Phủ nhận tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà, chứng khoán vẫn đỏ sàn

Phủ nhận tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà, chứng khoán vẫn đỏ sàn
TPO - Chiều nay (9/8), mặc dù có các phủ nhận đồn đoán về việc cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt nhưng cổ phiếu BID hiện vẫn giảm gần kịch sàn.

Những thông tin liên quan đến cá nhân của cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV – ông Trần Bắc Hà và đại án Phạm Công Danh vẫn “loan” trên thị trường chứng khoán, gây tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư, thị trường chứng khoán phiên sáng và mở hàng chiều đang đỏ sàn.

Chiều 9/8, mặc dù đã có các phủ nhận đồn đoán về việc cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt nhưng cổ phiếu BID hiện vẫn giảm gần kịch sàn. Các cổ phiếu “họ BIDV” như BSI, BIC cũng giảm điểm.

Phủ nhận tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà, chứng khoán vẫn đỏ sàn ảnh 1 Ông Trần Bắc Hà thời làm chủ tịch BIDV

Tại thời điểm 14h, chỉ số VnIndex giảm 16,5 điểm (2,08%) xuống 775,07 điểm; Hnx-Index giảm 1,79 điểm (1,74%) xuống 100,5 điểm và Upcom-Index giảm 0,16 điểm (0,28%) xuống 55,04 điểm. Hiện, VNM cùng với BID đang là 2 cổ phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực nhất tới thị trường lúc này.

Vào lúc 10h20 hôm nay, trong lúc thị trường chứng khoán trong nước giảm điểm mạnh thì giá cổ phiếu của BID của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng giảm sàn, xuống mức 20.400 đồng mỗi cổ phiếu, tương đương mức giảm 2.200 đồng mỗi cổ phiếu so với chốt phiên giao dịch chiều hôm qua.

Cùng đó, một loạt các cổ phiếu ngân hàng ngành khác như : CTG, ACB, EIB, MBB, STB, VCB… đều giảm giá. Rất may, kết thúc phiên, BID giao dịch ở mức 21.000 đồng mỗi cổ phiếu (giảm 900 đồng/cổ phiếu so với chiều qua).

Trong khi nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoang mang thì 1 tờ báo  điện tử  đã lập tức thông tin cho biết phóng viên đã liên lạc được với ông Hà và ông Hà nói” Tôi vẫn bình thường” (phóng viên khác cho hay liên lạc muộn hơn chút và các số điện thoại của ông đều tắt máy) . Còn theo tờ  Pháp luật TP.HCM, phóng viên báo này cho biết đã liên lạc qua điện thoại với một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an): Khi chúng tôi đặt câu hỏi về thông tin bắt giữ trên, vị này khẳng định "Làm gì có, không có. Đây là tin đồn thôi”.

Dù đã nghỉ hưu hơn 1 năm nay và chiếc ghế trống chủ tịch BIDV vẫn chưa có người ngồi nhưng dấu ấn của cựu chủ tịch BIDV sau 8 năm đương vị vẫn còn quá lớn. Việc giảm giá đột ngột này của BID đến từ tin đồn ông Trần Bắc Hà có thể đã bị bắt, và có liên quan tới đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Phạm Công Danh.

Cụ thể tại đại án VNCB, theo kết quả xác minh của cơ quan điều tra, đến nay có đủ căn cứ để xác định do cần tiền để chứng minh năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng (theo đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt) và cần tiền để Tập đoàn Thiên Thanh trả nợ vay cũ, Phạm Công Danh đã thành lập 12 công ty đứng tên vay vốn BIDV theo phương án kinh doanh khống là bổ sung nguồn vốn kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD).

Phủ nhận tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà, chứng khoán vẫn đỏ sàn ảnh 2 Ủy viên HĐQT của BIDV trước ngày ông Trần Bắc Hà rời nhiệm sở

Phạm Công Danh đã lợi dụng mối quan hệ với lãnh đạo BIDV và việc BIDV được NHNN giao làm đầu mối triển khai gói "4 nhà" để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải phóng VLXD. Đồng thời lợi dụng thoả thuận hợp tác giữa VNCB và BIDV với nội dung: "BIDV ủng hộ VNCB tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách ngân hàng của người bán, trên cơ sở VNCB có khách hàng/đối tác tham gia tích cực vào chuỗi liên kết này" để đề nghị BIDV xem xét cấp hạn mức cho vay 12 công ty do VNCB giới thiệu. VNCB sẽ cam kết dùng số dư tiền gửi tại BIDV để cầm cố bảo lãnh cho khoản vay nếu tài sản bảo đảm (TSBĐ)của các công ty trên không đủ.

Do đó, TSBĐ của 12 khoản vay là các bất động sản ở Đà Nẵng đứng tên các công ty thuộc Thiên Thanh (gồm: 6 lô đất Sân vận động Chi Lăng, đất tại số 209 Trường Chinh, Đà Nẵng) và tiền gửi của VNCB tại BIDV (3.070 tỷ đồng có cam kết duy trì gửi tiền 7 tháng).

Số tiền VNCB gửi tại BIDV có kỳ hạn là 7 ngày và đã có tờ trình xin ý kiến của Tổ giám sát về việc này với lý do là để đảm bảo khả năng thanh khoản ngay. Tờ trình có chữ ký của thành viên Tổ giám sát nhưng không ghi đồng ý hay không.

Đây không phải lần đầu tiên cựu Chủ tịch BIDV dính vào tin đồn. Trước đó, hồi tháng 2/2013, ông Hà vướng vào tin đồn bị bắt giữ. Thông tin này ngay lập tức gây xáo động tới tài chính tiền tệ thời điểm bấy giờ. Hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh, hoạt động “bán tháo” chứng khoán diễn ra trên diện rộng khiến chỉ số sụt giảm mạnh gây ra  mức giảm sâu nhất kể từ tháng 8/2012 đến nay, sau vụ Bầu Kiên bị bắt.

Ông Trần Bắc Hà, sinh năm 1956, quê quán Bình Định, cư trú ở 20 Hàng Tre, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Trình độ Cử nhân Tài chính - Kế toán. Ông Hà bắt đầu làm việc ở BIDV từ năm 1981 và đến năm 1991 ông được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV – Chi nhánh Bình Định trong 8 năm. Đến năm 2003, ông Hà được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc BIDV và đến năm 2007 là Tổng giám đốc BIDV.

Từ năm 2008 đến tháng 9/2016, ông Trần Bắc Hà là Chủ tịch HĐQT BIDV. Như vậy ông Trần Bắc Hà đã có 35 năm công tác tại BIDV và hơn 8 năm giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng nay. Ông Hà nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9/2016. Tuy nhiên, cho đến nay, BIDV vẫn chưa có tân chủ tịch mà chỉ có một Ủy viên phụ trách HĐQT là ông Trần Anh Tuấn (cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu). Thông tin mà Tiền Phong có được, khả năng ghế trống chủ tịch BIDV vẫn còn thêm một thời gian nữa.

MỚI - NÓNG