Phủ nhận chuyện rau xanh nhập ồ ạt không kiểm dịch

Phủ nhận chuyện rau xanh nhập ồ ạt không kiểm dịch
TP- Sau trận lụt lịch sử tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, nhiều diện tích rau đã bị nhấn chìm. Sau lụt, nhu cầu thực phẩm, nhất là rau xanh tăng mạnh, khiến giá rau trên thị trường tăng theo.

>> Rau Trung Quốc đang 'lấn sân' rau nội

Phủ nhận chuyện rau xanh nhập ồ ạt không kiểm dịch ảnh 1
Chủ hàng người Việt đánh hẳn ôtô tải sang cất rau tại chợ Pò Chài (Trung Quốc) - Ảnh: Tuổi trẻ

Một số phương tiện thông tin đại chúng mới đây đưa tin: Tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, lượng rau nhập lậu lớn, chất lượng chưa được kiểm dịch, đe dọa sức khoẻ người dân.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) chiều 19/11 khi trao đổi với phóng viên Tiền phong đã bác bỏ những thông tin trên.

Tiến sỹ Nguyễn Quang Minh - Cục trưởng Bảo vệ thực vật, bức xúc: Ngay sau khi nhận được thông tin về hiện tượng nhập lậu rau xanh qua các cửa khẩu tăng ồ ạt, Cục đã cử nhiều đoàn công tác đến các chợ đầu mối tại Hà Nội và các địa phương có cửa khẩu ở biên giới phía Bắc để kiểm tra tình hình, đồng thời lấy mẫu phân tích.

Qua kiểm tra thấy, tuy lượng rau nhập khẩu ở một vài cửa khẩu có tăng nhưng không nhiều và quan trọng hơn lượng rau này đều được kiểm dịch chặt chẽ, theo đúng quy trình. Dự kiến, chiều nay (20/11) hoặc sáng mai (21/11) sẽ có kết quả phân tích, xét nghiệm các mẫu rau quả này.

Cùng đó, Tiến sỹ Hoàng Trung - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho chúng tôi xem kết quả kiểm tra thực tế tại các cửa khẩu chính.

Theo đó, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), nếu như trước đây hàng rau quả Việt Nam (chủ yếu là thanh long, dưa hấu...) xuất sang Trung Quốc qua đây thì nay, do rau xanh ở thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng của trận lụt vừa qua đang khan hiếm nên có “dòng chảy” ngược.

Thế nhưng, trung bình mỗi ngày, tại Tân Thanh cũng chỉ có khoảng 3-5 tấn rau quả nhập khẩu, tất cả đều được kiểm dịch. Thống kê của hải quan, trong 1 tháng qua (từ 10/10 đến 10/11/2008), lượng rau quả nhập qua cửa khẩu này cũng chỉ 106 tấn.

Tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), 5 năm nay gần như không có hàng rau quả nhập khẩu; mấy ngày qua cũng chỉ vài tạ, và cũng đều được kiểm dịch. Tại cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai), nếu như trước kia, mỗi ngày chỉ nhập 15-17 tấn thì nay tăng lên khoảng 30 tấn/ngày (mặt hàng chủ yếu là bí đỏ)...

Trả lời câu hỏi của phóng viên về hiện tượng nhập lậu mặt hàng này, TS Hoàng Trung phân tích: “Đó là điều gần như không có, bởi mấy lý do: Giá trị mặt hàng này không lớn, lãi thấp; vận chuyển lại khó khăn, dễ nhàu nát, hư hỏng. Mặt khác, theo quy định, các lô hàng trị giá dưới 2 triệu đồng (hàng nhập lậu thường được vận chuyển bằng đường mòn nên khối lượng nhỏ) không phải đóng thuế nhập khẩu nên chả ai dại gì mà nhập lậu”.

Cũng theo TS Hoàng Trung, trách nhiệm chính trong việc kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hóa chất trong thực phẩm, theo Nghị định 163 của Chính phủ, là thuộc về Bộ Y tế.

Tuy nhiên, Cục Bảo vệ thực vật vẫn chủ động phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát và lấy mẫu phân tích, tạo cơ sở để người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm (trong đó có rau xanh) được an toàn. 

Cách phân biệt một số loại rau, củ

Trao đổi với Tiền phong, bà Nguyễn Thị Hoa, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội cho biết, người tiêu dùng trước khi mua rau nếu để ý một chút sẽ phân biệt được giữa “rau nội” và “rau ngoại”.

Ví dụ, cải bắp Trung Quốc thì thường nhỏ, tròn như quả bưởi và rắn chắc, màu xanh đậm hơn so với cải bắp trong nước còn cải bắp trong nước thì to và màu nhạt hơn, cánh mỏng hơn.

Với cà chua có thể phân biệt theo màu sắc và ánh phấn như: cà chua Trung Quốc có màu đỏ như quả hồng, vỏ nhẵn. Đối với cà chua có sử dụng hóa chất thì khi cắt đôi quả cà chua, bên trong phần hạt và cùi sẽ rất cứng so với cà chua trong nước để tự nhiên dù bên ngoài vỏ đã chín đỏ. Cà chua có sử dụng hóa chất sẽ để được tới 15 ngày mà không hỏng.

Với khoai tây Trung Quốc, có thể phân biệt qua màu đỏ tươi của đất dính bên ngoài do tác động của hóa chất bảo quản. Còn với khoai tây trong nước thì phần đất bên ngoài sẽ có màu sậm hơn. Với cà rốt Trung Quốc và những loại củ khác cũng có thể phân biệt giữa có hóa chất hay không có hóa chất bảo quản thông qua bề mặt nhẵn, trơn và rất bắt mắt.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG