Phó chủ tịch Nghị viện Eva Kaili mất chức sau bê bối hối lộ chấn động châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 13/12, Nghị viện châu Âu bãi nhiệm bà Eva Kaili khỏi vị trí phó chủ tịch, trong bối cảnh nghị sĩ người Hy Lạp này bị cáo buộc nhận hối lộ của Qatar, gây ra một trong những bê bối tham nhũng lớn nhất ở Brussels.
Phó chủ tịch Nghị viện Eva Kaili mất chức sau bê bối hối lộ chấn động châu Âu ảnh 1

Bà Eva Kaili trong cuộc gặp Bộ trưởng Lao động Qatar Ali bin Samikh Al Marri ngày 31/10/2022. (Ảnh: Reuters)

Bà Kaili phủ nhận cáo buộc đã làm sai, nhưng các nghị sĩ châu Âu nhanh chóng hành động để cô lập bà, vì lo ngại rằng cuộc điều tra của Chính phủ Bỉ sẽ làm hỏng nỗ lực của Nghị viện châu Âu trong việc thể hiện mình là tấm gương trong thế giới đầy rắc rối.

“Sẽ không có chuyện giấu giếm. Cuộc điều tra nội bộ của chúng tôi sẽ làm rõ điều gì sẽ xảy ra và làm thế nào để các hệ thống của chúng tôi trở nên chặt chẽ hơn”, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola phát biểu khi 625 nghị sĩ bỏ phiếu bãi nhiệm bà Kaili. Kết quả chỉ có 1 phiếu chống và 2 phiếu trắng.

Bà Kaili đang bị cảnh sát Bỉ tạm giữ. Bà là một trong 14 phó chủ tịch của Nghị viện châu Âu.

Cuối tuần qua, cơ quan công tố Bỉ buộc tội bà Kaili và 3 người Ý tham gia vào một tổ chức tội phạm, rửa tiền và tham nhũng.

Một nguồn tin nắm được tình hình điều tra cho biết các điều tra viên tin rằng bà Kaili đã nhận tiền từ Qatar, nước chủ nhà của World Cup 2022. Quốc gia Vùng Vịnh giàu có phủ nhận cáo buộc.

Cảnh sát đã lục soát nhiều toà nhà ở Brussels, trong đó có các văn phòng của Nghị viện và 19 nơi ở, thu giữ khoảng 1,5 triệu euro. Một khoản tiền lớn được đặt trong chiếc vali trong khách sạn, một nguồn tin nắm được tình hình cho biết.

Ngày 13/12, Michalis Dimitrakopoulos, luật sư của bà Kaili ở Hy Lạp, khẳng định bà vô tội. “Bà ấy không liên quan gì đến tiền từ Qatar, không có gì, một cách rõ ràng và dứt khoát”, ông Dimitrakopoulos nói với kênh truyền hình Open TV trong phát biểu công khai đầu tiên.

Nhiều nghị sĩ kêu gọi nữ chính trị gia 44 tuổi rời khỏi Nghị viện.

“Với quy mô vụ bê bối tham nhũng, đây là điều tối thiểu chúng tôi có thể chờ đợi ở bà ấy”, nghị sĩ Manon Aubry, đồng chủ tịch nhóm cánh tả, phát biểu.

Vụ bê bối khiến Nghị viện châu Âu hứng nhiều chỉ trích từ các quốc gia và chính trị gia từng bị nghị viện bêu tên.

“Từ nay, Nghị viện châu Âu sẽ không thể nói về tham nhũng một cách đáng tin cậy nữa”, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto viết trên Facebook.

Jordan Bardella, một nghị sĩ Pháp và là chủ tịch nhóm cựu hữu Rassemblement National, nói rằng vụ bê bối cho thấy cái mà ông gọi là “sự nhạo báng” khi EU “tự coi mình là một hình mẫu về đức hạnh, thường dạy dỗ người khác”.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG