Phó Bí thư Hà Nội: Nếu phim Ranh giới chiếu sớm một chút, ý thức phòng, chống dịch cao hơn

0:00 / 0:00
0:00
Phó Bí thư Hà Nội: Nếu phim Ranh giới chiếu sớm một chút, ý thức phòng, chống dịch cao hơn
TPO - "Chúng tôi rất tiếc. Nếu bộ phim Ranh giới chiếu sớm hơn một chút, thì có lẽ ý thức về hậu quả dịch bệnh đối với cuộc sống, cũng như trách nhiệm của mọi người chia sẻ với bác sĩ sẽ tốt hơn, để họ đỡ phải hy sinh nhiều...", Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong chia sẻ.

Chiều 10/9, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị thông tin với báo chí về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo ông Phong, Hà Nội đang đứng trước những ngày mang tính quyết định đến kết quả phòng chống dịch COVID-19.

Cơ bản khống chế được dịch bệnh

Tại hội nghị, phóng viên báo Tiền Phong đặt vấn đề, thành phố đang triển hai xét nghiệm diện rộng để bóc tách triệt F0 ở cộng đồng; tiêm vắc xin COVID-19 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trên địa bàn thành phố.

Với hai nội dung quan trọng này, thành phố có lộ trình như thế nào về việc nới lỏng giãn cách xã hội sau ngày 15/9.

Trao đổi các vấn đề báo chí quan tâm, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho biết, 50 ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Đến nay có 5 kết quả đạt được, trong đó các ca mắc cộng đồng đang có chiều hướng giảm dần; các trường hợp F0, F1 của Hà Nội không để cách ly tại nhà; năng lực y tế của thành phố được nâng lên.

Theo ông Phong, đến nay, thành phố đang xây dựng đáp ứng phương án cao nhất là có tới 40.000 F0, đã giao nhiệm vụ cho các cơ sở y tế để chuẩn bị phương án này. Hiện nay đang kích hoạt vận hành cơ chế có 10.000 F0. Hiện nay đã có 14.600 giường bệnh để thu dung điều trị F0 thể nhẹ, tầng 2 – tầng 3 kích hoạt 2.000 giường, chưa kể các bệnh viện T.Ư và bộ ngành cam kết hỗ trợ 2.500 giường cho Hà Nội. Thành phố cũng cho sửa chữa nâng cấp, bổ sung hệ thống ô xy cho tất cả bệnh viện thuộc Hà Nội, đảm bảo cho 40.000 bệnh nhân.

"Đến nay, thành phố cơ bản khống chế được dịch bệnh, nâng cao năng lực y tế chuẩn bị ở mức cao để sẵn sàng đối phó dịch bệnh ở cấp cao hơn", ông Phong nói.

Phó Bí thư Hà Nội cũng cho rằng, qua 50 ngày giãn cách xã hội, Hà Nội vẫn mở cửa chợ dân sinh, siêu thị, chợ đầu mối, đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội và các địa phương lân cận, không xảy ra khan hàng, tăng giá, ép giá trên diện rộng. Vùng với đó, thành phố đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, có sự đồng lòng, hỗ trợ của người dân...

"Thành phố khẳng định, tất cả công việc phòng chống dịch theo sự chỉ đạo của T.Ư, sự chủ động của thành phố, đến nay đang đi đúng hướng với kết quả hiện tại. Việc phòng, chống dịch nhận được sự vào cuộc, ủng hộ của đông đảo nhân dân. Người dân có niềm tin với chính quyền Hà Nội trong phòng chống dịch bệnh. Điều này cho chúng tôi sự tự tin, kiên định, quyết tâm hơn nữa", ông Phong nói.

Nguy cơ vẫn cao

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, vẫn còn một số vấn đề chưa được, như có nơi, có chỗ còn chưa quyết liệt, hiệu quả, vẫn còn tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong". Người đi đường vẫn nhiều, không đúng với tinh thần, mục tiêu của Chỉ thị 16. Một số điểm tiêm chủng còn hiện tượng đông người, không tuân thủ giãn cách.

"Tuy nhiên, ngoài trách nhiệm của anh em tổ chức thực hiện, thì cũng phải nói rằng tâm lý người dân đều muốn đến sớm để tiêm trước, sợ hết vắc xin. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có những nơi 11 giờ đêm vẫn tiêm, thậm chí là 3h sáng", ông Phong nói.

Ông Phong khẳng định, tất cả các chiến lược phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố đều có ý kiến tham khảo các chuyên gia đầu ngành, dựa trên các căn cứ khoa học như về vấn đề xét nghiệm thế nào, phong toả ra sao, chứ không hẳn chỉ là ý chí, quyết tâm chính trị.

"Chúng tôi nhận định tình hình diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp", ông Phong nói, đồng thời lý giải, thành phố Hà Nội đông dân, nhiều nơi sống trong khu tập thể ẩm thấp, chật chội, điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn, ví dụ như ở khu Thanh Xuân Trung còn sử dụng bể nước, nhà vệ sinh chung... Ngoài ra còn các lý do khác như dịch bệnh đã tấn công vào siêu thị, chuỗi cung ứng, chợ đầu mối, shipper, khu công nghiệp...

"Thực tế vẫn còn F0 lẩn khuất ở cộng đồng. Vì thế, Công điện của Thủ tướng chỉ đạo thành phố phải quyết liệt, thần tốc xét nghiệm, tiêm vắc xin. Cho đến 12/9 là phải xong xét nghiệm và tiêm chủng phải xong vào 15/9", ông Phong nói, đồng thời cho biết, việc tiêm gần 1 triệu liều vắc xin vừa được phân bổ về chỉ trong nay mai sẽ hết. "Vấn đề là có thêm vắc xin hay không", ông Phong nói.

Không thể giãn cách mãi

Ông Phong nêu về việc thành phố hiện đã phân 3 vùng để phòng, chống dịch. Trong đó tập trung siết việc phòng, chống dịch tại vùng 1, nới lỏng ở vùng 2, vùng 3 để phát triển sản xuất trên cơ sở ưu tiên số 1 vẫn là nhiệm vụ phòng, chống dịch.

"Xác định là Hà Nội không thể, không nên giãn cách và phong toả mãi được. Đây là kinh nghiệm thực tiễn của thế giới và Hà Nội. Việc giãn cách hay nới lỏng phụ thuộc hoàn toàn về dịch tễ, nguy cơ dịch bệnh của từng địa bàn", ông Phong nói.

Ông Phong hy vọng, từ nay đến 15/9, với năng lực hiện có và sự hỗ trợ của các địa phương khác, vắc xin về đến đâu, thành phố sẽ tiêm hết đến đó, mục tiêu tiêm 100% cho người trên 18 tuổi.

Nói về vấn đề hạn chế người dân ra đường trong thời gian tới, ông Phong cho rằng, bên cạnh việc quản lý, xử phạt, nhắc nhở, kiểm tra của cơ quan chức năng, ý thức người dân vẫn là quan trọng và là yếu tố quyết định.

"Chúng tôi rất tiếc là bộ phim Ranh giới nếu chiếu sớm hơn một chút thì có lẽ ý thức về hậu quả dịch bệnh đối với cuộc sống; ý thức về trách nhiệm của mình với việc chia sẻ với bác sĩ, những người trên tuyến đầu để họ đỡ phải hy sinh sẽ tốt hơn. Nếu phim chiếu sớm hơn một chút thì tốt biết bao nhiêu", ông Phong nêu.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.