Ngày 3/10, theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, sau khi Bình Dương tăng mức nới lỏng giãn cách, do các hoạt động được khôi phục trở lại nên lưu lượng phương tiện tăng đột biến.
Đại diện ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, cho biết hiện có 3.291 doanh nghiệp đang hoạt động theo các mô hình (“3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” và “3 xanh”) và 386 doanh nghiệp đang nộp hồ sơ để hoạt động trở lại.
Để hoạt động xuyên suốt, không gián đoạn, Bình Dương đề nghị doanh nghiệp xây dựng kịch bản ứng phó khi xuất hiện F0 trong nhà máy theo hướng khoanh vùng từng phân xưởng. Bên cạnh đó, tổ chức lại khu nhà trọ theo phân xưởng, tự tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên, đại diện, định kỳ để phát hiện sớm ca nhiễm.
Những doanh nghiệp bảo đảm “nhà máy xanh, nơi ở xanh, công nhân xanh” mới được phép hoạt động. Các doanh nghiệp được trao quyền chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an toàn dịch bệnh. Khi phát hiện ca nhiễm thì khoanh gọn nhất theo ca, kíp, phân xưởng, nơi ở trọ, còn những bộ phận khác hoạt động bình thường.
Trong khi đó, ông Eliseo Barcas - Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam, cho hay, Bình Dương đang kiểm soát tốt dịch bệnh, từng bước trở về trạng thái bình thường mới, do đó công ty đang xây dựng kế hoạch phát triển trong thời gian tới.
“Chúng tôi đầu tư thêm 5 triệu Euro để thực hiện chiến lược khôi phục lại kinh tế. Việc tăng vốn đầu tư sẽ giúp chúng tôi phục vụ khách hàng tốt hơn khi công suất được tăng thêm, nhà máy sẽ được trang bị thêm máy móc để có thể sản xuất các loại vỏ hộp giấy cao cấp thay thế hàng nhập khẩu”, lãnh đạo Tetra Pak Việt Nam nói.
Về lưu thông hàng hóa, ông Nguyễn Hoàng Long - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Phú Tài chia sẻ: “Vào thời điểm dịch bùng phát, chúng tôi sản xuất “3 tại chỗ” nhưng hàng hóa xuất đi rất ít, luôn trong tình trạng tồn kho do hạn chế lưu thông. Vài ngày trở lại đây, khi địa phương nới lỏng, hàng hóa lưu thông nhiều. Nếu như trước đây, mỗi ngày khoảng 10 chuyến hàng xuất đi thì 2 hôm nay tăng lên từ 15 đến 20 xe hàng ra cảng.
Trong khi đó, ông Dương Quang Long - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Quang Long cho hay đơn vị hợp đồng với công ty giày. Khi Bình Dương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và 16+, mỗi ngày chỉ có khoảng 20 thùng hàng container xuất đi. Tuy nhiên, sau khi nới lỏng, hàng hóa được lưu thông nhiều hơn, chỉ trong ngày đầu đã xuất 50 thùng container.
Ông Nguyễn Chí Hiếu - Phó giám đốc Sở GTVT Bình Dương cho biết, địa phương rất chú trọng phân luồng cho các doanh nghiệp logistic vận chuyển hàng hóa, vận chuyển nguồn cung ứng thực phẩm và việc đưa chuyên gia, công nhân tới Bình Dương làm việc. Bình Dương duy trì các chốt liên tỉnh để kiểm soát dịch bệnh.
Để giảm tình trạng ùn ứ tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở các cửa ngõ tỉnh Bình Dương, Sở GTVT Bình Dương đã hướng dẫn các tài xế đăng ký cấp "Thẻ nhận diện phương tiện" có mã QR tương ứng với mỗi phương tiện.
Theo ông Nguyễn Đỗ Vũ - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Dương cho biết, trong tuần qua, lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra gần 533.000 lượt phương tiện, trong đó xe có mã QR gần 81.000 xe.
Lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa có xu hướng tăng dần những ngày trở lại đây, khi nới lỏng giãn cách. Trong ngày 2 và 3/10 (sau khi nới lỏng), lượng phương tiện tăng gần gấp đôi so với trước. Cũng theo ông Vũ, địa phương đang phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp lưu thông hàng hóa.
Ông Nguyễn Anh Minh - giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, về lưu thông vùng (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) địa phương đã có dự thảo và đang làm việc với các tỉnh, thành phố để thống nhất đưa ra quy chuẩn chung cho người dân lưu thông trong cụm.