Phim truyền hình muốn ly thân quảng cáo

Phim truyền hình muốn ly thân quảng cáo
TP - “Chúng tôi muốn phim này sạch sẽ, chỉn chu hơn Gia tài bác sĩ nên quyết định không đưa quảng cáo vào”, tại buổi ra mắt phim Hoa thiên điểu (30 tập, phát từ 26/11 trên HTV9), đại diện Hãng phim M&T Pictures chia sẻ.

Cơn cớ vì sao nhà sản xuất phải bày tỏ về câu chuyện tế nhị- quảng cáo lồng ghép trong phim?

Và có phải lúc nào cũng dễ dàng làm một phim hoàn toàn ly thân quảng cáo như Hoa thiên điểu?

Hết thời lăm lăm mổ xẻ tìm sạn trên phim truyền hình thì bây giờ lại cầm kính lúp soi có bao nhiêu sản phẩm quảng cáo trong một bộ phim.

Đây là cách nói hình ảnh cho tiếng thở than ngày càng nhiều về sự quảng cáo quá lộ liễu trên phim truyền hình gần đây.

Không khó để phát hiện có quảng cáo trong phim, và cũng không nên ác cảm với phim có lồng ghép quảng cáo. Nếu không có quảng cáo thì không thể có nhiều phim để lướt sóng! Đó là một thực tế.

Vấn đề đặt ra là đạo diễn và nhà quảng cáo phải thoáng hơn, khôn ngoan hơn để không bị người xem bắt lỗi.

TFS mới đây tung phim Chuyện tình công ty quảng cáo, đề cập hẳn chuyện bếp núc của nghề làm quảng cáo trong 30 tập (phát lúc 18 giờ từ 23/11 trên HTV9) với dàn diễn viên thuộc giới chân dài lộng lẫy Vũ Thu Phương, Bình Minh, Diễm My, Bùi Việt Hà, Lê Quý Bình...

Bộ phim vừa dứt sóng Bỗng dưng muốn khóc cũng bị đào xới chuyện quảng cáo lồng ghép trong phim lẫn quảng cáo xen giữa thời lượng chiếu phim.

Tuy nhiên, đã thấy manh nha một vài yếu tố lồng ghép quảng cáo mà cả đạo diễn lẫn nhà tài trợ dám “nghĩ khác”: taxi không chịu chở đám thanh niên đầu tóc bê bết sơn; quản lý nhà hàng bánh than phiền dạo này ế quá nên phải thuê hoạt náo viên để hút khách.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia sở hữu nhiều đài truyền hình bậc nhất (khoảng 60 đài truyền hình với nhiều kênh)! Lượng sóng lớn khiến nhu cầu giải trí trở thành chiếc dạ dày vô lượng, nếu phim Việt không đủ sức chiếm sóng thì sẽ tiếp tục ngập tràn phim Trung Quốc, Hàn Quốc.

Vậy nên chưa bao giờ người làm phim được thả sức tung hoành như hiện nay. Cánh đạo diễn chuyên ngành phim điện ảnh cũng hào hứng với phim truyền hình.

Đạo diễn Nhâm Minh Hiền từng bỏ ra 8 năm học làm báo hình và làm việc ở Đài PT-TH Lâm Đồng, rồi cũng từ giã phố núi Đà Lạt để trở lại TPHCM với phim đầu tay Hoa thiên điểu: “Tôi về làm Phó giám đốc phụ trách kinh doanh của Vifa nhưng có lẽ công việc này cũng phải tạm gác lại bởi sắp tới sẽ đạo diễn một số phim khác. Tôi đang nghiên cứu kịch bản 54 tập Dòng sông huynh đệ...”.

Lê Hùng Phương diễn viên quen thuộc ở TPHCM nay cũng lần đầu ra mắt phim Chuyện tình công ty quảng cáo do anh tự viết kịch bản và đạo diễn...

Cơ hội đang trong tầm tay, đừng thở than và đổ lỗi mà hãy nghiêm túc để tự khẳng định. Phim có “sạch” hay không chẳng nằm ở chỗ nó có ít hay nhiều quảng cáo, hội tụ ít hay nhiều diễn viên sáng giá...

Quảng cáo là yếu tố kích cầu cho sản xuất phim nội, chẳng phải đã sớm có nỗi lo sang năm khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng khiến lượng phim tư nhân cũng giảm đó hay sao? Hoặc cả thế giới chẳng đang xem Định mức khuây khỏa với bao thương hiệu sản phẩm hỗ trợ hay sao?

Vấn đề là quảng cáo phải nhuần nhuyễn với mạch phim và đem lại thông tin hữu ích cho người xem, hoặc ít ra phải thỏa mãn phần nhìn. Nội dung phim dở chính là yếu tố gây hại nhất cho nhà quảng cáo bởi khán giả chẳng biết chăm chú vào đâu nên đành ngồi mà “soi” vậy!

MỚI - NÓNG