Phở, tre ở Beervelde

Phở, tre ở Beervelde
TP - Ngôi làng nhỏ Beervelde (tỉnh Gent, Vương quốc Bỉ) sôi động đón khách vào tư gia của bá tước Renaud de Kerchove để chiêm ngưỡng nghìn lẻ một vẻ đẹp về vườn: Ngày hội làm vườn Beervelde lần thứ 47. Nhóm người Việt xa quê còn có thêm một hứng thú, bởi đến đây còn được ăn phở, xem tre...
Phở Việt trên bàn tiệc Ngày hội làm vườn Beervelde 2012. (ảnh của Daina de Saedeleer- báo Nieuwsblad)
Phở Việt trên bàn tiệc Ngày hội làm vườn Beervelde 2012. (ảnh của Daina de Saedeleer- báo Nieuwsblad).

Ở đây tre cũng xanh tươi!

Nghe nói bá tước Renaud là người rất yêu tre, chuyến đến thăm Việt Nam và ra vịnh Hạ Long hồi đầu tháng 3 vừa qua đã khiến ông đồng ý mở cửa tư gia đẹp như mơ, rộng đến 25ha để đưa chủ đề "Tre" của Việt Nam vào Ngày hội làm vườn Beervelde 2012.

Thế là tre xanh, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tranh ảnh, ẩm thực Việt... xuất hiện ở Park van Beervelde- quần thể lâu đài- biệt thự- công viên- hồ nước.

Đến đây, xem cách người nước ngoài ngưỡng mộ và sử dụng tre mới thấy đúng là Ở đâu tre cũng xanh tươi/Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu (thơ Nguyễn Duy).

Người Bỉ rất thích trồng trong vườn nhà một khóm tre- gọi là trúc đúng hơn, thân mảnh, nhỏ. Cái giá của mỗi khóm trúc bày bán ở Ngày hội làm vườn Beervelde 2012 là 17 Eur- khoảng 500.000đ, không rẻ. Nhưng đó là thứ tre để làm cảnh.

Người Bỉ cũng bắt đầu yêu thích vẻ đẹp và tính ứng dụng tuyệt vời của loại cây châu Á này mang lại: làm nhà, dựng lều trại ngoài trời, chất liệu điều hòa nhiệt độ tốt, nguồn năng lượng sinh thái (phù hợp trào lưu nói không với sản phẩm từ nhựa), nguồn thuốc và nguồn thực phẩm dồi dào- lá tre là thức ăn của gấu trúc, măng tre dùng làm rau! Tác dụng của tre được quảng bá đến người dự Ngày hội làm vườn Beervelde như thế.

Marc Temmermans van Velt còn giới thiệu mô hình khách sạn dựng bằng tre, kiểu Bamboo Hilton, để ca ngợi vẻ đẹp tinh tế cũng như độ bền vật liệu của tre.

Filip Van Lierde, người cung cấp những chiếc lều khung tre độc đáo thiết kế hình mái vòm vừa triển lãm, vừa phục vụ Ngày hội làm vườn Beervelde 2012 nhấn mạnh khẩu hiệu "Hãy luôn nhớ: đẹp đẽ, khôn ngoan chính là tre".

Filip cũng là người đồng sáng lập thương hiệu Be Bamboo- chuyên thiết kế và lắp ráp những chiếc lều kiến trúc mái vòm bằng khung tre độc đáo.

Từng đến Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc... tìm kiếm tre, Filip băn khoăn hỏi tôi: "Tre làm khung lều trưng bày tại đây tôi nhập từ Trung Quốc. Nhưng đây là loại tre rỗng ruột. Tôi nghe nói ở Việt Nam có loại tre thân đặc, sức bền cao và chịu lực tốt, không dễ bị nứt vỡ. Cô biết ở đâu có loại tre này không?"

Tôi nhớ đến mấy bụi tre trong vườn ở quê nhà, thân đặc và rỗng đều có, nhưng để đảm bảo sức bền của tre cõng được mái ngói nặng, ông nội tôi thường đem ngâm tre trong ao nước cả năm trời.

Nhóm sinh viên Việt tỉnh Gent phục vụ món ăn trong bóng râm của tre trúc
Nhóm sinh viên Việt tỉnh Gent phục vụ món ăn trong bóng râm của tre trúc.

Filip bảo cái tài tình trong sử dụng tre của người châu Á là vậy, bây giờ dân châu Âu rất chuộng, cũng bởi muốn thân thiện với môi trường hơn. Anh khẳng định cuối năm nay sẽ quay lại Việt Nam tìm tiếp nguồn nguyên liệu từ tre.

Một chiếc lều với khung tre như mô hình anh giới thiệu về thương hiệu Be Bamboo phía sau lưng, ước có giá từ 4.000- 5.000 Eur (khoảng 100 đến 150 triệu đồng). Một cách kinh doanh đáng suy nghĩ.

Từ khu Be Bamboo của Filip, tôi lân la sang xem Bruno Vloeberghs đan rổ rá và tết đơm đó bằng tre. Sở dĩ Bruno giới thiệu "những sản phẩm đan, bện rất khác" vì nó có tính hội nhập cao.

Khung cảnh thật chẳng khác nào một bác nông dân Việt đang ngồi đan lát trong vườn. Hoàn toàn đan bằng tay, Bruno quảng cáo, và ngồi trình diễn cho mọi người xem.

Ngay lối vào gian triển lãm của Bruno, anh còn trưng bày mô hình tiền giấy mệnh giá 200 đồng của Việt Nam, hai chiếc đơm cá lớn, một thang tre cõng đòn gánh cùng thúng mủng... Việt Nam là đây, từ những điều bình dị nhất, ngày nay lại có tính hội nhập mạnh như thế.

Những sản phẩm này, người Bỉ hoài cổ rất ưu dùng trang trí trong nhà, ngoài vườn và còn dùng làm giỏ đựng bánh mì, giỏ đựng tôm cá, giỏ gắn trên xe đạp, làn tre đi chợ.... Đẹp mắt và lạ mắt!

Lại là phở

Phục vụ tiệc trưa cho quan khách về dự Ngày hội làm vườn Beervelde 2012 ngay tại khu biệt thự sang trọng trong tư gia của bá tước Renaud là nhà hàng Little Asia.

Chủ nhà hàng, chị Trương Thị Quyền, đồng thời giữ chức Giám đốc điều hành Liên minh Bỉ- Việt (BVA, thành viên tham gia tổ chức Ngày hội làm vườn Beervelde năm nay).

Tôi từng thấy người phụ nữ gốc Việt này xuất hiện cùng các vị giám khảo hướng dẫn thí sinh thị phạm trong chương trình truyền hình hút khách hàng đầu tại Bỉ: cuộc thi Nhà hàng của tôi- Mijn Restaurant.

Mô hình tiền Việt được giới thiệu trong gian hàng trưng bày sản phẩm đan lát từ mây tre của Bruno
Mô hình tiền Việt được giới thiệu trong gian hàng trưng bày sản phẩm đan lát từ mây tre của Bruno.

Từ các món phở xào giòn, bánh cuốn, bánh xèo, nem rán... kiểu Việt cho đến món thịt vịt, tôm hùm biển Bắc nổi tiếng của Bỉ đều có trên bàn tiệc của nhà hàng này.

Và món chiêu đãi quan khách dự Ngày hội làm vườn Beervelde 2012 không thể thiếu chính là phở bò- cũng như người Bỉ có truyền thống khai vị bằng món súp cà chua vậy.

Trong khi phở Việt sang trọng xuất hiện tại khu biệt thự thì phía sau tòa nhà này, từ chiếc lều khung tre lớn nhất trên khu triển lãm giữa vườn cỏ xanh tỏa ra hương vị món phở bình dân nóng hổi phục vụ khách tham quan.

Và cũng có thể, khoảng cách từ bếp đến bàn ăn trong căn lều này quá gần khiến tô phở bê ra nóng ran trên tay chứ không nặng nề thịt trong thứ nước dùng chỉ còn âm ấm của một số nhà hàng Việt ở Brussel (Bỉ).

Đây là món phở gần với phở nhất tôi thưởng thức ở châu Âu. Đầu bếp nói giọng Bắc, dĩ nhiên hương vị phở Bắc, nước trong, không ngọt vị đường và không rau giá. Giá của mỗi tô phở này là 6 Eur (khoảng hơn 150.000 đồng), rẻ hơn phở nhà hàng.

Tuy nhiên, nước phở vẫn thiếu hương vị đậm đà của hoa hồi, quế, thảo quả..., có lẽ chủ đích của người nấu muốn làm hợp khẩu vị của cả người phương Tây chăng? Anh Giang và chị Nhật Quang ở vùng Dender của Bỉ cung cấp món phở này cùng với mì xào, nem rán, thịt gà xiên nướng... Nghe nói họ không mở nhà hàng mà chọn cách nấu di động phục vụ các hội chợ, bởi vậy không thể đòi hỏi nhiều phụ kiện cầu kỳ cho món ăn.

Cặp vợ chồng người Bỉ kinh doanh giày dép được Minh Thu (thành viên của Liên minh Bỉ- Việt, đơn vị tham gia tổ chức Ngày hội làm vườn Beervelde 2012) nhiệt tình mời ăn tô phở Việt.

Tò mò, họ thử, kèm câu cảm thán: Sao lại có món súp kết hợp được nhiều nguyên liệu đến thế, và sao phải ăn quá nóng đến mức này! Dân châu Âu có văn hóa ẩm thực lạnh, gặp phải món phở nóng bốc khói kiểu này, ngạc nhiên.

Đấy là họ chưa gặp phải anh bạn đồng nghiệp cũ của tôi ở Việt Nam- tín đồ của phở, tôi không thể quên cách anh ăn phở: liên tục bê bát phở trên tay, đặt sát miệng để vừa ăn vừa hít hà khói phở. Ăn kiểu này không lịch sự, nhưng là cách thưởng thức trọn vẹn nhất.

Ba ngày hội nhưng chỉ ba giờ dạo quanh Park van Beervelde cũng tạm hài lòng gặp lại phong vị quê hương và xem cung cách làm vườn, yêu vườn, khoe vườn kiểu Bỉ sang trọng, sáng tạo, hội nhập thế nào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.