Phim về nghề chuyên biệt: Không dễ 'nhằn'!

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Hành trình công lý”, bộ phim truyền hình nói về ngành Kiểm sát nhân dân đang thu hút sự quan tâm của khán giả. Những ý kiến trái chiều, những bình luận khen chê xung quanh bộ phim đã một lần nữa khẳng định: Làm phim về các ngành nghề chuyên biệt không hề dễ “nhằn”.

Quay 1 cảnh 70 lần, học thoại “trẹo cả mồm”

Giữa tháng 10, “Hành trình công lý” bắt đầu lên sóng, với tham vọng đưa hình ảnh người cán bộ kiểm sát trong đời sống hàng ngày, sự đấu tranh tâm lý khi người thân, đồng nghiệp của mình là người gây án, người liên quan đến vụ án… qua đó, làm rõ những khó khăn, trăn trở của người cán bộ kiểm sát trong hành trình thực hiện công lý.

Phim về nghề chuyên biệt: Không dễ 'nhằn'! ảnh 1

Bộ phim “Hành trình công lý” khai thác câu chuyện nghề luật sư

Lần đầu tiên nữ diễn viên Hồng Diễm vào vai một luật sư - vai diễn đòi hỏi khả năng diễn xuất đa dạng, có những chuyển biến tâm lý phức tạp, đôi khi mâu thuẫn giữa lý trí và cảm xúc. Không những thế, cô còn phải nghiên cứu rất nhiều về luật, các từ ngữ chuyên ngành. Nữ diễn viên “đau khổ” thú nhận mình đã bị căng thẳng đến nỗi da dẻ nổi nhiều mụn khi tham gia bộ phim này.

Hà Việt Dũng từng đóng vai thẩm phán trong bộ phim “Lựa chọn của số phận” nên khi tham gia “Hành trình công lý”, anh không gặp quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những cảnh phải quay đi quay lại nhiều lần chỉ vì sai 1-2 câu thoại. “Vào vai kiểm sát viên, tôi không cho phép mình sai sót bất cứ từ ngữ nào trong lời thoại, nhất là những từ chuyên môn “, nam diễn viên chia sẻ.

Trước đó, “Lửa ấm” là bộ phim hiếm hoi phản ánh chân thực sự vất vả, nguy hiểm trong công việc của các chiến sĩ Phòng cháy chữa cháy. Vào vai người lính cứu hỏa dũng cảm, không ngại gian khổ, nam diễn viên Quốc Thái nhớ mãi cảnh phim thực hiện từ 10h sáng tới 1h trưa, trong chiếc thùng xe tải không khác gì lò hấp nhiệt, khiến bản thân bị thiếu oxy trầm trọng. Trong quá trình quay phim, anh cũng tự mình thực hiện nhiều cảnh quay nguy hiểm như cảnh chữa cháy, cứu người, cứu tài sản cho nhân dân, cảnh cứu nạn cứu hộ người nhảy lầu tự tử, ngáo đá, rơi xuống vực, gỡ mìn... để tạo được sự chân thực, cảm xúc cho vai diễn.

Với diễn viên Mạnh Quân, 6 tháng đóng phim “Lửa ấm” cũng để lại cho anh rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đặc biệt là những cảnh quay thực hiện bài tập thể lực nặng, thậm chí anh và các bạn diễn phải vác thang 20kg chạy quanh sân trong thời tiết 40 độ C, rồi chui vào container đốt lửa bên trong. Để vào vai các chiến sĩ lính cứu hỏa thuyết phục được người xem, các nam diễn viên trong “Lửa ấm” đều phải trải qua khóa huấn luyện cơ bản, học cách leo tường, bê vác, những thao tác cứu hộ cứu nạn chuẩn như những người lính.

“Lửa ấm” cũng khắc họa công việc của những người làm nghề y. Vào vai nữ bác sĩ, diễn viên Thúy Hằng cho biết, cô phải tập rất nhiều về tác phong, cách giao tiếp đặc thù của nghề. Riêng phần thoại của nhân vật, cô đã phải học rất nhiều từ ngữ chuyên ngành mà đôi khi “đọc xong không còn nhớ gì nữa”. Cô được vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để học cách chăm sóc, khám cho bệnh nhân, thậm chí tự tay lấy máu cho bệnh nhân, ép tim… Các phân cảnh chủ yếu ở phòng cấp cứu, đối diện cả với những trường hợp chết lâm sàng, bệnh nhân tai nạn giao thông… “Ngày đầu tiên sau khi quay về, tôi không ăn được miếng cơm nào luôn. Mùi máu, mùi thuốc sát trùng ám ảnh cả trong giấc ngủ”, cô nói.

“Sinh tử” có lẽ là bộ phim đầu tiên nói đến công việc của những kiểm sát viên. Diễn viên Mạnh Trường chia sẻ có những lời thoại anh đọc mà không hiểu gì, có cảnh phải quay đến 70 lần. Còn nam diễn viên Doãn Quốc Đam thì dành nguyên cả ngày chỉ để tập đi tập lại dáng đi sao cho ra chất một công an.

Ngay cả với diễn viên lão luyện như NSND Trung Anh cũng gặp khó khi lần đầu đảm nhận vai cán bộ công an trong phim “Đấu trí” - bộ phim xoay quanh đề tài cảnh sát hình sự. Có cảnh quay đọc lệnh bắt thôi nhưng ê kíp phải làm đi làm lại nhiều lần. Có khi một trang kịch bản có đến hơn chục tên công ty rất dài, đòi hỏi diễn viên phải thuộc làu, lỡ sai một từ là cả ê kíp trong cảnh quay này phải làm lại, đến mức nam nghệ sĩ nói vui là diễn viên học thoại “trẹo cả mồm”…

Diễn viên Quốc Huy thì có những kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia phim “Mặn hơn muối”, bộ phim nói về nghề làm muối của những người nông dân Phan Rang. Anh và ê-kíp diễn viên được trải nghiệm cách chăn dê, đóng tàu, cào muối trên cánh đồng nắng cháy. Còn khi đóng vai anh nông dân trồng điều trong phim “Con dâu”, diễn viên Trí Quang phải quan sát, học hỏi rất nhiều từ những người dân địa phương, đặc biệt là học cách thu hái, chế biến hạt điều.

Sợ người trong nghề xem rồi… cười

Những bộ phim về ngành nghề có một điểm thú vị là còn cung cấp thêm cho khán giả những thông tin về nghề nghiệp đó, những góc khuất phía sau. Tuy nhiên, áp lực mà ê-kip làm phim phải đối diện không hề nhỏ.

Phim về nghề chuyên biệt: Không dễ 'nhằn'! ảnh 2
Nam diễn viên Mạnh Trường từng gặp nhiều khó khăn với lời thoại trong phim “Sinh tử”

Nhóm biên kịch “Hành trình công lý” mất 2 năm để chuẩn bị kịch bản và nhờ sự tư vấn nghề nghiệp chuyên sâu từ các luật sư, chuyên gia của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, dù mới phát sóng hơn chục tập, phim đã khiến khán giả ngán ngẩm. Những tình tiết như nữ luật sư Phương “dúi tiền” vào tay lễ tân để khai thác thông tin gây tranh cãi dữ dội. Hay trong vụ tranh chấp tài sản, thay vì đứng về phía thân chủ theo nguyên tắc của một luật sư thì Phương lại làm theo cảm xúc và hợp tác với bên còn lại của vụ tranh chấp, phản bội thân chủ của mình trước toà. Giới luật sư cho rằng biên kịch của phim quá hời hợt khi tìm hiểu về nghề luật sư.

Trước đó, “Lửa ấm” cũng có những “hạt sạn” không đáng có về kiến thức lây nhiễm HIV. Phim có cảnh một chiến sĩ PCCC bế người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện, sau đó bác sĩ thông báo chiến sĩ ấy bị phơi nhiễm HIV. Hay chi tiết nữ bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân đã bị phơi nhiễm HIV phải cách ly 2 ngày để phòng chống lây nhiễm HIV ra ngoài cộng đồng cũng là sự sai lệch chuyên môn.

Có thể nói, phim về đề tài ngành nghề luôn là mảnh đất nhiều tiềm năng để các nhà làm phim khai thác. Tuy nhiên, đây cũng là lãnh địa “khó nhằn”, dễ bị khán giả “soi”. Rất nhiều bộ phim đã bị chê giả, nhạt nhẽo, chưa phản ánh đúng về nghề.

Là diễn viên gạo cội, NSND Lan Hương cho biết, trong những năm đi làm phim của chị, thì làm phim về ngành thường rất “khoai”, do những đặc thù riêng. Đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo, vị đạo diễn từng làm nên thành công của “Gió nghịch mùa”, “Thứ ba học trò”, “Mẹ chồng nàng dâu”… cũng đánh giá: so với làm phim về đề tài tình yêu, mâu thuẫn trên thương trường, tranh giành tài sản trong gia đình thì phim về nghề vất vả hơn nhiều lần. Đầu tiên là do các đạo diễn hầu như là người “ngoại đạo”, không có chuyên môn sâu về nghề mà bộ phim sắp làm đề cập. Ngoài việc phim phải hấp dẫn với số đông khán giả thì áp lực lớn nhất của đạo diễn là làm sao phản ánh được đặc trưng của nghề để không bị chính người trong nghề khi xem phim bắt bẻ. Tìm hiểu qua sách báo, internet và gặp gỡ, mời các nhà chuyên môn làm cố vấn cho phim là cách mà nhiều đạo diễn hiện nay đang áp dụng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.