Dư luận bức xúc rằng, có bao nhiêu con vật đã phải bỏ mạng cho những cảnh quay đầy ý đồ của đạo diễn phim Việt?
Không có quyền đòi hỏi ai khác chết!
Về sự việc của phim “Vừa đi vừa khóc”, đạo diễn Đoàn Minh Phượng cho rằng: “Phục vụ nghệ thuật là chuyện của anh, anh không có quyền đòi hỏi ai khác chết để anh phục vụ nghệ thuật cả”.
Nữ MC Trác Thúy Miêu nhìn nhận việc mua một lúc 4 con mèo để sử dụng như một đạo cụ và không có trách nhiệm gì với chúng là việc không thể chấp nhận.
Theo chị, trước khi thực hiện một sản phẩm hay, người làm phim cần phải làm sản phẩm của mình một cách sạch sẽ và trung thực. Và khán giả có quyền đòi hỏi người đạo diễn phải thực hiện cam kết đối xử nhân đạo với tất cả các diễn viên có tham gia phim của anh, trong đó có cả những loài động vật. Bản thân chị, sau khi hay biết thông tin 4 chú mèo con bị đoàn làm phim “ngược đãi” đến chết, chị đã nói “không” với phim của Vũ Ngọc Đãng.
Mặc dù sau này đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã đăng đàn khẳng định việc thông tin 4 chú mèo tham gia phim “Vừa đi vừa khóc” chết là bịa đặt nhưng công chúng vẫn không tin lắm vào những lời giải thích này.
Thạc sỹ Nghệ thuật Đỗ Lệnh Hồng Tú, giảng viên ĐH Sân khấu Điện Ảnh TP HCM cho rằng, Vũ Ngọc Đãng được xem là một trong những đạo diễn có biệt tài sử dụng động vật làm nhân vật trong phim.
Ngay ở bộ phim đầu tay là phim “Chuột”, Vũ Ngọc Đãng cũng đã sử dụng chuột bạch nhuộm đen rồi biến thành những chú chuột nhà để thực hiện các cảnh quay đã giúp bộ phim và tên tuổi của anh đi khá xa.
Tiếp đến, những phim “Tuyết nhiệt đới”, “Bỗng dưng muốn khóc”, “Hotboy nổi loạn”, “Vừa đi vừa khóc”… Vũ Ngọc Đãng lại tiếp tục đưa động vật vào phim như một thế mạnh của mình.
Đạo diễn Việt Đặng, giảng viên ĐH Sân khấu Điện ảnh TP. HCM cho biết, trong phim, bất kỳ con vật nào còn sống như: mèo, chó, gà, chuột… khi tham gia phim đều được xem là nhân vật chứ không phải đạo cụ. Thông thường, các con vật này sẽ được huẩn luyện để phục vụ các cảnh quay có ý đồ của đạo diễn.
Ở Việt Nam, do điều vật chất và nhân lực thiếu thốn, nên việc thuê một huấn luyện viên thuần phục những con thú hoang để phục vụ cho ý đồ của đạo diễn trong các cảnh quay rất khó khăn.
Các đạo diễn buộc lòng phải sử dụng những con thú có ngay, bắt con thú đó phải “diễn xuất” theo ý đồ của mình. Cách làm này có thể khiến phát sinh nhiều rủi ro như con thú bị chết hoặc bị thương.
Nếu nhìn ở tính nhân văn thì hành động này không nhân văn. Nhưng ở khía cạnh khác, có thể chia sẻ với đoàn làm phim do sự rủi ro này phát sinh ngoài ý muốn.
Những “nhân vật” hay bị giết thịt
Trong lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam, bộ phim “Con chim vành khuyên” của đạo diễn Nguyễn Văn Thông được xem là một trong những phim đầu tiên sử dụng động vật như một nhân vật trong phim.
Con chim vành khuyên trong bộ phim này đã xuất hiện xuyên suốt bộ phim gắn liền với nhân vật Nga do NSƯT Tố Uyên đảm nhận.
Cảnh quay được cho là ấn tượng nhất trong phim đó là ở phần cuối phim, khi bé Nga bị trúng đạn ngã xuống bên cạnh mương nước, cô đã tự tay tháo lồng thả con chim vành khuyên bay về trời.
Đạo diễn Việt Đặng (mặc áo sơ mi kẻ màu sáng) chia sẻ nhiều thông tin về việc sử dụng động vật trong phim Việt.
Theo đạo diễn Việt Đặng, những thập niên trước đây, mỗi khi đoàn phim của ông bắt tay vào thực hiện một bộ phim nào, đoàn phim cũng thường phối hợp với một nhóm huấn luyện thú ở Đầm Sen hoặc Sở Thú.
“Khi viết kịch bản về nhân vật đó, chúng tôi phải liên hệ trước với Sở Thú và Đầm Sen để tìm hiểu xem các con thú ở đó có đáp ứng được tính khả thi về nhân vật mà chúng tôi đang xây dựng. Nếu nhìn thấy tính khả thi không cao chúng tôi sẽ thay đổi lại kịch bản chứ không thể lệ thuộc hoàn toàn vào con vật.
Đó cũng là lý do khiến các đoàn làm phim ngày xưa tránh được những rủi ro không đáng có. Thậm chí, sau khi đóng máy một bộ phim, nhiều diễn viên còn gắn bó với con thú không muốn rời” – đạo diễn Việt Đặng nói.
Còn theo Thạc sỹ Nghệ thuật học Đỗ Lệnh Hồng Tú thì việc sử dụng động vật phục vụ các cảnh quay rồi đối xử tàn tệ với chúng không phải là hiện tượng phổ biến. Tuy nhiên, thực tế từng tồn tại chuyện giết thịt con vật sau khi đã quay. “Chẳng hạn, khi quay cảnh một đàn trâu đi ngang qua một hố bom bị trúng bom, nhiều con trâu bị thương nằm dạt xuống đất…
Cảnh quay sẽ khiến một vài con trâu bị thương thật. Những con trâu này chắc chắn sẽ bị giết thịt sau khi đã thực hiện xong cảnh quay. Vì sao bị giết thịt?.
Một là để khao mọi người trong đoàn làm phim sau khi đã trải qua một cảnh quay rất khó khăn.
Hai là nếu không giết thịt con trâu kiểu gì cũng chết do nó đã bị thương.
Đây là một chuyện hết sức bình thường vì khi mua con trâu để phục vụ cảnh quay người ta đã tính đến chuyện đó. Trong những phim có cảnh đâm chém hoặc tai nạn càng không thể tránh được chuyện này” – ông Hồng Tú chia sẻ thêm.
Theo ông Tú, trong phim cổ trang, ngựa là loài vật được sử dụng phổ biến nhất. Và những con ngựa trong phim cổ trang Việt như: “Lửa cháy thành Đại La”, “Tây Sơn hào kiệt”… đều được đoàn làm phim xử lý như trên. Bên cạnh đó, cũng không thiếu những bộ phim có sự gắn kết đặc biệt giữa nghệ sỹ với con vật.
Cụ thể, trong phim “Lời tạ từ trong mưa” của đạo diễn Đào Bá Sơn, con chó cảnh tham gia phim được diễn viên Mộc Miên chăm sóc rất tận tình. Hoặc mới đây, có một đoàn làm phim quay một cảnh cần rất nhiều con ếch.
10 con ếch được đặt mua từ miền Tây đem lên Sài Gòn chưa kịp quay đã bị chết mất 9 con rồi. Anh đạo cụ rất thương đã khóc khi nhìn thấy những con ếch bị chết, anh không nỡ giết thịt.
Theo Hà Tùng Long