Từ 5 kịch bản chiến thắng trong số 86 kịch bản dự thi vào tháng 10-2009, 4 bộ phim hoàn chỉnh đã ra đời. Thành phố 1.000 tuổi của đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà, Những chiến binh chống tắc đường của Phan Duy Linh, Rạp chiếu phim di động của bác Long của Nguyễn Mạnh Cường và Lễ cải táng của Đào Thanh Tùng sẽ ra mắt cho gần 400 triệu khán giả của chuyên mục ăn khách Travel & Living (tạm dịch: Đi và sống).
Đây là kết quả dự án Lần đầu làm phim (The First Film Maker) do quỹ Ford tài trợ với tổng trị giá 250.000USD kéo dài một năm rưỡi. Những bộ phim hẳn sẽ không thuyết phục khán giả bằng hình ảnh sắc nét hay khuôn hình ấn tượng mà bằng những câu chuyện độc đáo, chỉ Việt Nam, Hà Nội mới có. Tất nhiên, không thể đòi hỏi bộ phim chằn chặn 30 phút có thể đào xới vấn đề tới nơi tới chốn, nhưng ở góc độ du lịch, đây là những phim thành công. Người Việt Nam cũng có thể thấy thú vị khi xem.
Bác Long và dịch vụ chiếu phim theo kiểu thô sơ có một không hai, nhân vật quen thuộc của báo chí vài năm gần đây, thêm một lần trở thành nhân vật của bình luận viên thể thao Nguyễn Mạnh Cường. Bác tự làm phim từ A tới Z: Kịch bản, đạo diễn, đạo cụ, lồng tiếng, bán vé... Bằng các dụng cụ tự chế, bác sản xuất được loại phim có mùi vị hẳn hoi.
Mặc dù mang bệnh nặng, bác vẫn rong ruổi trên các nẻo đường Hà Nội để đem lại tiếng cười cho khán giả, nhất là các em nhỏ. Bác làm công việc này vì đam mê hơn là mưu sinh. Chính các nhà làm phim đã góp phần tạo nên cái kết đẹp khi giúp bác Long làm được một bộ phim hoạt hình cắt giấy đúng nghĩa, trình chiếu tại Bảo tàng Dân tộc học.
Sự xa xỉ khi dùng người thật để làm giải phân cách chống ùn tắc giao thông của Việt Nam chắc cũng khiến khán giả nước ngoài phải ngạc nhiên. Giao thông ở Hà Nội luôn làm cho du khách nước ngoài phát hoảng về độ lộn xộn.
Thông điệp của Những chiến binh chống tắc đường: “Không phải chúng tôi hoàn toàn bó tay trước thực trạng giao thông”. Bộ phim cho người xem thấy đôi nét hậu trường của kênh VOV giao thông mà độ ăn khách tỷ lệ thuận với tắc đường; cũng như sự nhiệt tình của nhóm sinh viên tình nguyện đã giúp cho giao thông ở một ngã ba thuận lợi hơn.
Lễ cải táng truyền thống của người Việt hẳn sẽ khiến người xem nước ngoài tò mò. Phim của Đào Thanh Tùng không đi sâu miêu tả các công đoạn giật gân của việc cải táng mà nói về cảm xúc của thân nhân người được cải táng và tâm trạng của những người làm công việc sẽ trở thành quá vãng này, khi xu hướng điện táng ngày càng rõ.
Qua bộ phim khá có cảm xúc này, người xem phần nào thấy được nhân sinh quan truyền thống của người Việt Nam. Phim sẽ tạo được những ấn tượng mạnh hơn bằng xử lý ánh sáng hoặc góc quay chứ không chỉ bằng những giọt nước mắt của nhân vật. Và giá như nhạc phim tận dụng một số nét nhạc bát âm truyền thống chắc sẽ khiến cảm nhận của người xem nước ngoài được trọn vẹn hơn.
Trong các hoạt động kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, Nguyễn Mạnh Hà chọn lấy hai trường hợp đặc biệt để đưa vào phim của mình. Một cụ già mừng tuổi thành phố bằng cách thôi không vạ vật trong lòng di tích Ô Quan Chưởng mà về nông thôn ở với cháu. Nói là vạ vật nhưng bà đã ở đó độ 40 năm nay và là một thành phần quen thuộc của khu dân cư quần tụ nơi đây.
Tuy nhiên, hẳn thời lượng phim không cho phép nói nhiều hơn về nếp ăn ở, mưu sinh của nhân vật đặc biệt này. Đối lập với thân phận bà cụ là vẻ hoành tráng của dự án Cầu Âm thanh - món quà mừng sinh nhật quê hương của nghệ sĩ Đào Anh Khánh. Mặc dù có được một số cảnh quay hoành tráng, cái tên Thành phố 1.000 tuổi có vẻ vẫn là một cái áo hơi rộng so với nội dung phim.
Đáng ra có 5 phim Việt chiếu trên Discovery, tiếc là Thành phố đam mê của Phan Ý Ly bị loại vì lý do kỹ thuật. Phim của nữ đạo diễn nói về 3 phụ nữ trung niên ban ngày có thể ngồi bán đậu phụ, nhưng đêm xuống tỏa sáng trên sàn nhảy cổ điển. |