Phở Sài Gòn

Tô phở Sài Gòn với rau và giá
Tô phở Sài Gòn với rau và giá
TP - Nói đến phở, chắc ít người đề cập phở Sài Gòn. Vì Hà Nội đã quá nổi tiếng với món này. Ít ra, không nói phở Hà Nội thì cũng có đó phở Nam Định. Nhiều người biết Thành Nam có những làng, những xã chuyên nghề nấu phở và mang thương hiệu phở Nam Định đi tứ xứ.
Tô phở Sài Gòn với rau và giá
Tô phở Sài Gòn với rau và giá.
 

Nhưng người Sài Gòn hẳn thích ăn phở lắm, bằng chứng là đi đâu cũng thấy quán phở. Nếu không biết chỗ ăn, một người Bắc hôm nào đó ghé vào quán phở ven đường sẽ hoàn toàn thất vọng khi thấy nhà hàng bê ra một tô gì đó, là hỗn hợp gồm thứ nước đo đỏ sực nức hương liệu chứ không trong như phở Hà Nội. Ăn một miếng đã chực phun ra vì phở gì đâu mà toàn mùi ngũ vị hương hay hồi, quế, ngọt lợ như một món ăn của người Hoa.

Nếu không quá thất vọng với lần đầu tiên ấy, và chịu khó tìm hiểu một chút, người khách phương xa kia có thể tìm thấy một vài tiệm phở tuy không hoàn toàn là phở Bắc nhưng hoàn toàn… ăn được, thậm chí phở lại có vị riêng khá thú vị. Một thực tế là các tiệm phở ở Sài Gòn, đa phần là người Bắc di cư mở ra, dù trương biển bán phở Hà Nội nhưng vẫn có chút biến đổi trong cách nấu và ăn phở để phù hợp với người Nam.

Kể cũng lạ, ở Sài Gòn, cứ cái gì của miền Bắc hay xuất xứ miền Bắc, người ta đều gắn hai chữ Hà Nội. Ví như người miền Bắc gọi quả doi thì người Nam gọi là trái mận. Nhưng đưa trái mận của miền Bắc ra thì người Nam bảo đó là “mận Hà Nội”, dù Hà Nội mấy nơi có mận.

Phở Hà Nội ở Sài Gòn, và hầu như tất cả các quán phở ở thành phố phương Nam này, luôn được phục vụ với một đĩa rau lớn gồm rau ngổ, húng quế và bạc hà để cả cây, ngò gai (mùi tàu) và đĩa giá nhúng (trụng). Lại thêm một điều thú vị về ngôn ngữ: Cây bạc hà ngoài Bắc được dân Nam gọi là húng cây, trong khi cây dọc mùng lại được gọi là…bạc hà.

Nhưng người Nam ăn kẹo cao su, hay dùng dầu gội đầu mùi bạc hà vẫn nói là hương bạc hà, chứ không nói là hương húng cây, hehe. Cắc cớ hỏi em phục vụ rằng em ơi, húng nào mà chả là húng cây hay là cây húng, có phải quả húng hay rễ húng đâu thì nhận ngay cái lườm “ông này rách việc”.

Ngắt một mớ lá bạc hà, thêm chút ngò gai, đổ nửa đĩa giá vào tô phở, có vẻ không còn nhận ra tô phở nữa. Trông cứ như món tạp-pí-lù. Nhưng thử và một miếng, sẽ thấy ồ, ngon ra phết! Nước phở ngọt xương thịt bò được tăng thêm độ hấp dẫn bằng chút ớt tưới thái lát, giá trụng vừa giòn vừa duyên, thịt bò tái ngọt lừ dường như rất quyện với chút the the, nồng nồng của bạc hà. Vị của nước phở tuy có ngọt hơn phở Bắc chút nhưng với tổng thể của hỗn hợp kể trên, xem ra cũng có thể gọi là sự độc đáo.

Người ta bảo, Sài Gòn chẳng có món ăn gì đặc trưng nhưng món ăn của miền nào cũng có. Ngay cả nếu muốn thưởng thức phở Bắc thứ thiệt, tuy hiếm, nhưng hoàn toàn có thể. Ở đường Lý Chính Thắng có một quán bình dân, phở bán đắt nhưng xứng đáng là phở Bắc thuần tuý. Nghĩa là vị không lai qua vị ngọt kiểu của miền Nam, nước phở trong, thơm.

Chủ quán sẽ thấy xúc phạm nếu bạn gọi thêm giá hay rau. Nhưng có lẽ người ta vẫn cứ tiếp tục gọi rau, nên giờ đây ngoài phở+thịt bò+hành, nhà hàng còn “bố trí” thêm đĩa hành nhúng ăn kèm (hành chứ không phải giá, cho thấy chủ quán dù gì vẫn muốn giữ chút hồn cốt của phở Bắc).

Thôi tùy ý, ai ăn gì thì ăn, miễn thấy ngon và sạch sẽ là được. Nếu sành điệu, hoặc cởi mở, bạn có thể qua quán phở Hòa ở đường Pasteur thưởng thức phở… quốc tế (vì chả thấy mùi đặc trưng của phở bò đâu cả, tây ta đều ăn như nhau) hay thậm chí qua đường Đồng Khởi, quận 1 để ăn phở với… phong cách Nhật Bản!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
TPO - Dù cố gắng dồn sức tháo gỡ ngay đầu năm, tháo gỡ cơ chế chính sách, làm cật lực nhưng quy mô nền kinh tế vẫn không tăng hơn nhiều so với các năm trước. Điều đó, cho thấy sự lớn mạnh của thành phố vẫn còn chậm, các bước nhịp chưa được nhanh, chưa có hoạt động đột phá để nâng cao giá trị…