Phương thức chăn nuôi truyền thống: Thấy mà lo!

Phương thức chăn nuôi truyền thống: Thấy mà lo!
Trước cảnh báo rằng virus H5N1 có thể đang tiềm ẩn ngoài môi trường chứ không chỉ trên gia cầm bị bệnh, cứ nghĩ đến phương thức chăn nuôi truyền thống: gia cầm, gần người; thủy cầm, thả ao hoặc thả ra đồng của dân ta mà thấy lo.

PV Tiền Phong đã về một địa phương để chứng kiến điều các nhà khoa học đang cảnh báo.

Trên một khúc đầm rộng ở cánh đồng thôn Hiệp Lực (Quỳnh Phụ, Thái Bình), đàn vịt hàng trăm con đang lặn ngụp kiếm mồi, kêu vang cả góc cánh đồng. Đang là mùa đổ ải chuẩn bị cấy nên các đầm nước đầy ắp, tràn khắp cánh đồng và chảy vào các ao hồ trong làng.

Anh Đào Văn Tiệp - Trưởng ban Thú y xã thống kê cả xã có đến hàng chục ngàn con gà. Dù nuôi công nghiệp với số lượng lớn, gà đều được nhốt gần nơi ở của người.

Anh Tiệp tỏ ra rất lo ngại bởi ở xã đất chật người đông, nhà cửa san sát thế này, dịch xảy ra thì khó có thể đối phó kịp. Lại còn vịt. Với ngần ấy con vịt, lượng phân chúng thải ra hàng ngày vào nguồn nước là rất lớn.

Chỉ cần một con vịt chẳng may mang mầm bệnh cúm H5N1, dịch sẽ lan nhanh đến nhường nào qua môi trường nước có phân vịt. Rồi còn cả con người nữa chứ. Dù không còn dùng nước ao để ăn như trước đây, nhiều người dân trong xã vẫn quen dùng nước ao rửa chân tay, giặt giũ…

“Chúng tôi biết là nguy cơ dịch lây lan cao lắm nhưng đành lực bất tòng tâm. Phương thức chăn nuôi của cha ông từ bao đời nay rồi, có phải một sớm một chiều thay đổi được đâu” - anh Tiệp than – “Vả lại, người chăn nuôi có được hỗ trợ gì nhiều đâu”.

Đáng lo ngại hơn, khá nhiều hộ chăn nuôi ít quan tâm đến những thông tin về dịch bệnh hàng ngày, thú y cũng chẳng thấy gọi đi tập huấn hay phổ biến gì…

Tiệp bảo ở xã này rất nhiều hộ nông dân muốn dựng trang trại ngoài đồng để nuôi gà. Làm vậy vừa có diện tích rộng, muốn phát triển chăn nuôi bao nhiêu cũng được, lại vừa tách biệt với khu dân cư, hạn chế được nguy cơ lây lan nếu xuất hiện dịch.

Nhưng hộ gia đình chăn nuôi vay được vài ba triệu để mua con giống thôi đã là chuyện không hề đơn giản nói gì đến chuyện vay vài chục triệu hay hàng trăm triệu đồng lập trang trại lớn. Đấy cũng là khó khăn rất lớn nếu dịch xảy ra.

“Ai dám đi báo rằng đàn gà nhà mình có gà bị chết để thú y đến tiêu huỷ. Làm thế họ sẽ khuynh gia bại sản mất. Mà đến cả thú y ở tuyến trên cũng sợ vào ổ dịch thì người chăn nuôi việc gì phải vội vàng”.

Tiệp kể đợt dịch năm ngoái anh gọi điện cho thú y huyện về kiểm tra tình hình tiêu huỷ, hôm sau thấy 2 chiếc xe biển xanh lựa đầu gió đỗ xịch ở tận mặt đê, cách hố chôn gà đến mấy trăm mét, mấy người bịt kín mít từ đầu đến chân bước xuống xe chỉ trỏ rồi đi ngay rồi từ đó chẳng thấy quay lại nữa.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.