Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Sớm công bố kết quả thanh tra EVN

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh Như Ý
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh Như Ý
TPO - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Thanh tra Chính phủ sẽ sớm công bố kết quả thanh tra và xử lý nghiêm vi phạm nếu có của EVN và cơ quan liên quan.

Tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 30/5, lý giải xoay quanh vấn đề giá điện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Điều hành giá điện phải đạt hai mục tiêu: Kiểm soát lạm phát và có giá hợp lý để kêu gọi đầu tư. Theo quy định hiện nay, điện là mặt hàng nhà nước xác định theo thị trường và có điều tiết theo biên độ nhà nước. Khung giá, cơ chế điều chỉnh giá, cơ cấu biểu giá bán lẻ do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Theo Phó Thủ tướng, để đảm bảo bù đắp và có mức lợi nhuận tối thiểu cho ngành điện là 3%, EVN và Bộ Công Thương đề xuất 3 kịch bản. Trên cơ sở cân nhắc, Chính phủ đã chọn phương án tăng 8,36% và điều chỉnh trong 15 – 30/3. Thực tế trong 10 lần điều chỉnh, giá điện đã có 4 lần điều chỉnh trong tháng 3. Nếu điều chỉnh muộn hơn, sớm hơn hoặc vào giữa năm, sau tháng 7 mới điều chỉnh, thì tỷ lệ sẽ cao hơn.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những nguyên nhân tăng giá điện đột biến trong tháng 4 vừa qua. Theo báo cáo ban đầu của Bộ Công Thương, sơ bộ có ba nguyên nhân: Thứ nhất, do việc điều chỉnh giá điện tăng; thứ hai, số ngày ghi công tơ tháng 4 nhiều hơn tháng 3 là 3 ngày; và thứ ba là nhu cầu điện tăng cao do thời tiết nắng nóng bất thường. Ba nguyên nhân này dẫn tới điện tăng 10,6% so với cùng kỳ 2018 và tăng 14.3% so với tháng 3/2019. “Kiểm tra sơ bộ cho tới nay, cách tính điện của EVN chưa có sai phạm gì”, ông Huệ cho hay.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN tiếp tục tiết giảm chi phí, minh bạch chi phí đầu vào, hoàn thiện văn bản pháp lý, mở rộng phạm vi thị trường và rà soát, nghiên cứu thị trường mô hình bán lẻ phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện khung pháp lý hiện hành, thí điểm bán lẻ thị trường điện cạnh tranh vào năm 2021. Đồng thời, bổ sung biểu giá điện hợp lý hơn, để hài hòa lợi ích của các hộ tiêu dùng điện; Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết quả thanh tra và xử lý nghiêm vi phạm nếu có của EVN và cơ quan liên quan.

“Chúng tôi cũng đề xuất để Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu và có thể đưa vào năm 2019 kế hoạch kiểm toán tài chính và kiểm toán chuyên đề giá điện của EVN”, ông Huệ cho hay.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.