Phóng viên ảnh “phải lòng” Trường Sa

Hoàng Chi Hùng (giữa) thám sát biển Trường Sa
Hoàng Chi Hùng (giữa) thám sát biển Trường Sa
TP - Với Trường Sa, người ta có thể đi một, hai lần đã là “oách” lắm rồi, còn Hoàng Chí Hùng đi 4 lần vẫn đòi... đi tiếp. Sự đam mê đặc biệt của anh với biển đảo khiến người ta liên tưởng như chuyện một anh chàng “phải lòng” một cô gái.

Xin phép vợ vắng nhà một… nghìn ngày

Từ một ông chủ xưởng sản xuất cơ khí, đôi tay quen với sắt thép, búa đe, máy hàn, máy cắt,... Hoàng Chí Hùng “bỗng dưng” trở thành phóng viên ảnh.

Thực ra, câu chuyện “bỗng dưng trở thành phóng viên ảnh” của Hoàng Chí Hùng là do anh đổ bệnh khi đang làm chủ xưởng cơ khí, năm 1998. Anh bị lao phổi. Nằm bẹp dí trên giường bệnh mấy tháng, rồi lại nằm điều trị tại nhà nhiều ngày, mọi thứ trong mắt anh trở thành màu xám.

Bi quan, chán nản, nhiều lúc nghĩ về bệnh tật của mình, về gánh nặng trên vai người vợ, Hoàng Chí Hùng thối chí. Hơn một lần anh đã nghĩ đến cái chết. Nhưng vợ anh, chị Duyên không nản. Chị tìm thầy thuốc, săn sóc, yêu thương anh hết lòng. Và rồi, những nỗ lực của chị đã có kết quả.

Chị đã tìm được thuốc để điều trị cho anh. Sức khỏe của anh ngày một bình phục. Dẫu vậy, Hoàng Chí Hùng cũng không thể theo nghề cơ khí được nữa. Lo anh buồn, chị Duyên, vợ anh đã mua tặng anh một chiếc máy ảnh để chụp chơi chơi. Có máy ảnh rồi, Hoàng Chí Hùng đăng kí học một lớp nhiếp ảnh tại Hội nhiếp ảnh TPHCM. Và một ngày, khi cả nhà đang ăn tối, anh tuyên bố xanh rờn: “Ba sẽ trở thành một phóng viên ảnh!” Cả nhà cười nói vui vẻ cứ nghĩ anh bông đùa...

Phóng viên ảnh “phải lòng” Trường Sa ảnh 1

Canh giữ biển đảo quê hương

Càng học, càng chụp, càng đam mê, anh trở thành tay máy được nhiều người biết đến qua các giải thưởng. Hoàng Chí Hùng trở thành hội viên Hội Nhiếp ảnh TP HCM, là phóng viên ảnh của Tạp chí Điện ảnh. Năm 2007, Hoàng Chí Hùng và Bùi Ngọc Tuấn làm đơn xin Hội Nhà Báo TPHCM cho phép thực hiện chuyến đi săn ảnh xuyên Việt trong thời gian liên tục 162 ngày.

Hoàng Chí Hùng đã có 2 tập sách và 7 cuộc triển lãm cá nhân trong đó có 5 lần chủ đề Trường Sa. Anh đã vinh dự được nhận huy chương “Chiến sỹ Trường Sa” và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp biển đảo.

Sau chuyến đi đó, Hoàng Chí Hùng lại “xin phép vợ” xách xe máy đi để chụp tất cả những danh lam thắng cảnh, di tích 63 tỉnh, thành phố, 54 dân tộc. Mỗi tỉnh, thành phố ít nhất Hoàng Chí Hùng cũng quanh quẩn ở đó 10 ngày, đi đủ những ngóc ngách cơ bản, đặc trưng nhất rồi mới chuyển sang địa bàn khác. Thế nên thời gian anh vắng nhà liên tiếp kéo dài tới hơn 1.000 ngày (gần 3 năm).

Lên rừng, xuống biển, hiếm có ngóc ngách nào ai đó nói tới mà lại lạ lẫm với ống kính của Hoàng Chí Hùng. Năm 2010, anh lại kết hợp với Tạp chí Du lịch TPHCM thành lập câu lạc bộ Nhiếp ảnh du lịch và anh là Chủ nhiệm, tiếp tục thực hiện những chuyến săn ảnh dài ngày.

Đi công tác Trường Sa 4 lần vẫn đòi… đi tiếp

Hoàng Chí Hùng tâm sự, có điều kiện được đi khắp đất nước lại càng thấy quê hương đất nước mình thật đẹp, nơi nào cũng có những kỷ niệm, mỗi bức hình có một câu chuyện của riêng mình. Càng cảm nhận được cái đẹp lại càng muốn đi.

Cùng đi Trường Sa với Hoàng Chí Hùng năm 2011, ở với nhau cùng một khoang tàu suốt hành trình nửa tháng, tôi cảm nhận được tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người của Hoàng Chí Hùng thật nồng hậu, trong trẻo. Riêng với Trường Sa, có vẻ đặc biệt hơn. Anh yêu Trường Sa như thể một chàng trai “phải lòng” một cô gái xinh đẹp, dễ thương nên lúc nào cũng kiếm cớ để gặp mặt, khi gặp rồi nâng niu trân trọng từng giây từng phút.

Phóng viên ảnh “phải lòng” Trường Sa ảnh 2

Ngày hè trên đảo Sinh Tồn

Thời gian ở trên tàu, nếu không bị say sóng là khoảng thời gian các phóng viên thảnh thơi nhất, vậy mà Hoàng Chí Hùng cũng chẳng chịu ngơi nghỉ. Nói đúng hơn, anh luôn kè kè máy ảnh bên mình. Sáng sớm tinh mơ, trên loa còn chưa vang vang câu “Toàn tàu báo thức. Báo thức toàn tàu” thì đã thấy Hoàng Chí Hùng lăm lăm máy ảnh chụp cảnh bình minh.

Cả ngày anh ngồi lì trên boong tàu bỏng rát dưới cái nắng chói chang để rình chụp cá voi, cá heo, cá chuồn, chim biển... Trong những bức hình anh chụp, có nhiều ảnh cá voi, cá heo nhưng tôi lại thích tấm ảnh hai chú cá chuồn đang bay song song, một con bị cụt hẳn bên cánh mà vẫn sóng đôi đầy tự tin bên bạn. Hoàng Chí Hùng đặt tên bức ảnh ấy là “cùng bay nào”, còn tôi chua thêm một câu khác: “Cá chuồn có cánh thì bay. Cá chuồn cụt cánh vẫn bay vù vù”.

Hỏi Hoàng Chí Hùng đã đi Trường Sa 4 lần rồi anh có muốn đi tiếp nữa không, anh nghiêm mặt: “Hỏi gì kỳ dzậy! Thế chẳng lẽ em yêu một cô gái mà chỉ thăm 4 lần đã thấy nhiều rồi không đi thăm nữa sao?” Rồi anh nhoẻn cười, ánh mắt hướng về phía biển. Nơi ấy có Trường Sa.

Ở trên tàu thì chụp chim trời cá biển dù sao vẫn có vẻ thong dong, thế nhưng lúc tàu cập đảo, Hoàng Chí Hùng lao nhanh như tên bắn, tiến về phía trước, lựa cho mình những góc máy ổn nhất và bấm như bắn súng liên thanh. Hai chiếc máy to tổ chảng đầy pin, có lẽ cũng mệt đứt hơi với ông chủ của chúng. Anh chụp như người lên đồng. Anh bấm máy như muốn ôm lấy, choán lấy mọi khoảnh khắc. Như người ta vồ vập ngấu nghiến yêu thương.

Phóng viên ảnh “phải lòng” Trường Sa ảnh 3

Đón người thân mùa giông bão

Kết quả cho những chuyến đi của Hoàng Chí Hùng là hàng vạn tấm ảnh. Mới đây, anh vừa cho ra mắt một tập sách ký sự ảnh “Sức sống Trường Sa” do nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành. Tập sách ghi lại toàn cảnh diện mạo 9 đảo nổi và 12 đá (đảo chìm) của Trường Sa. Đã được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đưa vào nhà trường.

Đại tá Nguyễn Đức Vượng - Phó Chính ủy vùng 4 Hải quân nhận xét “Thông qua ống kính, bằng cái nhìn tinh tế, những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng phản ảnh khá đầy đủ, toàn diện về diện mạo của Trường Sa hôm nay, những hoạt động của quân dân trên các đảo và hệ sinh thái biển đa dạng, sinh động cũng như phản ảnh những tiềm năng to lớn mà biển đảo Trường Sa sẽ mang lại cho chúng ta.

Phóng viên ảnh “phải lòng” Trường Sa ảnh 4

Dân với quân như cá với nước. Ảnh: Hoàng chí hùng

Sự kết nối giữa các chủ đề trong tập kí sự ảnh đã giúp người xem thấy rõ, đầy đủ và chân thật hơn sự gắn kết giữa con người và biển đảo xinh đẹp giàu tài nguyên này.

Tôi mong muốn và hy vọng những hình ảnh trong tập kí sự ảnh này sẽ được tổ chức triển lãm lưu động trên cả nước, nhất là trong hệ thống nhà trường, góp phần đưa Trường Sa gần lại với đất liền, giúp cho nhân dân cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ thấy rõ hơn, hiểu nhiều hơn về biển đảo Trường Sa thân yêu của chúng ta”.

MỚI - NÓNG