuyết tật. Từ 35 bạn trẻ tham gia dự án từ ban đầu, đến nay, có 14 bạn đã trở thành thành viên cốt cán, chủ lực của Vụn. Phần lớn trước đây họ đều không thể tự mình kiếm sống nhưng sau khi đến với Vụn, đã được bố trí công việc phù hợp với khả năng của bản thân và có thu nhập ổn định mỗi tháng. Người khuyết tật cũng có thể nhận sản phẩm về làm tại nhà. “Những bạn ở xa được hỗ trợ thuê nhà, điện nước, ăn ở và nhận khoản trợ cấp từ 1 đến 4 triệu đồng để có thể đảm bảo được đời sống ở mức tối thiểu nhất”- anh Lê Việt Cường (người sáng lập ra Vụn Art) chia sẻ.

Vụn Art ra đời năm 2017, chính anh Lê Việt Cường cũng là người khuyết tật vận động, đi lại rất khó khăn. Anh Cường bị bại liệt sau một trận sốt hồi chưa đến 1 tuổi. Trải qua hơn 10 cuộc phẫu thuật trong vòng 6 năm trời, giờ đây anh đã có thể tự bước đi, dù đôi chân vẫn còn khập khiễng. Năm 2015, anh Cường được bầu làm Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông. Có cơ hội gần gũi hơn với những người khuyết tật, anh càng hiểu hơn cảm xúc, tâm tư của họ.

"Bản thân tôi từng gặp rất nhiều khó khăn khi đi xin việc làm, nên tôi hiểu. Nếu không có việc làm, mình sẽ cảm thấy tự ti, thấy mình sống vô ích, và trở thành gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội", anh nói. Đó cũng là ý tưởng để cho ra đời cái tên Vụn Art. “Vụn có ý nghĩa là ghép những mảnh vải vụn nhỏ mà mọi người nghĩ là sẽ bỏ đi. Cũng giống như cuộc đời của những người khuyết tật chúng tôi, ghép lại với nhau thành một mảng lớn, tạo ra ý nghĩa cho xã hội”, giám đốc Vụn Art cho biết thêm.

Vụn Art đã gần 2 tuổi rưỡi. Cũng là từng ấy thời gian, giám đốc Lê Việt Cường phải vượt qua muôn vàn khó khăn. Ngoài việc phải bảo đảm công việc hàng ngày ở một công ty dược, anh tranh thủ đến các phường trên địa bàn Hà Nội xin danh sách người khuyết tật, rồi đến từng nhà vận động họ tham gia dự án của mình. Dù chưa tạo ra sản phẩm, anh vẫn bỏ tiền túi đứng ra lo lắng chỗ ăn, nghỉ cho những người ở xa, giúp họ yên tâm làm việc. Anh còn tìm đến các họa sĩ chuyên nghiệp, mời họ về dạy kỹ thuật ghép tranh, cách bố cục, tạo hình mỹ thuật… cho các em. Cuối tuần rảnh rỗi, anh lại mang các sản phẩm của Vụn rong ruổi khắp Hà Nội, đến các cửa hàng bán đồ lưu niệm, cửa hàng tranh, các khách sạn lớn để chào hàng. Có những nụ cười tiếp đón niềm nở, nhưng cũng có cả những cái xua tay đầy ái ngại. Nhưng hơn 2 năm qua, chưa bao giờ anh từ bỏ quyết tâm làm điều gì ý nghĩa cho cộng đồng người khuyết tật.

 “Muốn họ mua tranh vì đẹp, chứ không vì thương hại”

Những tác phẩm của Vụn Art chủ yếu dựa vào các mẫu tranh Kim Hoàng, tranh dân gian Hàng Trống, tranh dân gian Đông Hồ, tranh làng Sình, tranh về phố cổ Hà Nội… Để làm nên một bức tranh, cần phải chọn vải, lọc lại, là phẳng rồi ép, sau đó dán vào bìa. Anh Cường thường chia tất cả công việc thành những công đoạn nhỏ, tìm công việc phù hợp với khả năng của từng người để họ làm. “Điều khiến tôi trăn trở nhất là sản phẩm tranh đưa ra thị trường phải đạt giá trị về thẩm mỹ. Tôi muốn những sản phẩm làm ra phải đi được xa bằng chính sức hấp dẫn của nó, chứ không muốn cộng đồng ưu ái vì đây là sản phẩm của người khuyết tật”, anh chia sẻ.

Thắp ước mơ từ vải vụn ảnh 1 Mỗi bạn trẻ ở đây đều được giao công việc phù hợp với khả năng ảnh Nhã Khanh

Và cơ duyên may mắn, anh đã có được sự giúp đỡ của họa sĩ Đặng Thị Khuê. Suốt một năm qua, người phụ nữ đã ngoài tuổi 70 vẫn lặn lội vượt qua những ngày mưa nắng để đến dạy mỹ thuật cho các em nhỏ khuyết tật của Vụn Art mà không đòi hỏi một đồng lương nào.

Dù đã có kinh nghiệm dạy mỹ thuật cho nhiều đối tượng không chuyên, nhưng nữ hoạ sĩ vẫn phải thừa nhận không gì gian nan bằng đào tạo cho người khuyết tật. “Để làm ra những tác phẩm nghệ thuật, với người bình thường đã khó, với người khiếm khuyết về vận động, nghe nhìn hay nhận thức thì càng khó khăn hơn. Đó là chưa kể, nhiều học viên khi đến với Vụn Art còn thu mình, thiếu kỹ năng sống, lại mặc cảm tự ti, nên trước khi truyền cảm hứng sáng tạo, họ cần được động viên… Đó là lý do Vụn Art không đơn thuần chỉ là nơi mang đến việc làm cho người khuyết tật, mà còn như ngôi trường phục hồi chức năng. Chúng tôi, vừa là người thầy, vừa là chuyên gia tâm lý, bác sĩ, lại phải ân cần, tận tâm với các em như người thân trong gia đình, để các em thực sự tin tưởng”, nữ họa sĩ bộc bạch.

Thắp ước mơ từ vải vụn ảnh 2 Tác phẩm tranh ghép vải “Đám cưới chuột” của Vụn Art ảnh Nhã Khanh

Dự định chỉ tham gia Vụn Art trong thời gian đầu khó khăn, nhưng rồi họa sĩ Đặng Thị Khuê đã quyết định ở lại gắn bó lâu dài, thậm chí “lôi kéo” thêm cả con gái và đồng nghiệp cũ cùng đến chung tay. “Một năm gắn bó với Vụn Art, chứng kiến sự trưởng thành mỗi ngày của những học sinh đặc biệt, nhìn thấy Vụn có thêm những đơn hàng mới, hay những lời cảm ơn gửi gắm của cha mẹ các cháu, cảnh dân làng mang từng bao vải vụn đến cho, hay những lần lãnh đạo địa phương và thành phố đến tận nơi động viên, thăm hỏi… đã khiến tôi vô cùng xúc động và muốn làm được thật nhiều hơn nữa cho các cháu”.

Để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến nhiều đối tượng khách hàng hơn, bên cạnh tranh ghép vải nghệ thuật, thời gian gần đây, Vụn Art sáng tạo thêm những sản phẩm mới trên cơ sở tận dụng nguồn vải vụn từ Vạn Phúc và các nhà may như: Bưu thiếp vải, bộ trò chơi tranh ghép, túi vải họa tiết… Bên cạnh đó, Vụn Art còn hoạt động dưới mô hình không gian sáng tạo, thu hút các bạn trẻ, học sinh, sinh viên tới tìm hiểu tranh dân gian truyền thống và thực hành làm tranh ghép vải. Anh Cường cũng cho biết, Vụn đã kết nối với một số đơn vị du lịch để mở tour tham quan làng lụa, đồng thời trải nghiệm làm tranh ghép vải ở Hợp tác xã Vụn Art. Dù không thể giao tiếp được, nhưng khi có khách quốc tế đến trải nghiệm ghép tranh từ vải vụn, Quảng và các bạn trẻ nơi đây vẫn có thể nhiệt tình hướng dẫn họ.  

Thắp ước mơ từ vải vụn ảnh 3 Tác phẩm tranh ghép vải “Đám cưới chuột” của Vụn Art ảnh Nhã Khanh

“Một mảnh vải vụn sẽ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật nếu được đặt đúng chỗ. Một người khuyết tật cũng có thể đóng góp những phẩm chất tuyệt vời của mình để làm đẹp cho cuộc đời nếu tìm được đúng vị trí của mình”, đó là những dòng chữ được in trang trọng trên các sản phẩm xinh xắn như tranh vẽ, túi vải, bưu thiếp… như là thông điệp và cũng là sứ mệnh của Vụn Art.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.