WikiLeaks:

Phone, PC, TV trở thành công cụ gián điệp của CIA

Phone, PC, TV trở thành công cụ gián điệp của CIA
TP - WikiLeaks ngày 7/3 tuyên bố vừa tung ra tập tài liệu mật lớn nhất, theo đó, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) do thám toàn cầu, có thể biến các thiết bị cá nhân như điện thoại, máy tính cá nhân (PC), TV thông minh thành công cụ gián điệp.

Tập tài liệu có mã số “Vault 7” được coi là tài liệu mật lớn nhất từ trước đến giờ mà WikiLeaks tiết lộ. Nếu những tài liệu này được xác thực, đây sẽ là đòn giáng mạnh vào CIA và được cho rằng còn tệ hại hơn vụ bê bối do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ  (NSA) cách đây 4 năm.  

Theo WikiLeaks, CIA thực hiện các hoạt động tin tặc toàn cầu, sử dụng nhiều loại mã độc và chương trình khai thác lỗ hổng bảo mật “zero day”. Các loại mã độc, phần mềm gián điệp nhằm vào các sản phẩm được sử dụng ở nhiều nước, như iPhone, điện thoại cài hệ điều hành Android của Google, Windows Phone của Microsoft, TV thông minh của Samsung…

Theo WikiLeaks, phần mềm gián điệp Weeping Angel được cài vào TV Samsung bằng chế độ tắt giả mạo khiến người dùng tưởng rằng TV đã tắt. Chế độ tắt giả tạo này hoạt động như “con rệp” ghi các cuộc đối thoại trong phòng và gửi chúng qua Internet tới máy chủ của CIA. Thậm chí, CIA còn có thể xâm nhập hệ thống điều khiển trên ô tô đời mới để theo dõi. Phần mềm RickyBobby khi được cài vào máy tính giúp thu thập dữ liệu thông qua việc nâng cấp các phiên bản hệ điều hành Microsoft Windows và Windows Server. Các mã độc của CIA cũng tấn công các hệ điều hành Windows, OS X, Linux, khiến ổ cứng di động nhiễm virus…

WikiLeaks nói rằng, mới đây, CIA mất kiểm soát một phần kho vũ khí tấn công mạng của mình, bao gồm phần mềm độc hại, mã độc, virus, chương trình khai thác “zero day”… Nếu bị các nước thù địch, băng đảng mafia trên mạng hoặc hacker chiếm hữu, chúng có thể trở thành công cụ dùng để tấn công Mỹ.

Theo WikiLeaks, ngoài trụ sở chính ở Langley, bang Virginia, CIA còn sử dụng các cơ quan lãnh sự ở nước ngoài, như Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Frankfurt của Đức để làm trụ sở cho các hoạt động tin tặc khắp châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Hacker của CIA sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hoạt động với vỏ bọc của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Hiện chưa biết WikiLeaks làm thế nào để có những thông tin trên. Chúng được cho là được lưu hành trái phép giữa các tin tặc từng làm việc cho chính quyền Mỹ và các nhà thầu. Một trong số những người này đã cung cấp tài liệu mật cho WikiLeaks, trang web chuyên đăng tin mật thông báo.

Google cho biết họ đang nghiên cứu những lỗ hổng bảo mật mà WikiLeaks liệt kê trong tài liệu mật của CIA. Hai hãng Samsung và Apple cũng đang tìm hiểu để khắc phục các lỗ hổng bảo mật.

Denelle Dixon, Giám đốc bộ phận kinh doanh và pháp lý của hãng Mozilla, cho biết, nếu thông tin mà WikiLeaks đưa ra là chính xác, CIA và WikiLeaks đang phá hoại sự an toàn của Internet. Nhiều quan chức tình báo nhận định, bộ tài liệu lần này có vẻ là đồ “xịn”. Một phát ngôn viên của CIA nói rằng, ông không bình luận về tính xác thực hoặc nội dung của các tài liệu tình báo có chủ ý.

Theo Reuters, chính phủ Đức hôm qua thông báo, nước này đang xem xét việc WikiLeaks công bố hàng nghìn tài liệu mật của CIA, song không thể kiểm chứng tính xác thực của chúng. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức, chính phủ nước này đang liên hệ với giới chức Mỹ để xác minh làm rõ vấn đề này.

MỚI - NÓNG