Phố Tây mùa dịch

Nhiều du khách nước ngoài không mua được khẩu trang ở phố Tây Ảnh: Trần Nguyên Anh
Nhiều du khách nước ngoài không mua được khẩu trang ở phố Tây Ảnh: Trần Nguyên Anh
TP - Hôm nay là ngày cuối tuần, trái với hình ảnh náo nhiệt thường thấy, phố Tây Bùi Viện ở TPHCM vắng lặng như chưa bao giờ lại vắng đến thế. Một du khách Hà Lan ngồi nhâm nhi chai bia ngay ngã tư nói rằng: “Tôi đến đây để thưởng thức sự vắng vẻ và nghe những câu chuyện to nhỏ về dịch cúm Covid -19”. 

Khách có người đeo khẩu trang, có người cất đi, nhưng nhân viên các quán xá đều đeo khẩu trang cả.

Ít lại an toàn?

Anh Hùng, một người chạy xe ôm thường đi ngang qua đường Đề Thám, hôm nay phủ phục trên chiếc xe bên lề đường. Anh nói với tôi: “Chưa bao giờ phố Tây lại vắng thế này. Thường ngày, cứ giờ cao điểm thì phố Tây luôn kẹt xe, nhưng từ khi dịch cúm bên Trung Quốc nổ ra, chuyện đó đã không xảy ra nữa. Giờ cao điểm cũng như giờ bình thường, phố Tây vắng tanh”.

Một bác đạp xích lô níu kéo những vị khách Tây to lớn thi thoảng đi ngang qua, nhưng họ đều từ chối và tranh thủ lúc phố xá vắng vẻ để đi bộ, ngắm cảnh phố phường Việt Nam, những con phố cũ và những cô gái mặc áo dài, đội nón trắng, đeo khẩu trang đứng trước các quán mát xa chân. Trong ngõ tối, một cô gái đội nón và đeo khẩu trang, đôi mắt tô đậm nói: “Mời anh vào mát xa ủng hộ chúng em với, khách vắng quá anh ơi”.

Ở góc ngã ba, nơi gần quán cà phê trứng theo phong cách Hà Nội, người bán hàng ven đường nói: “Chúng tôi nghe du khách nói rằng hầu hết các điểm du lịch ở Đông Nam Á, châu Á đều vắng tanh vì dịch cúm covid -19. Tại Việt Nam, nhiều nơi thường đón khách Trung Quốc cũng gần như không bóng người. Phố Tây Bùi Viện vốn ít khách Trung Quốc nên vẫn còn khách ghé qua, trú lại, dù không nhiều”.

Công ty lữ hành “bó gối”

Chị Khánh làm nghề du lịch hơn 20 năm, hiện chị là chủ Công ty lữ hành Lotus tại Đề Thám phán một câu ngắn gọn là “Ế!”. Chị nói: “Tour của chúng tôi đưa khách đi Đồng bằng sông Cửu Long một ngày mà giá chỉ 10 USD, tương đương 230.000 đồng, bao ăn luôn, nhưng vẫn không có khách!”.

Các khách sạn khu phố Tây đều rất vắng, nhiều khách sạn giảm giá nhưng vẫn không có khách. Khu phố Tây có một số trường học và tất cả đều đóng cửa và được dán những tờ rơi kêu gọi những ai từng ghé qua Vũ Hán cần đến các cơ sở y tế để theo dõi kiểm tra sức khỏe cho bản thân và cho cộng đồng.

Một số khách sạn ở khu phố Tây đang tiến hành khử trùng, vệ sinh. Các cửa hiệu đều được lau chùi bóng loáng và đường phố liên tục được thu dọn rác, khoảng 30 phút có một xe rác đi qua.
Mọi thứ đều sạch sẽ, láng bóng, nhưng phố Tây vẫn vắng teo. Người bán quán ăn ở góc đường Đề Thám với đường Trần Hưng Đạo nói: “Lượng khách đã giảm đi 70% dù chẳng có thông tin gì về dịch bệnh từ khu phố Tây này”. Giá một quả dừa ở quán của chị là 20.000 đồng và một tô hủ tiếu mà chị giới thiệu với khách là “Soup của Việt Nam” cũng chỉ có giá 30.000 đồng, nhưng quán chỉ lèo tèo 3 người khách trẻ đến từ châu Âu. Hai mẹ con chị vừa nấu vừa bán đồ ăn, họ luôn đeo khẩu trang, trong khi các vị khách nước ngoài lại không ai đeo khẩu trang.

Thiếu khẩu trang cho phố Tây

Trên các con đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám… phần lớn du khách châu Á đều đeo khẩu trang, trong khi đó khách châu Âu có vẻ “vô tư” hơn khi họ vẫn rảo bước và nói chuyện thoải mái với nhau mà không đeo khẩu trang.

Trên các con phố đi bộ hầu như không nhìn thấy các cảnh báo về dịch cúm covid -19 cũng như không khuyến cáo việc đeo khẩu trang. Một khung cảnh khá đối lập: hầu hết người Việt Nam, kể cả người bán hàng và người đi đường đều đeo khẩu trang thì nhiều du khách không đeo khẩu trang.

Ba cô gái đến từ Đức nói: “Chúng tôi vào mấy cửa hàng tiện lợi, mua gì cũng có, ngoại trừ khẩu trang. Chúng tôi biết mua nó ở đâu bây giờ?”.

Phố Tây mùa dịch ảnh 1 Người du khách Mỹ với khẩu trang tự chế trên phố Tây chiều 15/2/2020

Khu phố Tây rất ít tiệm thuốc và có lẽ ở một nơi chủ yếu quán ăn, quán nhậu và cà phê thì khẩu trang khá vướng vít. Khách Tây ngồi ăn uống dọc đường rất hiếm người dùng khẩu trang.
Năm 2019, TPHCM đón khoảng 8,5 triệu khách nước ngoài (bằng khoảng 50% khách nước ngoài tới Việt Nam), thu từ du lịch khoảng 150.000 tỷ đồng.  Khách nước ngoài đem tới nguồn thu lớn cho thành phố, nhưng “cơn bão covid -19 phủ lên toàn cầu” thì lo lắng cũng không nhỏ. Những người dân sinh sống ở phố Tây ái ngại: “Trong khi các trường học còn khảo sát xem học sinh dịp Tết vừa rồi đi du lịch những đâu thì hàng trăm ngàn du khách nước ngoài đổ bộ vào  phố Tây, từ rất nhiều quốc gia, không dễ gì biết họ từng đặt chân qua chốn nào!”.

Chị Khánh, công ty lữ hành Lotus  nói: “Việc kinh doanh trì trệ, thất thu, khó khăn. Nhưng ngẫm cho cùng, tính mạng của con người vẫn là quan trọng nhất. Do vậy, chúng tôi chấp nhận sàng lọc du khách từ hộ chiếu của họ, chúng tôi chỉ chấp nhận những khách đến từ vùng không có dịch. Không thể vì tiền mà bất chấp tất cả!”.

Hơn ai hết, lúc này những du khách quan tâm tới dịch bệnh covid -19, như câu chuyện chị Khánh đã kể: “họ sẵn sàng bỏ tour nếu phát hiện trong đoàn khách đi cùng có người đến từ vùng dịch”. Nhưng vì sao khách Tây lại không đeo khẩu trang? Câu trả lời của chị Khánh đó là: “Chúng tôi làm trong ngành du lịch mà tìm ra khẩu trang đạt chuẩn quốc tế để đeo còn khó, nói gì tới việc cung cấp cho du khách nước ngoài tới Việt Nam. Tình hình này, họ phải tự trang bị thôi!”.


Chị Khánh, Điều hành công ty lữ hành Lotus nói: “Ở khu phố Tây hầu như không bán khẩu trang, tôi mua cho cá nhân còn khó nói gì mua cho khách hàng. Ở đâu cũng bảo hết khẩu trang, chỉ bán số lượng nhỏ. Khách nước ngoài tới nhờ tôi mua khẩu trang giùm, nhưng tôi không giúp gì được cho họ”.


MỚI - NÓNG