Phú Yên: Lợi dụng trồng rừng để phá rừng

Phú Yên: Lợi dụng trồng rừng để phá rừng
TP- Chỉ trong vòng mấy tháng, dòng xe ngược xuôi chở gỗ, khói lửa từ những đám cháy do người ta đốt đã làm rừng biến mất,  còn lại những bãi đất nham nhở và từng gốc cây trơ trọi... Người dân xót xa, chính quyền địa phương bó tay.

Rừng tự nhiên, nay đã bị tàn phá vô tội vạ để... trồng rừng!  Đó là mô hình “trồng rừng kinh tế” của một số  doanh nghiệp tại các xã An Ninh Tây (Tuy An), Xuân Quang 1, Xuân Quang 2 và Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên).

Phú Yên: Lợi dụng trồng rừng để phá rừng ảnh 1
Kiểu “dọn thực bì”, đốn hạ cây gỗ lớn để trồng keo tràm của Cty Bình Nam tại khu rừng suối Sổ  Ảnh: Lưu Gia

“Đại công trường” phá rừng

Người dân ở xã Xuân Quang1, Xuân Quang 2 chưa bao giờ thấy một cuộc phá rừng quy mô lớn như vậy. Tổng cộng 1.129 ha rừng gần như đã bị triệt hạ hoàn toàn trong vòng chưa đầy một tháng .

“Người chặt phát rừng có ngày đông hơn cả số người dân ở thôn Đồng Hội chúng tôi” - bà Nguyễn Thị Trang, người dân địa phương nói. Hàng trăm lán trại mọc lên, nhân công và xe ủi đào nát sườn núi làm đường chuyển gỗ.  Ngày đêm xe chạy ầm ầm, cày nát con đường La Hai - Đồng Hội. Phía thung lũng bên kia lửa rừng nghi ngút thiêu trụi những hàng cây.

Chúng tôi hì hục cuốc bộ nhiều tiếng đồng hồ dọc theo con suối Sổ (xã Xuân Quang 1). Sau cái nắng khô khốc bên những cánh rừng đã phát dọn thực bì vừa cháy, nay mưa bão tung tro bụi phả vào mặt rát rạt, lấm lem.

Đập vào mắt, cạnh bên bìa rừng là những lán trại do Cty TNHH Bình Nam dựng lên để “nuôi” nhân công vào sâu trong “phá rừng cũ” để... trồng rừng mới ! Lên đến đoạn núi Dốc Dầu,  nhiều loại cây lớn mọc dày có giá trị như sến, cứt sắt, chò... bị đốn ngã ngổn ngang.

Nhân công làm thuê của Cty TNHH Bình Nam đã dùng máy lốc, máy cưa triệt hạ hàng loạt cây dầu, đường kính từ 30 - 50cm rồi xẻ lấy ván ngay tại gốc.

Lên đỉnh những cánh rừng, nhìn tứ phía, bạt ngàn một màu đen trụi. Đem lời thắc mắc với bà con đi cùng: “Vì sao bà con không phản ánh với chính quyền địa phương để ngăn chặn chặt phá rừng tự nhiên nơi đây?”, thì anh Võ Văn Đạt, ở xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) cho hay: “Thấy công nhân phá quá trời, phận dân kêu khi nào cho thấu nên tôi cũng tranh thủ đi sâu vào rừng Hòn Bồ để chặt mót ít gỗ về làm nhà !”.

Dân ở thôn Đồng Hội kéo chúng tôi về nhà và chỉ từng đống cây hoành tử có đường kính 10 -15cm, dài 4 - 5m, nói: “Số cây này do nhân công chặt trên khu rừng phát dọn thực bì rồi vác xuống nhà dân gửi, sau đó bán lại cho các đầu nậu với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/cây”.

Ông Trần Năm, 81 tuổi, ở Bàn Cây Xay gần khu vực suối Sổ, bộc bạch: “Tôi sống ở đây cả một đời gắn bó bảo vệ rừng già, từng chứng kiến bò rừng, heo rừng, nai và vượn khỉ ghé nhà... Có khi chúng tôi thấy một đàn bò rừng 5-7 con thường hay di chuyển từ Hòn Bồ qua Làng Muồng.

Vậy mà giờ đây, rừng bị phá tràn lan.  Tiếc, xót lắm các anh chị ơi !”. Quá đau lòng trước cảnh tàn phá rừng rất nhiều người dân xã Xuân Quang 1 đã ký tên gửi đơn lên các cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp.

Dân hết “quyền” bảo vệ rừng!?

Trước sức ép của dân, UBND xã Xuân Quang 1 mới thành lập đoàn đi kiểm tra thực địa để xác định lại hiện trạng rừng. Tại văn phòng UBND xã,  ông Châu Văn Thiện - Chủ tịch xã, thừa nhận: “Sau khi đi thực địa phát hiện khu rừng phía Nam Hòn Bồ là toàn bộ rừng nguyên sinh có nhiều cây gỗ chất lượng tốt có D>10cm mọc tương đối dày, chúng tôi gửi công văn báo cáo các cấp đồng thời đình chỉ không cho chặt phá khu rừng phía Nam Hòn Bồ”.

Trong khi đó, ở khu rừng từ thôn Phú Sơn vào tận khu rừng Cầy Dú (thuộc xã Xuân Quang 2), cũng như ở khu rừng Hòn Bồ, nhóm phóng viên“mục sở thị” hàng chục nhân công của Cty TNHH Bình Nam vẫn chặt cây rừng đổ ầm ào.

Còn người dân thì hết quyền được bảo vệ rừng. “Từ những năm 2003, các cánh rừng thuộc tiểu khu 121, 123 (xã Xuân Quang 2) được giao cho dân theo Nghị định 163/CP của Chính phủ để bảo vệ, nuôi dưỡng “rừng non có trữ lượng”.

Nhưng, bây giờ Cty TNHH Bình Nam đã tìm cách mua lại sổ đỏ của dân rồi lấy cớ dọn thực bì để phá rừng tràn lan, dân chúng tôi đành chỉ biết đứng nhìn”, anh Nguyễn Thành Cát ở thôn Phú Sơn cho hay.

Ông Phùng Văn Phú (ở thôn Phú Sơn), bức xúc: “Cả chục năm nay, bà con ở đây được cấp sổ đỏ để khoanh nuôi, bảo vệ rừng non, nhờ vậy rừng đã phủ xanh, chống được xói mòn. Vậy mà không hiểu sao bây giờ lại giao cho người ta lấy cớ trồng rừng để phá rừng”.

Thực tế, diện tích rừng ở đây thuộc hệ thống rừng nhiều tầng được khoanh nuôi, bảo vệ. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Chỉ thị 38/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh Phú Yên đã quyết định chuyển đổi những khu rừng phòng hộ, rừng non khoanh nuôi tái sinh ở huyện Đồng Xuân thành rừng sản xuất!

Điều đáng nói là việc quy hoạch chuyển đổi, phân loại rừng như vậy mới chỉ được ký tá trên giấy chứ chưa kiểm tra thực tế hiện trạng rừng, đóng mốc ranh giới các loại rừng trên thực địa.

Để rồi chính sự sai lệch giữa đồ án thiết kế trên giấy và thực tế ngoài rừng đã được những doanh nghiệp tư nhân lợi dụng và chỉ trong vòng hơn một tháng, hàng ngàn héc ta rừng ở khu vực đầu nguồn Hòn Bồ, Cây Dú bị tàn phá tan hoang.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.