Trước đó, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định nhằm hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV.
Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có 90% số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội;
90% số cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em HIV được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; 100% các trường học tạo cơ hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu.
Cho đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020 và chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch.
Công tác truyền thông về phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Công tác tập huấn nâng cao kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được triển khai tại các cấp các ngành, đoàn thể, các hội cho cán bộ cấp, tỉnh, huyện xã và đội ngũ cộng tác viên. Nhiều tỉnh đã triển khai việc kiện toàn mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ em trong diện quản lý được hỗ trợ đầy đủ các dịch vụ theo nhu cầu (chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, hưởng chính sách hỗ trợ…) là 70%.
Các chính sách hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được rà soát, hoàn thiện
Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), qua triển khai thực hiện Quyết định số 570/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Các mục tiêu của Quyết định bước đầu đạt được, giúp cho quyền của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được thực hiện tốt hơn về cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của trẻ; về nâng cao nhận thức của cán bộ ở các cơ sở trợ giúp trẻ em, về các cơ sở điều trị trẻ em nhiễm HIV/AIDS, các trường học và những tổ chức liên quan được nâng cao năng lực.
Các chính sách hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện; mạng lưới liên kết dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ đã được xây dựng.
Mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được triển khai và được đánh giá bước đầu có hiệu quả, phù hợp với các địa phương và được địa phương nhân rộng triển khai tại cơ sở.
Nhằm đảm bảo thực hiện các nhóm quyền của trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình trợ giúp nhóm đối tượng này.
Theo đó, quy trình trợ giúp phải bảo đảm sự tham gia của trẻ em; bảo đảm không kỳ thị, không phân biệt đối xử; bảo đảm bảo mật thông tin, việc tiết lộ thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em phải tuân thủ quy định của pháp luật và bảo đảm vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Đặc biệt, Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại xã, phường, thị trấn: Tư vấn cho gia đình của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS về chăm sóc trẻ em tại gia đình, giới thiệu trẻ và gia đình tiếp cận các cơ sở cung cấp dịch vụ phù hợp;
Chuyển tuyến, kết nối với các cơ quan, đơn vị chức năng hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục tư vấn, trợ giúp tâm lý, trợ giúp pháp lý, cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em, các gia đình chăm sóc thay thế;
Kịp thời trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan; Có biện pháp bảo vệ, phòng ngừa trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS khỏi bị xâm hại.
Tuy đã có nhiều kết quả tích cực nhưng đến nay, trẻ em bị ảnh hưởng HIV còn khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ, nhất là vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử với các em.
Sự kỳ thị chính là rào cản khiến nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và gia đình các em bị hạn chế năng lực tham gia, đóng góp ý kiến, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.