Phóng viên Tiền Phong giữa vùng binh biến

Phóng viên Tiền Phong giữa vùng binh biến
TP - Giữa mùi người khăm khẳm, bụi mù mịt, tiếng la hét với đủ loại ngôn ngữ đầy bất lực, một họng súng đen ngòm chĩa vào ống kính của tôi.

> Phát hiện 92 thi thể gần biên giới Algeria

Nhìn quanh, các đồng nghiệp cũng đang “chìm nghỉm” giữa biển người hỗn độn sát biên giới Libya-Tusinia. Thoáng chốc, tôi hối tiếc vì không mang áo chống đạn.

Trước họng súng

Đó là buổi sáng đầu tháng 3/2011 tại một tỉnh lẻ có tên Djerba (Tunisia), sát biên giới Libya. Một địa điểm được anh em báo chí Việt Nam (trong nhóm có báo Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Sài gòn Tiếp thị, Truyền hình VN, TTXVN...) vượt nhiều chặng bay từ Ai Cập qua Thổ Nhĩ Kỳ tới Thủ đô Tunis (Tunisia) để quá cảnh tới vùng biên giới hẻo lánh (Djerba). Gã râu xồm, khoác chiếc chăn cáu bẩn đang chĩa súng về phía tôi, có đôi mắt trắng dã hoang dại. Thế rồi bất ngờ, một toán lính áo xanh ập tới, gã lủi vào đám đông. Tôi trao đổi nhanh với một người có dáng vẻ chỉ huy, anh ta nói: Không thể bảo toàn cho báo chí trong khung cảnh dòng người tị nạn đang ùn ùn đổ tới. Tiếng súng từ bên kia biên giới vọng sang dường như rất gần.

 Điều kỳ diệu nhất là, người dân Bắc Phi biết nhiều về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên lao động Việt Nam đi tới đâu đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình 

Quên ngay câu chuyện vừa diễn ra, tôi lao về phía cửa khẩu Res JeDire. Từng đám đông vừa thoát khỏi đất nước Libya vội lao vào những chiếc xe cứu trợ. Cả rừng cánh tay giơ lên để cướp thức ăn, nước uống. Khốn khổ nhất là những người tị nạn Bangladesh. Có lẽ họ biết đường về khó khăn nên đứng tụm lại giăng biểu ngữ cầu xin trợ giúp của các tổ chức nhân đạo quốc tế (Sau này, mỗi lần thuê ô tô lên biên giới tác nghiệp, chúng tôi lại chứng kiến cảnh từng đoàn người Bangladesh lầm lũi đội hành lý cuốc bộ cỡ 30 km trong nắng gắt về khu trại tị nạn, dưới sự giám sát của lực lượng quân đội).

Cửa khẩu Res JeDire phía lãnh thổ Libya tan hoang, từng đoàn người thất thểu lê bước sang trong hoang mang, hoảng loạn. Còn lao động Việt Nam vừa bước chân qua biên giới đã có người đón và đưa thẳng về sân bay hoặc trại tị nạn bằng ô tô (để chờ lên chuyên cơ riêng về nước).

Có lẽ ám ảnh nhất với những phóng viên tại hiện trường là những đôi mắt của rừng người tị nạn (là đàn ông) - vừa sâu, vừa rậm nhưng có sự đau đáu khao khát về nhà; có sự thèm khát từ cái ăn và cả phụ nữ. Như lời kể của nhiều lao động Việt Nam lúc đó, phần nhiều người tị nạn là lao động nghèo (từ Bangladesh, Ai Cập...) vì muốn thoát nghèo nên xa vợ, con đã lâu. Trong các lao động nhập cư, người Bangladesh lúc đó phải chịu cảnh làm việc chân tay nặng nhọc ngoài trời. Có anh còn kể: “Cả đám đực rựa ngày làm việc quần quật, sống tập thể tại một đất nước hồi giáo hà khắc. Đôi khi nhìn thấy con la cái đi qua trên sa mạc, mắt cũng sáng bừng”... Nỗi thống khổ của những người lao động tưởng như dài bất tận. Có lao động trong lúc chạy loạn khiếp sợ tiếng súng mà phát điên, nhưng cũng có người nhờ binh biến mà thoát nạn (trước đó bị nhà chức trách bắt giam vì nấu rượu lậu). Nhiều lao động Việt Nam kể về cách giấu tiền, điện thoại trong quần sịp (mặc nhiều cái) để tránh sự kiểm soát của lực lượng vũ trang.

Bua hộ mệnh: Quốc kỳ

Điều kỳ diệu nhất là, người dân Bắc Phi biết nhiều về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên lao động Việt Nam đi tới đâu đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình. Đến nỗi, nhiều khi anh em lao động khoác lá cờ tổ quốc trên vai như một sự cứu cánh trong hành trình tị nạn. Nhà báo Ngọc Thạch (thường trú Đài tiếng nói Việt Nam tại Ai Cập lúc đó) kể: “Dọc đường tác nghiệp tại biên giới Ai Cập-Algieria, tôi thường mặc chiếc áo in hình cờ đỏ sao vàng”. Ngay như nhóm PV (trong đó có Tiền Phong) lúc đầu tới Ai Cập -thời điểm cả Thủ đô Cai- rô đầy binh biến; tại Kim Tự Tháp vắng ngắt và quảng trường Tahrir (nơi đám đông biểu tình hỗn loạn đã hiếp nữ nhà báo Mỹ và bền bỉ phản đối để lật đổ chính quyền độc tài lúc đó) khi nghe tới Việt Nam, nhiều người dân đều nói: “Hồ Chí Minh, Giáp, Giáp”. Các ngả đường Cai-rô bị xe tăng, xe bọc thép và bê tông tảng chốt chặn.

Một góc biên giới Tunisia - Libya
Một góc biên giới Tunisia - Libya.

Đêm trước khi rời Cai-rô sang Tunisia, anh em báo chí gần như thức trắng; thị thực nhập cảnh sẽ phải xin tại biên giới. Điều quan trọng nhất, chưa ai biết Tunisia hỗn loạn thế nào. Chỉ có tin trên báo, tổng thống Abidine Ben Ali vừa lên máy bay riêng tẩu thoát để lại đất nước vô chủ bên bờ Địa Trung Hải. Trong hành lý của tôi hồi đó, ngoài đồ nghề tác nghiệp, còn có một túi cấp cứu và túi lương thực khô phòng khi cần tiến sâu vào Libya. Phó Tổng biên tập Lê Xuân Sơn (nay là Tổng biên tập) còn sốt sắng định thuê áo chống đạn và điện thoại vệ tinh cho tôi (gửi tin, bài và liên lạc về toà soạn), nhưng thời gian gấp rút không kịp mang theo. Ban Thư ký tòa soạn ở nhà luôn sẵn sàng o bế và chờ đợi từng dòng tin chuyển về (do chênh lệch múi giờ nên có khi 12 giờ đêm mới gửi bài).

PV Tiền Phong là một trong số ít các nhà báo Việt Nam đi trọn chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam tại Libya 10 ngày. Cuộc giải cứu thành công 10 nghìn lao động hơn cả sự mong đợi. Phần thưởng của những người làm báo là sự trải nghiệm và hàng chục bài báo được độc giả đón nhận.

Trước chuyến tác nghiệp tại điểm nóng này nước ngoài lần 2 của tôi. Năm 2008 tôi là phóng viên đầu tiên theo chuyến bay giải cứu hàng trăm người Việt (giữa đêm khuya hạ cánh tại sân bay quân sự Utapao) bị mắc kẹt tại Thái Lan (do người biểu tình phong tỏa sân bay quốc tế Suvarnabhumi và sân bay nội địa Don Mueang).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.