Phố đồng phục, 'căn bệnh' của thị giác?

Nhiều chuyên gia cho rằng không nên mặc đồng phục cho các tuyến phố
Nhiều chuyên gia cho rằng không nên mặc đồng phục cho các tuyến phố
TP - Sau sự thất bại của tuyến phố văn minh đồng phục Lê Trọng Tấn, đường Đình Thôn tiếp tục bị phản ứng về đồng phục cột đỏ. Chuyên gia kiến trúc, đô thị lo ngại "căn bệnh" về thị giác sinh ra từ những thử nghiệm mất mỹ quan này.

KIỂU MẪU THẤT BẠI

Ba năm trước Hà Nội có tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên. Loạt biển hiệu ở con phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân) được thiết kế hệt nhau về kích cỡ và màu sắc, nhưng sớm chết yểu. Hơn hai tháng trở lại đây, đường Đình Thôn (Mỹ Đình) trở thành tuyến phố thứ hai “mặc” đồng phục. Lãnh đạo UBND phường Mỹ Đình 1 cho cắm loạt cột sắt, sơn đỏ dọc vỉa hè để gắn biển hiệu cho các cửa hàng hai bên phố. Lãnh đạo phường giải thích, việc làm này nằm trong đề án thí điểm tuyến, đường phố văn minh đô thị giai đoạn 2018 - 2020, định hướng tới năm 2030.

Chính quyền phường Mỹ Đình 1 hướng tới thực hiện đồng bộ kích thước biển hiệu, hệ thống cột biển, cắm cờ dịp lễ tết. Biển quảng cáo được lắp đặt theo chuẩn cao 1,2m. Đề án thực hiện tuyến phố văn minh này mới xong giai đoạn đầu, hai giai đoạn còn lại là xử lý dây điện, dây viễn thông và cải tạo mặt đường, vỉa hè dự kiến trong năm 2019. Thực tế loạt biển hiệu ở đây không đồng bộ, nhấp nhô. Có cột sắt được cắm sát mép vỉa hè cận kề lòng đường, cản trở lưu thông cho người đi bộ, ảnh hưởng tầm nhìn của người tham gia giao thông.

Phố đồng phục, 'căn bệnh' của thị giác? ảnh 1 Tuyến phố đồng phục ở Đình Thôn lộn xộn, gây cản trở giao thông 

“Khi thiết kế và quy hoạch đô thị, thứ nhất cần phải đảm bảo ba yếu tố hàng đầu an toàn, an ninh, vệ sinh. Tiếp đến cần làm cho đô thị đó, con phố đó trở nên tiện nghi rồi mới tới sự hấp dẫn, đẹp đẽ. Đó là mục tiêu chúng ta cần đặt ra khi định thay đổi diện mạo đô thị. Đối với trường hợp của Đình Thôn không những gây cản trở giao thông, những cột sơn đỏ đó dễ trở thành rác về thị giác”, KTS Đoàn Kỳ Thanh nói. Ông cho rằng đường Đình Thôn hình thành từ đường làng nên thiết kế gốc không có vỉa hè. Thời gian gần đây mật độ giao thông lớn, nên khu vực này càng dễ trở nên lộn xộn và mất mỹ quan. Việc cắm cột đỏ chưa thấy đẹp đã khiến vỉa hè thêm chật hẹp.

Lấy làm tiếc về cố gắng mặc đồng phục cho con đường Đình Thôn, KTS Trần Huy Ánh cho rằng điều này thể hiện sự lãng phí, yếu kém về quản trị: “Đồng phục vừa có tính sáng tạo cộng đồng, vừa có hạn chế của tính nghiệp dư. Người làm cũng xuất phát từ quyền lợi trực tiếp của cộng đồng dân cư nhưng lại mắc sai lầm, thiếu tính chuyên nghiệp do không được đào tạo hay tiếp cận những quy chuẩn, quy phạm về mặt thiết kế đô thị. Cán bộ địa phương đôi khi họ xốc vác công việc khác nhau, có vai trò trực tiếp rất lớn trong việc điều hành địa phương nhưng không được trang bị những kiến thức tối thiểu về đô thị”.

KHÔNG SAO CHÉP

 KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng muốn tạo ra các tuyến phố đẹp trước hết đảm bảo sự an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường “đừng có dây điện loằng ngoằng, biển hiệu dễ chập điện gây cháy nổ”. Sau khi đảm bảo hành lang đi lại thông thoáng an toàn cho người dân mới tính tới làm đẹp từng tuyến phố. “Chẳng cần học đâu xa lạ, hãy học những ngõ nhỏ, phố nhỏ Hội An. Cần gì biển treo cao to đùng ngả ngửa ra, nên đặt biển hiệu trong tầm mắt”, ông nói. Ông đề xuất nên đưa ra các hình mẫu cho người dân học tập, khuyến khích họ học theo để tạo nên sự duyên dáng, đáng yêu như Hội An.

“Đối với cảnh quan thành phố, sự hấp dẫn chính là sự đa dạng. Tôi cho rằng các tuyến phố không nên biến thành đồng phục, đặc biệt càng không nên đưa các màu mạnh như màu đỏ ra đường. Đừng bày thêm ra vỉa hè nữa, giờ giải tán bớt không được. Thành phố muốn có khu mặt tiền đẹp cần tới các nhà kiến trúc chứ không chỉ nằm ở mấy tấm biển”, Đoàn Kỳ Thanh nói.

“Hai trường hợp thất bại của tuyến phố đồng phục của Hà Nội đủ để coi là căn bệnh, buộc các nhà quản lý và nhà chuyên môn ngồi lại với nhau để bàn thảo, tìm ra phương thuốc hợp lý”, KTS Trần Huy Ánh nói. Để tránh hiện tượng chính quyền địa phương “làm lố” như Đình Thôn, ông lấy dẫn chứng cách làm thành công ở Hoàn Kiếm. Trước khi chính quyền quận sửa sang đường phố, nhà cửa đều tham vấn cơ quan chuyên môn. BQL phố cổ Hà Nội thậm chí đưa phương án ra triển lãm để đo khen chê. Người dân chỉ sơn sửa khi bằng lòng, thậm chí khi đó họ còn góp tiền với nhà nước.

KTS Nguyễn Việt Huy- TS Quy hoạch đô thị ĐH Paris Pantheon cho rằng tất cả sự áp đặt đều thất bại, muốn thành công phải xuất phát từ sự đồng thuận, tham gia của người dân. Điều quan trọng hơn là chú ý tới yếu tố văn hoá, con người. Với khu phố cổ Hà Nội chẳng hạn, diện mạo của nó trải qua nhiều thời kỳ hình thành, lưu giữ, được người Pháp trân trọng và tới nay chúng ta tiếp quản lại giá trị ấy. “Chúng ta nên lắng nghe tất cả những cái dở ở các thành phố lớn ở Việt Nam. Cách mặc đồng phục cho các tuyến phố hơi hình thức. Các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật họ đi vào thực tế hơn, bằng ý thức người dân”.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cho biết đã trao đổi với UBND quận Nam Từ Liêm và họ sẽ rút kinh nghiệm. Việc thực hiện các tuyến phố văn minh - đồng phục thuộc thẩm quyền ở địa phương, với chức năng quản lý nhà nước Sở chỉ hướng dẫn về khung, tiêu chí của đô thị văn minh, văn hoá. Tuy nhiên ông Động lưu ý việc thực hiện các đề án này không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân. Giám đốc Sở khuyến cáo  khi thực hiện các đề án này, địa phương nên tham vấn ý kiến hội đồng chuyên môn-thành phần không thể thiếu giới kiến trúc và mỹ thuật.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.