Phó

Phó
TP - Tuần qua, chuyện được bàn nhiều nhất từ nghị trường ra xã hội, có lẽ xoay quanh một chữ: Phó.

Dẫn lại phát biểu của Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa tại thảo luận tổ về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vừa xong:

“Hiện tại tôi biết có bộ có tới 11 thứ trưởng, ngay như Văn phòng Quốc hội cũng có tới 6 phó chủ nhiệm… Cải cách bộ máy hành chính thế nào không rõ, mà chỉ thấy nở ra thêm nhiều lãnh đạo là sao ?”.

Cấp phó nhiều như vậy, nhưng theo các đại biểu thì nhiều nơi vẫn than phiền là “không đủ người đi họp”!

Nhiều cấp phó, ban bệ, bộ ngành chồng chất, nhưng nhiều việc rất nhỏ vẫn phải lên đến tận Thủ tướng xử lý giải quyết. Chức tước nhiều, lương bổng rất “đậm đà” nhưng trách nhiệm đa phần mù mờ, chung chung, làm hay không cũng chả sao.

Cuối tháng 10 vừa rồi, nước chủ nhà Việt Nam lại vừa nhất toàn đoàn kỳ thi tay nghề ASEAN với hàng loạt huy chương vàng, bạc. Trên cả Singapore, Thái Lan… Đây là lần thứ ba Việt Nam xếp thứ nhất trong 10 lần diễn ra kỳ thi này. Các cuộc còn lại đều cơ bản đứng tốp 3.

Cuộc thi tay nghề, cũng như nhiều cuộc thi quốc tế với mấy môn học tự nhiên cơ bản khác, ta thường giành giải cao. Thậm chí thành tích thường khi còn cao hơn cả những quốc gia có nền kỹ nghệ, kinh tế, quản lý phải mất mấy chục năm nữa ta mới đuổi kịp, như Singapore, Thái Lan kể trên.

Nhắc đến giới thợ thuyền, chợt thấy từ xưa ở ta có những lối gọi nghề nghiệp khá vui tai. Khi từ “phó” được dùng để chỉ những người làm các nghề thủ công. Những phó cối (thợ đóng cối xay), phó mộc, phó nề, phó cạo (thợ cắt tóc), phó may, phó nháy (chụp ảnh)... Ngay đến bác thợ cả cũng gọi là “phó cả”.

Nay thì thêm vô số các loại phó khác, nhưng không phải về nghề nghiệp, mà thuần chỉ là chức vụ. Tăng chức vụ để tăng bậc lương cao hơn, rồi tiền trách nhiệm, chi phí phụ cấp, xe cộ, điện đóm hàng tháng. Vậy nên nhiều cơ quan công sở, cứ hai người có một tổ trưởng, vài người lại có một phó phòng, phó ban… “Phó” đấy, nhưng hầu như ít thấy ai động chân động tay. Cắp ô là chính.

Chỉ có đội ngũ các bác phó nháy, phó cạo, phó mộc, phó nề, phó may… và các lao động thợ thuyền khác mới là những người làm việc, nuôi sống xã hội, mưu sinh thực sự.

Bởi họ chỉ là những phó thường dân. È lưng ra đóng thuế nuôi hàng ngũ “phó quan” đông đảo trên đầu.

MỚI - NÓNG