Phụ nữ Ảrập Xêút hân hoan với quyền mới

Từ cuối tháng 8, phụ nữ Ảrập Xêút có quyền làm hộ chiếu, đi nước ngoài mà không phải xin phép người giám hộ nam giới Ảnh: AP
Từ cuối tháng 8, phụ nữ Ảrập Xêút có quyền làm hộ chiếu, đi nước ngoài mà không phải xin phép người giám hộ nam giới Ảnh: AP
TP - Lần đầu tiên phụ nữ Ảrập Xêút được làm hộ chiếu, đi nước ngoài mà không phải xin phép người giám hộ nam giới…

Trao thêm quyền cho phụ nữ

Hôm 2/8, Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman quyết định trao thêm quyền cho phụ nữ nước ngày, bao gồm quyền đi xa mà không phải xin phép một người thân là nam giới (bố, chồng…), được đối xử bình đẳng nơi làm việc, được cấp giấy tờ gia đình. “Sự thay đổi này có nghĩa là phụ nữ sẽ có toàn quyền quyết định số phận pháp lý của họ… Một thế hệ lớn lên hoàn toàn tự do và bình đẳng với các người anh em trai của họ”, bà Muna AbuSulayman, nhân vật nổi tiếng trên truyền thông Ảrập, viết trên mạng xã hội Twitter. Bà nói bản thân bà phấn khích đến nỗi không ngủ được. Con gái lớn của bà sẽ được làm hộ chiếu, được đi nước ngoài mà không cần có sự chấp thuận của bố, không cần bố đi cùng.

Hệ thống giám hộ của Ảrập Xêút tồn tại lâu đời, gồm các luật, quy định và tập quán xã hội đan xen khiến nhiều quyền của phụ nữ nằm trong vòng kiểm soát của người thân nam giới của họ (bố, anh trai, em trai, chồng). Mãi tới gần đây, năm 2017, phụ nữ Ảrập Xêút mới được phép lái xe, rồi năm 2018, họ có quyền đến dự các sự kiện giải trí, thể thao. Và giờ đây, họ mới có quyền làm hộ chiếu, đi nước ngoài một cách độc lập.

Theo quy định mới có hiệu lực từ cuối tháng 8 này, tất cả phụ nữ Ảrập Xêút được phép nộp đơn xin cấp hộ chiếu; phụ nữ ít nhất 21 tuổi được phép đi nước ngoài một cách độc lập. Trước đó, phụ nữ phải xin phép người giám hộ nam giới mới được làm hộ chiếu. Phụ nữ không có hộ chiếu chỉ có một trang trong hộ chiếu của người giám hộ. Vì thế, họ không thể đi nước ngoài mà không có người giám hộ đi cùng.

Thay đổi mới nhất này có thể đóng vai trò rất quan trọng không chỉ với phụ nữ mà còn với xã hội Ảrập. “Đây là một bước đột phá lớn”, Hoda al-Helaissi, thành viên Hội đồng tư vấn Shura của Ảrập Xêút, nhận định. Sự tiến bộ của phụ nữ là yếu tố chủ chốt trong kế hoạch của Thái tử Mohammed nhằm cải tổ đất nước thông qua đa dạng hóa kinh tế và nới lỏng hạn chế xã hội. Từ khi bố ông thoái vị năm 2015, Thái tử Mohammed được hoan nghênh vì đã “mềm hóa” lực lượng cảnh sát tôn giáo, cho phép mở cửa các rạp chiếu phim, rạp hát, dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe…

Dù Thái tử Mohammed mở ra nhiều cánh cửa mới cho phụ nữ Ảrập, các nhà phê bình chỉ ra rằng, một số phụ nữ vận động cho những quyền kể trên vẫn đang phải ngồi tù hoặc hầu tòa. Ngoài ra, để quy định mới đi vào cuộc sống, đến tận từng gia đình cũng mất một khoảng thời gian nhất định. Một số phụ nữ Ảrập Xêút nói rằng, họ chỉ được hưởng bình đẳng thực sự khi họ nhận được các quyền khác mà họ vẫn còn thiếu như cưới chồng hoặc sống độc lập mà không phải xin phép một người thân nam giới.

Có lợi cho người ly hôn, góa chồng

Những quy định mới này mang tính lịch sử, kêu gọi bình đẳng nam-nữ trong xã hội, công chúa Reema bint Bandar al-Saud, đại sứ Ảrập Xêút tại Mỹ và là nữ đại sứ đầu tiên của nước này, viết trên Twitter. “Sự lãnh đạo của chúng ta thể hiện cam kết rõ ràng đối với bình đẳng giới”, công chúa viết.

Những năm gần đây, Thái tử Mohammed đã nới lỏng hạn chế về áo váy của phụ nữ, thúc đẩy để có thêm phụ nữ gia nhập lực lượng lao động… Người ta chưa rõ tại sao các quy định mới được công bố vào thời điểm này nhưng tin tức liên quan đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền của Ảrập Xêút. Trước đó, hồi năm ngoái, thế giới chú ý tới vụ sát hại nhà báo bất đồng chính kiến Khashoggi trong Lãnh sự quán Ảrập Xêút ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Các lực lượng Ảrập bị sa lầy và bị cáo buộc phạm các tội ác chiến tranh ở Yemen, dẫn tới việc các nghị sĩ Mỹ kêu gọi chấm dứt ủng hộ nỗ lực của Ảrập trong cuộc chiến ở Yemen.

Không ít giáo sĩ, trí thức, thành viên hoàng gia, doanh nhân và nhà hoạt động vẫn đang vận động để chấm dứt hệ thống giám hộ. Nhiều người đã bị bắt. Những năm gần đây, một số phụ nữ trẻ người Ảrập bỏ trốn ra nước ngoài để tránh những thành viên gia đình và hệ thống pháp luật họ không tin tưởng. Vì thế, những thay đổi mới nhất dù chưa đi vào thực tế và chưa tạo ra những thay đổi sâu sắc trong xã hội Ảrập Xêút cũng được nhiều phụ nữ nước này hân hoan đón nhận, coi đó là làn sóng giải phóng.

Bà al-Helaissi, một thành viên Hội đồng Shura, nói bà không trông chờ những thay đổi mới nhất sẽ có tác động to lớn ngay lập tức đối với hầu hết gia đình. Nhưng bà cho rằng, những người được hưởng lợi lớn nhấ sẽ là phụ nữ góa chồng hoặc đã ly hôn, vì giờ đây họ có thể quản lý các vấn đề gia đình dễ dàng hơn trước. Quy định mới cho phép phụ nữ đăng ký khai sinh, kết hôn và ly hôn.

Chuyên gia Adam Coogle nói rằng, trước đây, nhiều phụ nữ góa chồng, ly thân hoặc ly hôn bị chồng hoặc chồng cũ gây khó dễ, tống tiền. Những người đàn ông này không giúp phụ nữ có được giấy khai sinh hoặc các giấy tờ khác liên quan vấn đề trẻ em, gia đình. Lệnh cấm phân biệt đối xử về việc làm cũng sẽ giúp ngăn các chủ lao động tư nhân nói với phụ nữ rằng, để được nhận vào làm, họ cần sự cho phép của người giám hộ. Đây là tập quán chung khó bỏ dù luật hiện hành không yêu cầu phụ nữ phải được sự đồng ý của người giám hộ mới được đi làm. Ảrập Xêút hiện có 22 triệu dân và khoảng 2/3 trong số đó dưới 30 tuổi. Phụ nữ đi làm chủ yếu là thu ngân siêu thị. Trước năm 2015, phụ nữ không được phép làm việc ở những không gian công cộng.

Các quy ước xã hội ở Ảrập Xêút từ lâu được thúc đẩy bởi sự diễn giải bảo thủ về đạo Hồi và các tập quán Ảrập truyền thống – những thứ không chỉ khiến phụ nữ ở ngoài rìa đời sống công cộng mà còn vắng bóng trong nhiều trường hợp.

Ở Ảrập Xêút, giáo dục cho các trẻ em gái phải đến những năm 1960 mới xuất hiện. Nhiều thập kỷ qua, các chức sắc tôn giáo thúc đẩy việc phân cách giữa phụ nữ và nam giới, thuyết giảng rằng mọi thứ sẽ tốt hơn nếu phụ nữ chỉ ở nhà.

MỚI - NÓNG