Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: “Cảm ơn AVG,đáng khen VPF

Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: “Cảm ơn AVG,đáng khen VPF
Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã nhìn nhận như vậy sau khi ký vào thỏa thuận có thể xem là đoạn kết của cuộc chiến bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam.

Ông Dũng nói: “VFF đồng ý với thỏa thuận của VPF và AVG. Tất nhiên, điều kiện cho bản thỏa thuận ấy là phải đạt được mức thu tối thiểu 50 tỷ đồng/năm”.

Phía AVG phản ứng thế nào về cam kết do VPF đưa ra, thưa ông?

- Họ hoan nghênh VPF. Đối với VFF, nguồn thu 50 tỷ đồng/năm là số tiền không nhỏ nên có được cuộc chuyển giao như vậy là rất tốt. Tôi cho rằng, AVG hay VPF là đối tác khai thác không quan trọng, vấn đề là bóng đá Việt Nam phải có được nguồn thu lớn nhất.

 Nhưng VFF có tin rằng, VPF sẽ làm được như thỏa thuận cam kết?

- Quan trọng nhất là có cơ chế giám sát thực hiện chứ không phải là tin tưởng hay không tin tưởng. Tuy nhiên tôi thừa nhận, việc VPF thu được số tiền như vậy là bước ngoặt bản lề về bản quyền truyền hình.

 AVG đã chịu thiệt, nhưng số tiền mà AVG đã chuyển cho VFF trong thời gian trước đây sẽ được xử lý ra sao?

- Đó không phải là chuyện lớn. Chúng tôi cùng ngồi tính toán, cái gì không thuộc về VFF thì sẽ trả lại. Còn chuyện khúc mắc trong hợp đồng chuyển giao thì chỉ là chuyện nhỏ, chỉ cần thỏa thuận thêm vài chi tiết.

Với cam kết 50 tỷ đồng/năm mà VPF đưa ra, chẳng lẽ AVG sẽ bị đặt ngoài lề khi VPF tiến hành khai thác bản quyền truyền hình?

- Cả VFF và AVG đều không nằm ngoài cuộc. Chúng tôi cùng tham gia vào quá trình thực hiện bản quyền truyền hình cùng VPF với tư cách giám sát và tư vấn. Bây giờ, ba bên coi nhau như đối tác để nâng giá trị thương quyền bóng đá Việt Nam. Tiền kiếm được sẽ đầu tư cho các dự án của bóng đá Việt Nam.

Với những gì đã xảy ra, VFF hay VPF đã phải ghi nhận đóng góp của AVG. Nhờ có AVG, bản quyền truyền hình đã từ con số 0 tròn trĩnh trở thành thương quyền mang giá trị cao. Thậm chí trước đây, bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam cho không cũng không ai lấy. Bây giờ, khi AVG cho không bản quyền truyền hình, tôi thực sự đánh giá cao hành động này, bởi đấy mới là vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Còn đối với VPF, họ có hành động đáng khen khi cam kết thu về 50 tỷ đồng/mùa.

Với việc chuyển giao hợp đồng cho VPF từ AVG, VPF sẽ thừa hưởng toàn bộ việc khai thác thương quyền trên tất cả các mặt trận?

- VPF có 4 giải đấu để khai thác gồm V-League, hạng Nhất, Cúp Quốc gia và Siêu cúp. Còn thương quyền các giải khác giao lại cho VFF sử dụng. VPF chỉ lo cấp CLB, còn VFF rảnh tay lo cấp đội tuyển. Chúng tôi sẽ lo cho các đội tuyển, công tác đào tạo trẻ hay đối ngoại.

Biên bản mới ký giữa 3 bên chỉ là thỏa thuận. Còn hợp đồng bàn giao chính thức thì sao, thưa ông?

- Sớm, rất sớm được triển khai thành hiện thực.

Theo Gia Minh
Sài Gòn Giải Phóng

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.