Phòng khám tư vẫn tung hoành, đụng đâu sai đó

Phòng khám tư vẫn tung hoành, đụng đâu sai đó
TP - Hàng loạt phòng khám tư hoạt động chui, bác sĩ hành nghề không phép đã tước đi mạng sống của nhiều người bệnh nhưng đến khi sự việc vỡ lở ngành chức năng mới biết. Cấp phép tràn lan nhưng bỏ ngỏ hậu kiểm được cho là nguyên nhân dẫn tới những hậu quả đau lòng.

> Chính phủ yêu cầu quản chặt các phòng khám tư nhân
> Loạn bằng bác sĩ cho thuê

Đụng đâu sai đó

Dù có hai lần kiểm tra và phát hiện sai phạm, xử lý hành chính với số tiền hơn 100 triệu đồng nhưng lần kiểm tra gần đây, Phòng khám Đa khoa Apollo ở 228 - 228A Trần Hưng Đạo, Quận 1 TPHCM vẫn vô tư hoạt động dù các bác sĩ nơi đây chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.

8 người được cho là “bác sĩ cao cấp” hoạt động ở phòng khám này với danh nghĩa “chuyên gia Trung Quốc” nhưng thực tế chỉ có 2 người trong số đó có chứng chỉ, còn lại là bác sĩ chui. Vậy nhưng nó vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua.

Tại phòng khám có yếu tố nước ngoài khác có tên Seoul, ở số R2-01 Bùi Bằng Đoàn, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM do bác sĩ Phạm Hoàng Minh Nhật phụ trách, khi chưa có giấy phép hoạt động nhưng vẫn khám bệnh.

Bác sĩ Lee Yong Sik làm việc ở phòng khám này đã 2 năm nhưng không có chứng chỉ hành nghề vẫn thăm khám cho các bệnh nhân là người Hàn Quốc sinh sống tại đây. Đó là chưa kể việc triển khai khám bệnh nội khoa, Xquang, Nội soi, ECG nơi đây chưa được ngành y tế cấp phép.

Ở quận Bình Thạnh, một dãy hàng chục phòng khám ung bướu, siêu âm, khám nội- ngoại tổng quát… án ngữ trước Bệnh viện Ung bướu TPHCM và Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nườm nượp người vào ra.

Trong khi ở các phòng khám này hoặc bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề hoặc phòng khám chưa có giấy phép hoạt động và khám bệnh vượt chuyên môn cấp phép.

Dù bị nhiều lần Thanh tra Sở Y tế TPHCM xử lý, vì hoạt động không phép, khám bệnh vượt quá chuyên môn nhưng thực tế, phòng khám số 48 ở đường Nguyễn Văn Lượng, quận Bình Thạnh vẫn tiếp nhận bệnh nhân. Phòng khám đăng ký khám ngoài giờ nhưng bất kể giờ nào bệnh nhân cũng được
đón chào.

Phòng khám nha Family, ở 148 Trưng Nữ Vương, phường 4, quận Gò Vấp, TPHCM quảng cáo và thực hiện “cấy ghép implant phục hình răng sứ cao cấp” nhưng không được Sở Y tế TPHCM cấp phép. Chưa kể phòng khám cũng không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn vô tư tiếp nhận người bệnh từ gần 1 năm nay.

Cấp phép tràn lan, hậu kiểm bỏ ngỏ

Hiện cả nước có hơn 30 nghìn phòng khám tư nhân và con số này còn tăng khi hàng nghìn hồ sơ cấp phép đang chờ giải quyết. Theo Bộ Y tế, số người hành nghề y tư nhân hiện 250 nghìn người. Tuy nhiên, việc kiểm tra của cơ quan chức năng còn bỏ ngỏ. Theo Thanh tra Bộ Y tế, trong năm 2012, 45 tỉnh đã thanh tra, kiểm tra 7.904 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thì có đến hơn 1.500 cơ sở vi phạm. Hà Nội và TPHCM là 2 địa bàn phát hiện nhiều cơ sở vi phạm nhất hiện nay.

Bác sĩ Bùi Minh Trạng - Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, nơi đây đã thanh tra, kiểm tra 1.232 cơ sở hành nghề y và y học cổ truyền, phát hiện 257 cơ sở vi phạm. Trong khi tại Hà Nội con số này cũng không nhỏ. Trong 977 lượt kiểm tra cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn thành phố có đến gần 200 cơ sở vi phạm. Các cơ sở vi phạm tràn lan, theo ông Đặng Văn Chính- Chánh thanh tra Bộ Y tế là do lượng thanh tra còn quá mỏng so với yêu cầu khối lượng công việc thực tế quá lớn.

Dẫn chứng từ TPHCM cho thấy, thành phố gần 10 triệu dân với hơn 13 nghìn cơ sở hành nghề y dược nhưng nơi đây chỉ có 45 người, trong đó 10 thanh tra viên về y và 8 thanh tra viên về dược. Tương tự, tại Hà Nội, tổng số cán bộ thanh tra y tế tại Sở Y tế thành phố này chỉ 14 người, trong đó thanh tra về lĩnh vực y và dược mỗi bộ phận có 4 thanh tra viên, phải quản lý 2.308 cơ sở hành nghề y và 2.827 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập.

Lấy lý do lực lượng thanh tra mỏng nên không phát hiện hết sai phạm của phòng khám tư là điều khó chấp nhận. Bởi thực tế, cơ sở Thẩm mỹ Cát Tường, nơi gây ra cái chết cho một khách hàng, nằm trước cổng Bệnh viện Bạch Mai và hoạt động chui hơn 6 tháng, quảng cáo rầm rộ nhưng không ai hay biết.

Vô tâm hơn, khi tháng 6/2013, bác sĩ Phạm Anh Sơn làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Thường Tín, Hà Nội tiêm thuốc kháng sinh cho bệnh nhi L.K.L. tại phòng mạch của mình gây ra cái chết đau lòng, ngành Y tế Hà Nội mới biết người này hành nghề không phép. Đầu tháng 11/2013, ông Sơn tiếp tục hoạt động trở lại và gây ra cái chết cho bệnh nhi N.Đ.Q., 16 tháng tuổi.

Ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, để tình trạng loạn phòng khám tư hoạt động tràn lan, một phần trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý địa phương. Vì vậy, ông Khuê yêu cầu các Sở Y tế phải công khai danh sách các cơ sở khám chữa bệnh đã cấp phép và phạm vi chuyên môn để người dân giám sát.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG