Phim Việt và những diễn viên 'mới toanh'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nếu như trước đây, các diễn viên ra trường phải loay hoay không biết mình sẽ bắt đầu từ đâu, thậm chí thất nghiệp, bỏ nghề… thì nay, sự lên ngôi của phim truyền hình, mạng xã hội… đã giúp họ tự tin hơn, có nhiều cơ hội hơn khi theo đuổi đam mê diễn xuất.

“Làn gió mới” của phim Việt

Trước đây, mở phim truyền hình Việt chỉ thấy những gương mặt quen thuộc như Hồng Diễm, Phương Oanh, Thu Quỳnh, Mạnh Trường, Thanh Sơn, Việt Anh… thì 1- 2 năm gần đây, màn ảnh nhỏ đã xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới - những diễn viên rất trẻ. Họ, ít nhiều đã tạo dấu ấn, góp phần mang đến “làn gió mới” cho phim Việt.

Ở “Hương vị tình thân”, đó là Bích Ngọc, Sỹ Hưng, Ánh Tuyết. Phim “11 tháng 5 ngày” có Khả Ngân, Lương Thanh.

Ở “Thương ngày nắng về” là Ngọc Huyền vai cô em gái út nhí nhảnh. “Phố trong làng” góp mặt Ngọc Anh, Trần Vân. Hay những bộ phim mới gần đây như “Anh có phải đàn ông không” với sự tham gia của Việt Hoa, Anh Phương. “Lối về miền hoa” cũng ghi dấu ấn của diễn viên trẻ Anh Đào, Lâm Đức Anh.

Ở phía Nam, có Minh Trang trong “Cây táo nở hoa”, PT Ngọc Diệp trong “Sui gia hay xui gia”, Trình Mỹ Duyên trong “Anh yêu em được bao lâu?”…

Phim Việt và những diễn viên 'mới toanh' ảnh 1

Bộ phim “Lối về miền hoa” quy tụ nhiều gương mặt diễn viên trẻ

Đặc biệt, các diễn viên trẻ như Anh Đào, Ngọc Anh, Ngọc Huyền dù là những gương mặt còn khá xa lạ với khán giả nhưng vẫn được đạo diễn tin tưởng giao cho vai chính hoặc thứ chính. Nhiều diễn viên lâu nay vốn quen với vai phụ như Duy Hưng, Trọng Lân cũng được giao cho đảm đương vai chính…

Có thể so với các đàn anh đàn chị đi trước, dấu ấn của dàn diễn viên trẻ chưa thực sự nổi bật nhưng với nỗ lực của mình, ít nhất họ đã mang đến sự mới mẻ cho màn ảnh Việt thời gian qua.

“Cung” không đủ “cầu”

Theo đại diện của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) - đơn vị bao thầu toàn bộ phim Việt giờ vàng trên mọi kênh sóng của VTV hiện đang phải sản xuất tới 520 tập phim mỗi năm để đảm bảo phát sóng từ thứ 2 đến thứ 6 trên các kênh sóng VTV1, VTV3, trong đó có một nửa là phim 30 phút (phát 5 ngày trong tuần trên VTV1). Điều này có nghĩa VFC đang cần tới một lượng diễn viên rất lớn.

Bên cạnh việc tìm kiếm diễn viên đến từ các nhà hát, diễn viên được đào tạo bài bản từ trường Sân khấu Điện ảnh ngay khi còn là sinh viên hay mới ra trường, diễn viên tự do thì VFC phải tự mở các lớp đào tạo diễn viên truyền hình để tìm các gương mặt mới.

Ra đời từ năm 2003 cho đến nay, cuộc thi Tuyển chọn và Đào tạo diễn viên phim truyền hình của VFC đã đóng góp cho phim ảnh nước nhà không ít gương mặt diễn viên tài năng như Hồng Diễm, Mạnh Trường, Việt Anh… Khóa học năm 2022 mới khai giảng vào tháng 5 vừa qua cũng đã thu hút được sự tham gia của nhiều bạn trẻ yêu nghệ thuật.

Phim Việt và những diễn viên 'mới toanh' ảnh 2

Dù vẫn còn xa lạ với khán giả nhưng diễn viên trẻ Ngọc Anh vẫn được giao vai nữ chính phim “Phố trong làng”

Hiện, gần 40 học viên trúng tuyển đang được đào tạo bài bản bởi bộ ba NSND: Trung Anh, Lan Hương, Trọng Trinh. Phát hiện tố chất, năng khiếu và khơi gợi, định hướng để các bạn trẻ rèn luyện và phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế trong diễn xuất là nhiệm vụ của những người tổ chức khóa học này.

Không chỉ nhận xét, góp ý từng điểm được và chưa được trong diễn xuất, giọng thoại... của mỗi học viên, đặt ra tình huống bất ngờ đòi hỏi khả năng ứng biến nhanh nhạy và diễn xuất, các giám khảo còn nhiệt tình chia sẻ và truyền tải kiến thức, kinh nghiệm cho các học viên.

Ở phía Nam, nhiều khóa học đào tạo diễn xuất tư nhân cũng mở ra rầm rộ với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi như NSND Hồng Vân, NSND Việt Anh, NSƯT Trịnh Kim Chi… Vừa chủ động tìm kiếm nguồn diễn viên mới, vừa không bị động về nhân lực, các “lò đào tạo” này cũng phát hiện thêm những yếu tố mới thu hút khán giả.

Tôi rèn bằng “thực chiến”

Khóa học ngắn của VFC chính là môi trường để những thí sinh thế hệ “gen Z” có cơ hội tiếp cận với các dự án phim của “vũ trụ VTV”. Sau khóa đào tạo, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình sẽ lựa chọn các học viên xuất sắc có kỹ năng diễn xuất phù hợp và đáp ứng phù hợp với vai diễn của bộ phim để tham gia một số bộ phim dài tập do VFC thực hiện.

Với mong muốn chắp cánh đam mê cho các diễn viên trẻ sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo nâng cao, NSND Hồng Vân, “bà bầu” của Sân khấu kịch Phú Nhuận cũng vừa dựng các vở kịch dài trên sân khấu, vừa sản xuất thêm các dự án phim trên YouTube để tạo cơ hội cho dàn diễn viên trẻ ra mắt công chúng.

Luôn ám ảnh về số phận diễn viên trẻ sau khi học nghề phải chịu cảnh thất nghiệp, NSND Việt Anh tạo cơ hội làm nghề cho các diễn viên trẻ bằng một cách khác. Ông lập ra kênh YouTube lấy tên "Chuyện tử tế", với hàng chục phim ngắn từ 10-15 phút, giúp học trò của mình đến gần hơn với khán giả. Dự án phim này không chỉ nhận được đánh giá tốt của người xem, đồng nghiệp, mà còn thu hút được tài trợ của Quỹ phát triển Tài năng Việt.

Nghệ sĩ Hồng Trang của nhóm kịch Đời cũng tạo cơ hội cho hơn 20 học viên của mình có thể tiếp cận sân chơi mới tại Sân khấu kịch công nhân của Cung Văn hóa Lao Động TPHCM. Nhà hát Trần Hữu Trang cũng quy tụ hơn 30 diễn viên, đạo diễn, tác giả trẻ để thành lập Sân khấu Tài năng trẻ.

Tương tự, Nhà hát kịch TPHCM đã tạo đất diễn cho đạo diễn, diễn viên trẻ mang tên CLB Ngôi sao xanh… Rõ ràng, cơ hội cho những bạn trẻ yêu nghề diễn không hề thiếu, đặc biệt là với những bạn không đủ điều kiện thi vào các trường đào tạo chuyên nghiệp.

Là một trong những giám khảo của cuộc thi Tuyển chọn và Đào tạo diễn viên phim truyền hình 2022 của VFC, NSND Trọng Trinh cho biết chất lượng thí sinh năm nay đồng đều hơn các năm trước, giám khảo không còn phải “so bó đũa chọn cột cờ”. Hầu hết các bạn trúng tuyển đều sở hữu chiều cao nổi bật, cân đối hình thể, khuôn mặt đẹp.

“Tuy nhiên, nhiều bạn mới chỉ thích điện ảnh, thích truyền hình chứ chưa biến niềm yêu thích đấy thành đam mê. Các bạn đôi khi bị hào quang bên ngoài của nghề làm lu mờ chứ chưa hình dung được những khó khăn, vất vả của người trong nghề. Có những người có chút hình thức, họ ngộ nhận đó là tài năng”, vị đạo diễn nổi tiếng nhận xét.

NSND Lan Hương, người đã tham gia công tác tuyển chọn và giảng dạy lớp diễn viên truyền hình của VFC từ những ngày đầu đến nay cũng cho rằng, điều quan trọng nhất là bản thân các bạn trẻ phải nỗ lực, tìm tòi học hỏi và tư duy liên tục mới lĩnh hội và có thể làm tốt khi đảm đương một vai diễn.

Cơ hội luôn rộng mở, cộng với những ưu thế vượt trội của thế hệ gen Z như tiếp cận công nghệ nhanh nhạy, kĩ thuật hiện đại, sự tự tin theo đuổi đam mê, các diễn viên trẻ hoàn toàn có thể chinh phục giấc mơ nghệ thuật của mình.

MỚI - NÓNG