Phó Chủ tịch Quốc hội: Nước phải được coi là hàng hóa đặc biệt

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
TPO - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị phải coi nước là hàng hóa đặc biệt, thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt.

Chỉ 12,5% nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý 

Ngày 17/8, phát biểu kết luận phiên giải trình an ninh nguồn nước, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu một vấn đề rất đáng quan tâm, dù thiếu nước nhưng hiệu quả sử dụng nước của chúng ta đem lại cho tăng trưởng rất thấp. Mỗi m3 nước mới tạo ra 2,37 USD, chỉ bằng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu.

Bên cạnh đó, kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hoá cao, dân số tăng nhanh làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Việc đắp đập làm thuỷ lợi, thuỷ điện, lấp ao, hồ, sông suối, phát triển đô thị, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ…đã khiến hầu hết các con sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau.

“Những vấn đề trên đã trở thành thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước cả hiện tại và tương lai”, ông Hiển khẳng định, rồi đưa ra dẫn chứng: Chỉ có 12,5% nước thải sinh hoạt của các đô thị loại 4 được xử lý, số còn lại đều xả ra nguồn nước. Khu vực nội thành Hà Nội mỗi ngày xả 500.000 m3, trong đó có 100.000 m3 thải ra từ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và bệnh viện.

“Qua khảo sát ba con sông của Hà Nội thì sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tô Lịch đều ô nhiễm nặng”, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Một vấn đề nhức nhối khác theo ông Phùng Quốc Hiển, đó là vấn đề an toàn hồ đập. Chúng ta có 86.202 công trình thuỷ lợi, trong đó có 6.998 đập với dung tích khoảng 14 tỷ m3 nước. Bên cạnh đó có khoảng 500 hồ chứa thuỷ điện đã đi vào vận hàng và khoảng 300 dự án thuỷ điện đang triển khai xây dựng, chuẩn bị đi vào hoạt động. Tổng dung tích các hồ chứa thuỷ điện là 60 tỷ m3 nước, trong đó các hồ lớn như thuỷ điện Hoà Bình khoảng 9 tỷ m3, Thác Bà khoảng 3 tỷ m3…

“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu cực đoan hiện nay, lũ lụt diễn ra thường xuyên với cường độ cao; tình trạng không ổn định của địa chất và đứt gãy dẫn tới động đất ở một số vùng; cùng với đó, hơn 1.300 hồ đập đã bị xuống cấp, trong đó 1.200 hồ đập cần sửa chữa và 200 hồ hư hỏng nặng cần sửa chữa khẩn cấp. An toàn hồ đập rất cấp bách, cần chú trọng vì ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước, an toàn sản xuất”, ông Hiển lưu ý.

Bên cạnh đó là vấn đề bảo vệ và phát triển rừng, theo Phó chủ tịch Quốc hội, mức đầu tư bảo vệ rừng bình quân hiện rất thấp, mới đạt 300.000 đồng/ha/1 năm. Đây cũng là nguyên nhân khiến rừng đầu nguồn bị thhu hẹp, cháy, lấn chiếm, làm khả năng sinh thuỷ tại chỗ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước.

Nông thôn phải được dùng nước chất lượng tốt như thành thị

Theo tính toán của ông Phùng Quốc Hiển, đến năm 2045, khi chúng ta trở thành nước công nghiệp phải chủ động được nguồn nước ngọt, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, đảm bảo nước tưới tiêu và sinh hoạt cho 115 – 120 triệu dân ở tương lai. Chúng ta phải đảm bảo nước cho cả thành thị, nông thông, nhất là ở nông thôn cũng phải được sử dụng nước với chất lượng tốt như ở thành thị.

Với mục tiêu lớn như vậy, ông Hiển đề nghị, phải đối mới tư duy trong hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát đối với an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, chống biến đổi khí hậu. Cần coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ tổng hợp, cấp bách, lâu dài, liên tục, thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân.

Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải coi nước là hàng hóa đặc biệt. Phải thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, có trật tự ưu tiên, cấp bách làm trước, lâu dài làm từng bước.

Cùng với đó, cần ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để quản lý nguồn nước và chất lượng nước tốt hơn. Ngoài ra phải tăng cường quan hệ quốc tế với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, ký kết và thực hiện các hiệp định để bảo vệ môi trường, bảo vệ lưu vực sông, nhất là sông Mê Kông và sông Hồng.

“Cần khẳng định rằng, chỉ có tăng cường hợp tác quốc tế chúng ta mới có thể đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập”, ông Hiển nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG