Phim tài liệu: Chưa chạm tới đời sống

“Chuyện ngày hôm qua” là phim tài liệu Việt hiếm hoi ra rạp tham gia LHP Tài liệu châu Âu-Việt Nam.
“Chuyện ngày hôm qua” là phim tài liệu Việt hiếm hoi ra rạp tham gia LHP Tài liệu châu Âu-Việt Nam.
TP - Đánh giá một số phim tài liệu gần đây ghi được dấu ấn nhất định, đạo diễn nổi tiếng Trần Văn Thủy cho rằng chưa nhiều phim chạm tới “dây thần kinh của xã hội” và vẫn nặng tính phụ họa.

Nặng trình bày

Đạo diễn Chuyện tử tế, Hà Nội trong mắt ai theo dõi rất sát các kỳ LHP Tài liệu châu Âu-Việt Nam-nay bước sang năm thứ 8. Khán giả Hà Nội, TPHCM khá nồng nhiệt với các suất chiếu từ 9-18/6 với 21 phim, chưa kể chùm phim độc lập ở hai miền. Đạo diễn Trần Văn Thủy đánh giá nhà tổ chức mất công sức, tiền bạc nhưng  quan trọng nhất là chất lượng, trình độ và tấm lòng của người xem. 

Ông  thẳng thắn nhận xét chất lượng phim hiện nay, ít nhiều tiến bộ nhưng chưa chạm vào vấn đề xã hội đang cần. “Về cơ bản phim  ta vẫn nặng tính phụ họa đường lối chính sách, cổ vũ lòng tin, để trình bày giải thích chuyện A chuyện B thay vì đặt vấn đề về cốt cách con người và phản ánh hiện thực đời sống”, Trần Văn Thủy phát biểu. Ông nói thêm, một sản phẩm văn hóa nếu không có tư tưởng thì chỉ dừng lại ở sản phẩm,  có tư tưởng mới thành tác phẩm. “Một tác phẩm đụng vào đời sống xã hội sẽ thành kiệt tác, còn nếu không, nó chẳng ích lợi gì cho đời sống”, ông nói.

Gần đây vài phim manh nha ra rạp, thu hút chú ý như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Chuyện ngày hôm qua. Tuy nhiên, nhiều phim vẫn mắc phải bệnh nặng lời bình. “Phim nước ngoài thường để hình ảnh thay lời muốn nói, chúng ta vẫn bị làm phim theo nếp cũ”, đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn nói. Đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm (Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng) nêu quan điểm không lên án lời bình trong phim tài liệu, tuy nhiên nhận thấy điều này được tiết chế khá nhiều thời gian qua. Thắm chỉ ra rào cản của các hãng phim, đài truyền hình: Sản xuất theo kế hoạch, theo khung sẵn cho nên không tránh được, còn nhà làm phim độc lập có thể sẵn sàng bỏ ra ba, bốn năm theo đuổi tận cùng câu chuyện.

Dòng chảy âm thầm

“So sánh với phim nước ngoài thật khập khiễng, dù sao tôi thấy dấu hiệu khởi sắc thời gian gần đây. Ở quốc gia nào cũng thế, phim tài liệu là dòng chảy âm thầm, ngày càng thu hút khán giả nhưng không ồ ạt như điện ảnh”, Nguyễn Thị Thắm nói. Đạo diễn trẻ này theo sát các liên hoan phim tài liệu châu Âu-Việt Nam từ những ngày đầu. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng được phát hiện tại kỳ liên hoan 2014, trước khi công chiếu rộng ở Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành khác. Sau bộ phim gây tiếng vang, năm ngoái Thắm hoàn thành dự án thứ hai dễ dàng hơn, bởi được hỗ trợ nhiều hơn.

Đạo diễn nổi tiếng người Bỉ năm lần tới Việt Nam lên lớp về phim tài liệu đánh giá: “Mấy năm qua tôi thấy đội ngũ đạo diễn trẻ được đào tạo tốt về mặt kỹ thuật, trang bị kiến thức mới về cách viết và thể hiện. Có đột phá so với cách viết truyền thống mang tính giáo huấn trước kia”. Năm nay, ông Thierry Michel  giới thiệu phim Người chữa lành vết thương cho phụ nữ, sự nổi giận của Hippocrates-giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan quốc tế. “Lí do phim được đón nhận bởi nói về  chân dung một con người đặc biệt. Ông bác sỹ người da đen là nhân chứng cho sự tàn khốc của chiến tranh,  đấu tranh không mệt mỏi bảo vệ người phụ nữ là nạn nhân bạo hành tình dục”, đạo diễn Bỉ nói.

Các nhà làm phim đều thừa nhận khán giả ngày càng quan tâm tới phim tài liệu, nhất là khán giả trẻ. Tuy thế để có được  bộ phim hấp dẫn, có tư tưởng không phải điều đơn giản. Đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn nói, các nhà làm phim tài liệu đang mày mò bằng cách kêu gọi kịch bản xuất sắc để tìm nguồn tài trợ, hợp tác quốc tế. Kinh nghiệm của Nguyễn Thị Thắm cho thấy, dù xã hội không ít vấn đề đáng quan tâm nhưng  mỗi đạo diễn phải tìm được đề tài đáng giá để theo đuổi. “Làm bộ phim đến bờ đến bến không đơn giản. Đáng ngại nhất là trong đầu không có gì, trong tim không có gì, không có gì để mà vui mà buồn. Chỉ khi đạo diễn đắm đuối với cuộc đời thì mới nảy ra ý tứ, sản sinh tác phẩm lớn. Khán giả bây giờ rất tinh. Họ mới là những người cầm cân nảy mực, không phải danh hiệu chúng ta nhận được”, Trần Văn Thủy nói.

MỚI - NÓNG