Phương Tây bất an khi Nga tăng khả năng đối kháng điện tử?

Theo Vpk.name, Nga đang phát triển loại máy bay đối kháng điện tử mới dựa trên máy bay chở khách Tu-214 - thông tin này có thể khiến phương Tây bất an.

Tăng khả năng đối kháng điện tử

Ngày 5/2, Tạp chí Công nghệ quốc phòng Nga dẫn lời Phó giám đốc Tổ hợp Công nghệ sóng radio và điện tử (KRET) Igor Nasenkova cho biết, dựa trên nền tảng máy bay chở khách Tu-214, đơn vị này cùng tổ hợp chế tạo hàng không Tupolev sẽ phát triển máy bay đối kháng điện tử thế hệ mới.

Ông I. Nasenkova cho biết: “Chúng tôi đang ở giai đoạn thiết kế sơ bộ máy bay đối kháng điện tử mới”. Tuy thông tin về thế hệ máy bay đối kháng điện tử mới không được hé lộ, nhưng ông I. Nasenkova khẳng định: “Máy bay mới sẽ có đặc tính kỹ thuật đặc biệt chưa từng có tiền lệ trên thế giới”.

Theo những thông tin được công bố, Tu-214 là phiên bản nâng cấp của máy bay chở khách Tu-204-100 với việc tăng tải trọng cất cánh và tầm hoạt động. Trước đó, trên cơ sở máy bay Tu-214, Nga đã phát triển phiên bản trinh sát quang-điện tử Tu-214R và Tu-214ON Open Skies chuyên thực hiện nhiệm vụ giám sát trên không.

Việc Nga tích hợp khả năng đối kháng điện tử trên máy bay dân dụng cũng được đang được nhiều nước quan tâm. Phương án này tận dụng được độ tin cậy và khả năng bay hành trình tốt, cũng như trọng lượng cất cánh lớn của các máy bay dân sự để lắp đặt hệ thống radar hàng không công suất lớn.

Máy bay trinh sát quang-điện tử Tu-214R của Nga
Máy bay trinh sát quang-điện tử Tu-214R của Nga

Phương Tây có lo ngại?

Trước khi phát triển dòng máy bay đối kháng điện tử mới thì năng lực thực sự của Nga trên lĩnh vực tác chiến điện tử đã được phương Tây kiểm chứng qua những diễn biến liên quan đến tình hình Ukraine trong suốt thời gian qua.

Cụ thể trong giai đoạn đầu của những căng thẳng tại Ukraine, lực lượng tác chiến điện tử Nga đã 'bắt sống' một chiếc UAV trinh sát/tấn công MQ-5B của Mỹ trên bầu trời Crimea. Theo báo cáo của Hiệp hội nhà nước Rostec, chiếc UAV MQ-5B bị đánh chặn thuộc lữ đoàn trinh sát số 66 của Quân đội Mỹ, đóng trên lãnh thổ Bavaria.

Báo cáo cũng cho biết rằng, đầu tháng 3/2014, một phần của Lữ đoàn trinh sát 66 của Mỹ đã dịch chuyển tới khu vực Kirovahrad (Ukraine), và từ đây, họ đã triển khai các máy bay không người lái để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, giám sát vùng lãnh thổ Crimea và dọc theo biên giới Nga.

Trước đó, cũng đã có báo cáo cho rằng, các máy bay không người lái Mỹ đã xuất hiện ở khu vực Kherson, gần với danh giới Chongar giữa bán đảo Crimea và phần đất liền của Ukraine. Trong đó, Lữ đoàn trinh sát 66 của Mỹ được cho là đang triển khai tổng cộng 18 UAV MQ-5B.

"Đây là lần thứ hai UAV Mỹ bị đánh chặn ở Crimea", báo cáo của Rostec nói.

"UAV này đã bay ở độ cao khoảng 4.000m và mắt thường không thể nhìn thấy được. Nhưng đường truyền thông tin của UAV này đã bị phá vỡ nhờ sự trợ giúp của tổ hợp tác chiến điện tử 1L222 Avtobaza. Kết quả là UAV này đã phải hạ cánh khẩn cấp và được lực lượng phòng không thu giữ mà gần như không xảy ra hư hai nào", báo cáo nói.

Tuy nhiên đây không phải là lần duy nhất Nga khiến Mỹ 'tâm phục khẩu phục', sau khi Nga bắt sống chiến UAV MQ-5B này đúng 1 tháng, ngày 10/4/2014, tàu khu trục Mỹ "Donald Cook" với tên lửa hành trình "Tomahawk" đã tiến vào Biển Đen. Mục đích là để đe dọa và biểu dương lực lượng liên quan đến quan điểm của Nga về Ukraine và Crimea.

Đáp lại, Nga cho máy bay Su-24, không mang vũ khí nhưng được trang bị tổ hợp điện tử chiến đấu mới nhất của Nga có tên là "Khibiny", bay vòng quanh tàu khu trục Mỹ.

Hệ thống tác chiến Aegis đã phát hiện sự tiếp cận trên không và báo động. Tất cả mọi thứ đang diễn ra bình thường, radar Mỹ theo dõi mục tiêu đang đến gần thì đột nhiên tất cả các màn hình vụt tắt. "Aegis" không làm việc, các tên lửa không nhận được thông tin về mục tiêu. Trong khi đó, chiếc Su- 24 của Nga bay qua phía trên boong tàu khu trục Mỹ, mô phỏng cuộc tấn công tên lửa vào mục tiêu lặp đi lặp lại động tác đó đến 12 lần.

Ngay sau đó, "Donald Cook" đã khẩn cấp cập cảng Romania. Đã có 27 thủy thủ đệ đơn xin từ chức. Tất cả 27 người này đã viết trong đơn là họ không muốn mạo hiểm với tính mạng của mình. Tuyên bố của Lầu Năm Góc gián tiếp xác nhận điều đó khi lập luận rằng động thái của máy bay Nga khiến cho thủy thủ tàu Mỹ mất tinh thần.

Không chỉ có vậy, khả năng của lực lượng đối kháng điện tử Nga còn được Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại châu Âu, Trung tướng Ben Hodges, thừa nhận quân đội Ukraine đang chật vật chống chọi các vụ pháo kích cũng như gây nhiễu điện tử của lực lượng ly khai ở miền Đông nước này.

Trung tướng Ben Hodges cho biết hệ thống liên lạc của quân đội Ukraine đang bị các thiết bị gây nhiễu điện tử của lực lượng ly khai gây cản trở và thừa nhận: "Rất khó để lực lượng chính phủ Ukraine sử dụng sóng vô tuyến, điện thoại và các phương tiện liên lạc khác vì lực lượng ly khai có các thiết bị gây nhiễu vượt trội.

Sự thừa nhận của Tướng Ben Hodges cho thấy một thực tế rằng, quân ly khai sử dụng các loại vũ khí có điều khiển rất chính xác, gây thiệt hại nặng cho quân Kiev, nhưng ngược lại, quân Kiev thì như mù, bắn không gây thiệt hại gì đến quân ly khai mà có khi lạc vào dân.

Đặc biệt, khi Kiev luôn tố cáo Nga kéo quân, xe tăng ầm ầm qua biên giới, Nga yêu cầu bằng chứng, Kiev không thể. Nhưng còn Mỹ, vệ tinh quân sự cực kỳ hiện đại mà không có nổi một bức hình nào chăng? Hay là Nga không hề viện trợ gì cho quân ly khai về xe tăng, đại bác…một sự khẳng định vô cùng ngây thơ là sự thật?

Đến đây, một vài sự kiện mà kết quả có thật đã khiến cho đối tượng tác chiến của Nga hoang mang về nguyên nhân. Rõ ràng, trên chiến trường Ukraine, quân đội Kiev chính thức bị quân ly khai hoàn toàn áp chế điện tử, cho nên, không khó hiểu khi không quân Ukraine “án binh bất động”.

Đúng như Thủ tướng Nga Metveded đã nói “Không tin cứ thử xem!”, nhưng khi đã như thế thì chắc sẽ không ai dám thử.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo baodatviet.vn
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.