Phụ huynh trường VFIS phản đối học phí, cầu cứu cơ quan chức năng

Trường VFIS vừa khai giảng năm đầu tiên vào tháng 8/2019
Trường VFIS vừa khai giảng năm đầu tiên vào tháng 8/2019
TPO - Cho rằng trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) từ chối họp phụ huynh công khai để thỏa thuận học phí online, không tổ chức học bù thỏa đáng nhưng cũng không xem xét hoàn lại học phí cho phụ huynh trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19, 50 phụ huynh của trường đã ký vào đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Bộ GD&ĐT, UBND TPHCM và Sở GD&ĐT TPHCM.

Ngày 8/5, trường VFIS đã có buổi làm việc với 15 phụ huynh đại diện cho nhóm các phụ huynh phản đối. Một phụ huynh cho biết, cuộc gặp này diễn ra sau hơn 2 tháng các phụ huynh nhiều lần đề nghị nhà trường tổ chức họp công khai với nhóm. Tại buổi họp, phía nhà trường đã ghi nhận các ý kiến phản ánh của phụ huynh và cho biết sẽ phản hồi sau đó khoảng 1 tuần...

Bà Trần Ngọc Hoàng Phương có con học tại trường VFIS cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVD-19, từ ngày 17/2, trường bắt đầu tổ chức dạy học online cho học sinh. “Tuy nhiên, không phải tất cả môn đều được dạy và thời gian dạy chỉ khoảng 20 phút/ tiết. Trong khi đó, phụ huynh đã đóng học phí để con được hưởng giáo dục 40 giờ/tuần và nhiều tiện ích, cơ sở vật chất tại trường. Nhưng khi học online, trẻ chỉ được học khoảng 1,5-3 giờ/tuần. Với thời lượng như vậy, phụ huynh lo lắng con mình không được truyền đạt đầy đủ kiến thức, nhất là trẻ lớp 1,2 và 3”, bà Phương nói.

Trước thực tế này, phụ huynh VFIS đề nghị nhà trường xem xét vấn đề dạy bù cho học sinh. Sau đó, nhà trường thông báo sẽ kéo dài năm học thêm 2 tuần so với lịch ban đầu để bù đắp kiến thức thiếu hụt trong quá trình học online. Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng 2 tuần là quá ít để bù đắp lượng kiến thức cho cả 3 tháng nghỉ dịch và tiếp tục gửi kiến nghị đến trường. Nhóm phụ huynh đề nghị thời gian dạy bù ít nhất phải bằng 2/3 thời gian học sinh nghỉ.

Phụ huynh trường VFIS phản đối học phí, cầu cứu cơ quan chức năng ảnh 1

Một phần đơn cầu cứu của các phụ huynh trường VFIS

Sau đó, trường ra thông báo sẽ miễn phí khóa hè 3 tuần dành cho các học sinh hiện tại của trường và không đề cập đến việc hoàn phí.

Thông báo này tiếp tục gặp phải phản ứng của các phụ huynh, nhiều người đặt câu hỏi tại sao VFIS không dạy bù thêm 3 tuần nữa, trong khi trường có đủ nguồn lực để mở khóa hè? Phải chăng trường muốn mở khóa hè để thu tiền từ học sinh bên ngoài mà không muốn dạy bù?

Phụ huynh cho rằng, nếu trường không tổ chức dạy bù một cách thỏa đáng, thì phải xác định mức học phí dạy online, trừ vào khoảng học phí đã nộp từ đầu năm, còn lại phải hoàn trả cho phụ huynh. Nhưng trường chỉ đồng ý trả lại tiền ăn và xe đưa rước, không hoàn trả học phí.

Nhà trường lên tiếng...

Chiều ngày 8/5, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với bà Seija Nyholm, Hiệu trưởng VFIS về những vấn đề phụ huynh bức xúc của phụ huynh.

Theo bà Seija, trường nhận được thông tin đóng cửa trường học chỉ 1 ngày trước khi học sinh quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết. “Ở đất nước chúng tôi, việc đóng của trường học thể hiện một sự việc rất nghiêm trọng, do đó, để không ảnh hưởng đến việc học của học sinh, từ ngày 4/2, trường đã bắt đầu tổ chức dạy học online cho học sinh”, bà Seija nói.

Phụ huynh trường VFIS phản đối học phí, cầu cứu cơ quan chức năng ảnh 2 Bà Seija Nyholm, Hiệu trưởng VFIS trao đổi với PV 

Bà Seija cũng thừa nhận với phụ huynh rằng việc học online không thể nào thay thế được cho việc học trên lớp, nhất là các lớp nhỏ. Nó chỉ giải quyết được một số nội dung chính của chương trình học. Còn những hoạt động khác thì phải chờ trường mở cửa trở lại, các con sẽ được bù đắp bởi với trường quốc tế, duy trì học tập cho các con là ưu tiên hàng đầu.

“Lựa chọn đóng của trường học hay lựa chọn dạy học online không phải là lựa chọn của trường. Chúng tôi chưa bao giờ khẳng định học online hiệu quả hơn học trực tiếp mà chỉ xem đây là giải pháp tạm thời để không làm gián đoạn việc học của học sinh”, bà Seija chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng VFIS giải thích thêm, việc học online giữa giáo viên và học sinh diễn ra đều đặn theo thời khóa biểu. Trừ các môn hoạt động ngoài trời, giáo dục thể chất, Thủ công, Mỹ thuật, Âm nhạc bị thiếu hụt, các môn khác đều được học đủ theo thời khóa biểu bình thường. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tham gia chỉ đạt 60-70%, tùy lớp. Đến khi Bộ GD&ĐT thúc đẩy việc học online, trường mới thông báo bắt buộc.

Về thời gian học, bà Huyền cho biết, đa số các em đều là học sinh tiểu học, nhất là với các em lớp 1 thường không hợp tác, có em ngủ, vui đùa trong lúc học nên từ ngày 16/3, trường đã chia nhỏ lớp học để tăng độ tương tác với các em. Thời gian học online chỉ có thể kéo dài từ 20-35 phút, tùy lớp, do khả năng tập trung của các em còn kém. Với những gia đình không thể hỗ trợ con học online, trường đã in các tập tài liệu rất chi tiết và gửi về tận nhà cho học sinh (trong thời gian cách ly xã hội).

Ngoài ra, để hỗ trợ phụ huynh, trường đã thông báo hoàn trả toàn bộ tiền ăn và xe đưa đón trong học kỳ II. Sau khi học sinh đến trường trở lại, các em vẫn được ăn uống và đưa rước miễn phí. Đồng thời, trường không tăng học phí năm sau đối với những học sinh hiện tại và giảm 10% nếu phụ huynh thanh toán sớm học phí năm tới.

Lãnh đạo trường này cho rằng, thời gian 2 tuần dạy bù đã được tính toán rất kỹ lưỡng dựa trên thời gian của giáo viên và sự phát triển của học sinh. Phía nhà trường cũng cho biết, khóa hè sẽ được giảng dạy hoàn toàn bằng Tiếng Anh. "Ngoài việc dạy kỹ năng, vui chơi, học sinh sẽ được ôn lại Toán, Khoa học và có sự kết nối với chương trình hiện tại. Đây cũng là một cách để bù đắp kiến thức cho học sinh trong quá trình các em nghỉ” bà Huyền nói và cho biết trường đã tổ chức họp phụ huynh online và giải thích tất cả các vấn đề phụ huynh thắc mắc nhưng có nhiều người vẫn chưa thông cảm với trường.

Phụ huynh trường VFIS phản đối học phí, cầu cứu cơ quan chức năng ảnh 3 Học sinh theo học tại VFIS được học với 1 giáo viên người nước ngoài và trợ giảng người Việt am hiểu ngoại ngữ để thông dịch lúc cần

"Phụ huynh yêu cầu bù 2/3 thời gian là không thể. Bộ GD&ĐT yêu cầu kết thúc năm học trước 15/7. Hơn nữa, tháng 8, trường đã bắt đầu năm học mới. Như vậy, khi chúng tôi dạy bù thêm 2 tuần, kết thúc năm học vào 26/6, giáo viên chỉ có một tháng để học bồi dưỡng chuyên môn theo quy định chứ không phải chỉ nghỉ hè. Hơn nữa việc kéo dài năm học sẽ khiến học sinh cảm thấy rất áp lực, mệt mỏi bởi vì thời gian các con đã duy trì liên tục việc học online ", bà Huyền nói.

Ngoài ra, bà Huyền cho biết, việc dày bù 2 tuần cũng khiến trường chịu tổn thất không nhỏ do phải trả thêm lương ngoài khoản đã trả theo hợp đồng cho giáo viên.

Theo bà Huyền, với sự nỗ lực từ đội ngũ giáo viên như trên, không có lý do gì để cắt giảm lương của họ. Ngoài ra, trường còn duy trì lương cho nhân viên khác để vận hành trường. Việc in ấn tài liệu cũng tốn chi phí. Trường chỉ tiết kiệm chút chi phí điện nước. Nhưng cũng không là bao nếu tính trên trung bình số học sinh. Do đó, trường không thể hoàn trả lại học phí.

Tuy nhiên, bà Huyền cũng cho biết, sau buổi làm việc với các phụ huynh vào ngày 8/5, trường sẽ tiến hành các cuộc họp với lãnh đạo trường, với giáo việc... để có phương án phù hợp nhất.

MỚI - NÓNG